Bánh mì gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam. Qua năm tháng, món ăn đã được nhận diện thành thương hiệu quốc gia.
Hội thảo khoa học quốc tế “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” vừa diễn ra tại TP.HCM.
Hội thảo quy tụ hơn 1.000 đại biểu, diễn giả, chuyên gia ẩm thực cùng bàn luận xoay quanh 4 chủ đề: Lịch sử bánh mì Việt, sự du nhập từ món ăn phương Tây trở thành ẩm thực bản địa; Sự giao thoa văn hóa và sáng tạo trong chế biến của bánh mì Việt; Bánh mì Việt hội nhập quốc tế và định vị thương hiệu; Sức hút, hấp dẫn của bánh mì Việt với thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh niên mong muốn Hội thảo lần này ngoài việc góp phần tôn vinh, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt, còn là diễn đàn của các nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực quốc tế và trong nước để trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến tiến trình lịch sử bánh mì Việt Nam – hành trình giao thoa văn hóa, góp phần đưa ra các luận cứ khoa học khẳng định sự sáng tạo, khác biệt, dấu ấn riêng của bánh mì Việt Nam so với bánh mì các nước trên thế giới.
Theo truyền thông nước ngoài, bánh mì được gọi là một món sandwich nổi tiếng của người dân Việt Nam. Với phần vỏ vàng ươm, người bán đưa vào đa dạng các loại nhân từ thịt, trứng, xíu mại, chả,… Đây cũng là món ăn hiện diện khắp nơi, từ những miền quê nghèo cho đến đô thị hiện đại.
Không gian trưng bày bánh mì Việt Nam trong hội thảo.
Cùng với phở, bánh mì là món ăn tiêu biểu đại diện ẩm thực Việt Nam. Ngày 24/3/2011, từ “bánh mì” được thêm vào từ điển Oxford. Tháng 3/2012, chuyên trang du lịch của tờ The Guardian đã bình chọn bánh mì Sài Gòn thuộc top 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới. Gần đây nhất, cụm từ “bánh mì” chính thức xuất hiện trong từ điển Merriam-Webster hồi tháng 9.
Ở góc độ chuyên gia, theo Tiến sĩ Vũ Thế Long – nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực và môi trường, sự ra đời và phát triển của bánh mì mang sắc thái Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời, cho thấy sự gặp gỡ, giao thoa và phát triển đầy thú vị của hai nền văn minh lúa mì và lúa nước.
Trong quá trình tìm hiểu về các loại bánh mì và nguyên liệu để làm nhân bánh, quá trình chế biến, pha trộn một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng người dùng hiểu vì sao bánh mì Việt Nam lại trở nên nổi tiếng, không chỉ ngon, lạ mà còn lành tính.
Theo thời gian, hình ảnh chiếc bánh mì trở nên phổ biến, được quảng bá qua nhiều hình thức khác nhau. Ở lĩnh vực văn hóa – giải trí, hoa hậu H’Hen Niê năm 2018 từng tạo tiếng vang lớn khi lần đầu tiên đưa hình ảnh món ăn quen thuộc với người Việt giới thiệu ở Hoa hậu Hoàn vũ thế giới.
Trang phục lấy cảm hứng từ những người bán bánh mì dạo trên đường phố với những câu slogan bình dân như “Ăn là ghiền”. H’Hen Niê tự tin catwalk, biểu cảm thích thú khi quảng bá món ngon của quê hương trên sóng trực tiếp thế giới.
Sau đêm thi, hình ảnh của H’Hen Niê xuất hiện trên nhiều trang báo quốc tế. Missosology cũng từng bình chọn Bánh mì là một trong 10 trang phục dân tộc ấn tượng nhất tại cuộc thi năm đó.
Bánh mì cũng trở thành đề tài trong phim ảnh lẫn âm nhạc.
Hình ảnh món ăn gắn liền với ẩm thực Việt cũng được đưa vào các lĩnh vực nghệ thuật. Chẳng hạn như 2 tác phẩm phim Bánh mì ông màu và Vua bánh mì đều được khán giả hưởng ứng khi phát sóng. Ở mảng âm nhạc, MV Bánh mì không của ĐạtG và Du Uyên đạt gần 100 triệu lượt xem, lan tỏa hiệu ứng tích cực đến giới trẻ.
Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, thúc đẩy kích cầu du lịch thành phố. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề xuất lấy ngày 24/3 – ngày từ “bánh mì” được thêm vào từ điển Oxford là Ngày bánh mì Việt Nam và sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm.
H’Hen Niê trình diễn váy bánh mì tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018