Trong số nhiều món ăn của Quảng Ninh, du khách đặc biệt ấn tượng với sá sùng, đặc trưng rất riêng của vùng biển Vân Đồn.
Sá sùng có cách gọi khác nhau như: sâu đất, trùng biến, bibi, sâm biển… Loại hải sản này thuộc động vật thân mềm chỉ sống ở bãi cát ven biển khi thủy triều lên. Hình dạng của hải sản này giống con giun đất.
Mình của sá sùng có các sợi vân ngang nhỏ li ti, ruột của nó là một đường ống trải dọc từ đầu tới cuối thân. Loại hải sản biển này không có tim, gan hay phổi mà chỉ chứa đầy cát bên trong. Con người thường bắt hải sá sùng ở trong hang đá, khe cát dưới đáy biển.
Do số lượng sá sùng tự nhiên không nhiều và giá trị dinh dưỡng vô cùng tốt nên giá thành cao hơn hẳn so với các loại đặc sản khác ở Quảng Ninh. Đây là đặc sản người xưa tiến Vua.
Nước mắm sá sùng chính là một trong ẩm thực mà khi đến Vân Đồn, du khách không thể không mua về làm quà cho người thân bởi nó là 1 trong 13 sản phẩm tiêu biểu, ẩm thực tinh túy của Quảng Ninh. Hoặc, cứ đến dịp cận lễ, Tết nhiều người lại tìm mua bằng được nước mắm sá sùng để thưởng thức hoặc làm quà biếu.
Tới Vân Đồn, du khách sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến “cánh đồng” với hàng nghìn chiếc thùng to – nhỏ khác nhau dùng để sản xuất nước mắm. Nước mắm cao đạm sẽ được ủ tiếp với sá sùng, tạo nên loại nước mắm có vị ngọt thanh đằm thắm rất riêng biệt. Dù nước mắm sá sùng có mức giá không hề rẻ, song vẫn được nhiều gia đình lựa chọn là gia vị thiết yếu trong mâm cỗ ngày Tết.
Bà Cao Hồng Vân, chủ cơ sở sản xuất nước mắm sá sùng ở Vân Đồn cho biết, trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất khoảng 400.000 – 500.000 lít nước mắm, trong đó vào dịp lễ, Tết thì sản lượng tăng gấp 3 lần so với ngày thường mới đủ cung cấp cho người yêu ẩm thực.
Theo bà Vân, nước mắm sá sùng được chế biến hết sức kỳ công gồm 6 công đoạn: chọn cá nguyên liệu; phối trộn cá, muối cho phù hợp; ủ chượp và đánh đảo trong các téc, bể; lọc rút thành phẩm; phơi nâng cao độ đạm; phân loại và đóng chai, phân phối… Thời gian kéo dài trên 14 tháng mới ra được một mẻ nước mắm sá sùng.
Trong suốt 14 tháng ủ chượp, hàng ngày, công nhân sẽ phải đánh, đảo để cho nguyên liệu được trộn đều, đẩy nhanh quá trình phân hủy thịt và xương cá. Mắm sau khi được ủ, trộn đủ thời gian sẽ lọc rút thành phẩm rồi đem phơi hoặc đưa vào máy để nâng cao độ đạm.
Nước mắm cao đạm sẽ tiếp tục được ủ cùng với nguyên liệu sá sùng trong vòng 2 -12 tháng rồi đem vào lọc rút để lấy nước mắm sá sùng. Đây chính là khâu quan trọng nhất để tạo ra loại nước mắm sá sùng nổi tiếng. Nước mắm sá sùng sau khi hoàn tất các công đoạn sẽ có màu cánh gián đậm, hương vị rất riêng.
Cũng tương tự như nước mắm sá sùng, muối tôm Sá sùng cũng là gia vị có thể thay thế mì chính. Muối tôm sá sùng là loại gia vị muối súp độc đáo đầu tiên, duy nhất trên thị trường hiện nay, một loại gia vị không thể thiếu trong các nhà hàng, khách sạn và các quán ăn sáng ngon tại Quảng Ninh.
Hải sản nấu với muối sá sùng tạo thêm vị ngọt thanh và ngon hơn rất nhiều. Kho cá, kho thịt, xào, nấu, nướng, chiên đều tuyệt đỉnh, nhiều khi đơn giản là luộc miếng thịt hoặc luộc con gà cho chút muối sá sùng vào và chỉ luộc chín tới thôi mà ăn ngon hơn hẳn. Mà nhất là luộc rau thì rau sẽ xanh, ngon vô cùng hấp dẫn.
Chị Nguyễn Thiên Trang – chủ một cơ sở làm muối tôm sá sùng cho biết, nguyên liệu chính để làm muối tôm Sá sùng là muối kết tinh được lấy ra từ khâu tăng đạm nước mắm sá sùng Vân Đồn nên ngoài thị trường chưa bán nhiều.
Anh Quang Hưng, chủ nhà hàng ở Quảng Ninh cho hay, anh thường dùng muối tôm sá sùng để nêm nếm khi nấu các loại thịt, mực, tôm, hải sản…. Bản thân muối tôm sá sùng đã có hương vị đặc trưng của riêng nó, thêm vị ngon ngọt của thịt, nấu hoặc nướng lên thơm lừng hấp dẫn đến lạ.
Để thưởng thức đặc sản đặc trưng này, du khách có thể đến bất cứ nhà hàng nào ở thành phố Hạ Long hoặc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.
Thùy Dương