Bà Tuyết đã bán sứa đỏ gần 30 năm ở Thanh Hà (Hà Nội). Dù quán nhỏ, cũ kĩ nhưng cứ vào mùa sứa, bà lại bán “mỏi tay”, ngày hết 70-80kg. Quán của bà trở thành địa chỉ quen thuộc của những thực khách yêu thích món ‘sashimi Việt’ đỏ au.
“Đến hẹn lại lên”, những ngày giao mùa tháng 4, thực khách Hà Nội chờ đón món sứa đỏ giòn sần sật, ăn kèm đậu phụ nướng beo béo, cùi dừa bùi bùi, tía tô, kinh giới thơm thơm và chấm đẫm mắm tôm. Món này chỉ bán một, hai tháng trong năm nên số quán ngon, lâu đời ở Hà Nội có thể “đếm trên đầu ngón tay” như ở 70 Hàng Chiếu, số 1 Lê Văn Hưu, 16B Đường Thành, 20 ngõ Gốc Đề… và số 1 Thanh Hà – gần chợ Đồng Xuân
Món sứa đỏ có nguồn gốc từ Hải Phòng rồi được đưa về Hà Nội bán từ vài chục năm trước. Ngày nay, giới trẻ thường gọi sứa đỏ là “sashimi phiên bản Việt” hay “sashimi vỉa hè”…
Bà Thu Tuyết (63 tuổi) ở ngõ Thanh Hà đã bán sứa đỏ gần 30 năm. Theo bà Tuyết, năm nay sứa đỏ có muộn hơn và mất mùa nên số lượng ít, giá thành cao. Toàn bộ sứa được gia đình bà nhập từ mối quen lâu năm tại Hải Phòng. Bà Tuyết vừa thoăn thoắt cắt sứa cho khách vừa chia sẻ: Sứa có màu đỏ ăn là do được ngư dân làm sạch rồi ngâm trong nước lá lăng, vỏ sú vẹt
Loại hải sản này khi vận chuyển phải “nâng như nâng trứng” để giữ được độ tươi, ngon, không bị dập nát. “Sứa ngon phải có phần chân và bìa cứng, dày. Khi ăn, khách thấy giòn sần sật, mát lạnh”, bà Tuyết cho hay. Khi sứa mang tới Hà Nội, bà tiếp tục ngâm, rửa, sơ chế rất nhiều lần. Khi đưa sứa ra chậu nhôm để chuẩn bị bán, bà Tuyết thường bỏ thêm vỏ chanh để khử mùi tanh.
Chân sứa sần sật và giòn, còn thân sứa thì mềm như thạch, không cần ướp lạnh nhưng ăn vẫn có cảm giác thanh mát. Nhiều thực khách thường gọi đây là món ăn “hạ hỏa” hiệu quả trong mùa hè
Khi ăn, thực khách đặt miếng sứa lên lá tía tô, lần lượt thêm cùi dừa thái mỏng, lát đậu nướng, lá kinh giới, cuộn tròn lại rồi chấm với mắm tôm. Phần cùi dừa phải chọn vừa khéo, không quá non cũng không quá già. Đậu nướng thơm, béo. Do sứa có tính hàn nên thực khách kết hợp thêm với tía tô và kinh giới – những loại thuốc Đông y, có tính ấm, giúp trung hòa món ăn, không gây đau bụng
Nhà bà Tuyết dùng mắm tôm Thanh Hóa rồi gia giảm thêm với mì chính, đường, chanh, ớt. Khi thưởng thức, khách đánh đều tay cho đến khi bọt mắm nổi lên, dậy mùi thơm
Ngày trước, người bán thường dùng que tre vót mỏng để cắt sứa. Tuy nhiên hiện nay, do sợ tre dễ mục nên bà Tuyết dùng loại dao inox rất sắc bén. Theo bà Tuyết, mỗi ngày, quán của bà bán hết 70-80kg sứa đỏ, ước chừng 500 suất. Phần lớn khách hàng là các tiểu thương, khách hàng tại chợ Đồng Xuân hoặc người dân khu vực lân cận.
Do bán hàng ngay sát vỉa hè, chỗ ngồi chật hẹp nên từ 9-12h sáng, bà Tuyết chủ yếu bán mang về. Bà chỉ bán tại chỗ từ 12h trưa tới 18-19h, hết hàng lúc nào nghỉ lúc đó. “Nhiều khi khách đông quá, chẳng còn chỗ để xe, sợ khách chờ lâu nên tôi phải nhờ họ mua mang về nhà ăn. Do tôi có kinh nghiệm chọn sứa nên nhiều khách tới mua 1-2kg ăn dần trong vài ngày”, bà Tuyết cho biết
Năm nay, do giá sứa đỏ tăng nên mỗi suất sứa đỏ mắm tôm của nhà bà Tuyết tăng từ 30.000 lên 35.000 đồng/suất
Ảnh: Quang Minh