Những món ăn đan xen hương vị chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn là ưu tiên hàng đầu để chống ngán sau những ngày Tết.
Sau những ngày thỏa thích ăn uống, mọi người rơi vào cảm giác dễ ngán và khó tiêu do dung nạp nhiều dầu mỡ trong dịp Tết.
Để cải thiện tình trạng này, bữa ăn xen kẽ một số món ăn kích thích vị giác như chân gà ngâm sả tắc, bắp bò ngâm chua ngọt, gỏi tai heo… là một số gợi ý không thể bỏ qua.
Chân gà ngâm sả tắc
Món ăn có cách làm khá đơn giản và bảo quản được lâu trong ngăn mát. Nguyên liệu chính gồm chân gà, tắc, ớt trái, sả, gừng cùng nước mắm, đường, tỏi, lá chanh…
Trước khi ngâm với các loại gia vị, bạn cần rửa sạch chân gà và luộc chín cùng gừng, sả để khử mùi. Sau đó, bạn trộn tất cả nguyên liệu vào hỗn hợp mắm pha sẵn vừa ăn.
Để món ăn thêm hấp dẫn, bạn có thể ngâm cùng xoài xanh, cóc bao tử hoặc tai heo luộc sẵn. Chân gà ngâm khoảng 8 tiếng là có thể thưởng thức.
Vị chua nhẹ của tắc, thơm dịu của sả, cay nồng của ớt và giòn sần sật của chân gà sẽ kích thích vị giác khiến bạn ăn hoài không ngán. Chân gà sả tắc ăn kèm cơm nóng cũng ngon miệng không kém.
Lòng non trộn tỏi ớt
Lòng non trộn tỏi ớt giòn giòn, cay cay mang đến vị ngon lạ miệng, là món ăn thích hợp làm trong bữa tối để lai rai. Nguyên liệu chính gồm lòng non heo, tỏi, nước mắm, nước cốt chanh hoặc quất, giấm, muối, đường, bột ớt, sả, rau mùi.
Bắp bò ngâm chua ngọt
Bắp hoa ngâm nước mắm hoặc giấm mang đến vị ngon đặc trưng những ngày đầu năm. Món ăn là sự kết hợp của bắp bò, gừng, sả, tỏi, ớt.
Khi chế biến, bạn nên lưu ý tất cả nguyên liệu cần đảm bảo sạch sẽ, khử trùng nhằm để được lâu dài (kể cả tỏi, gừng, tiêu xanh). Nước mắm để nguội hoàn toàn trước khi ngâm. Lọ thủy tinh rửa sạch, tráng nước sôi để ráo. Nước mắm ngâm bò phải ngập và nén bò xuống, để tránh bị hư, đen bò.
Gỏi tai heo chua ngọt
Thành phần chủ yếu của món ăn gồm tai heo, xoài xanh, cà rốt, lạc giã nhỏ, rau răm, tỏi, ớt, cốt chanh, đường, nước mắm.
Xoài, cà rốt được bào sợi, ngâm trong nước muối loãng để bớt mùi hăng và không bị khô. Rau răm thái nhỏ, tỏi ớt băm nhuyễn. Tai heo sau khi luộc chín, cần ngâm với nước đá để giữ độ tươi, giòn. Trộn các loại củ quả như hành tây, cà rốt, xoài, dưa leo với hỗn hợp sốt gồm nước mắm, đường, chanh, tỏi, ớt và thêm lạc, rau răm trên cùng để trang trí.
Nguyên liệu tươi sẽ đảm bảo gỏi có độ giòn, thanh mát nhất. Bạn có thể gia giảm tỉ lệ mắm, đường, chanh tùy thích.
Salad dưa chuột cay
Không chỉ có dưa leo giòn, thanh mát, món salad dưa chuột kiểu Hàn vừa có vị chua ngọt, vừa có vị cay cay hấp dẫn. Phiên bản ẩm thực này không chỉ kích thích vị giác mà còn tốt cho tiêu hóa.
Cách thực hiện món khá đơn giản. Dưa chuột rửa sạch, thái lát dày khoảng 3 mm. Cho xì dầu, giấm và đường vào tô trộn đều, sau đó đổ lên dưa chuột. Thêm ớt bột và vừng rồi trộn đều. Cuối cùng, trang trí hành lá và thưởng thức sau khoảng 15 phút để dưa ngấm gia vị.
Tôm sốt chua ngọt
Món ăn kết hợp vị ngọt chua cay hòa quyện, khiến cho bữa ăn sau Tết thêm phần chất lượng.
Tôm tươi sau khi mua về bạn rửa sạch và để ráo nước, sau đó đem cắt bỏ phần đầu nhọn và râu tôm. Bạn cho tôm vào tô cùng nước tương, hạt nêm, tiêu, ít muối và đảo đều; sau đó ướp tôm 30 phút cho ngấm gia vị.
Cho tôm vào bát bột năng và lăn đều lớp mỏng bột bên ngoài. Cho dầu ăn vào chảo đun nóng, thêm tỏi và gừng vào xào thơm. Khi dầu nóng bạn cho tôm vào chảo dầu chiên cho chín vàng giòn, vớt ra để ráo dầu.
Đặt chảo sạch lên bếp, cho một thìa dầu ăn rồi phi tỏi cho thơm. Sau đó, bạn cho tương cà vào xào sơ qua. Tiếp theo nêm chút nước mắm, đường, rượu trắng, nửa bát con nước rồi đảo đều, đun sôi và nêm nếm cho phần nước sốt có vị chua ngọt hài hòa. Cuối cùng, bạn trút tất cả tôm đã chiên giòn vào cùng, xóc cho nước sốt bám đều tôm là tắt bếp.
Gắp tôm bày ra đĩa ăn và thêm hành lá là hoàn thành. Hương vị tôm sốt chua ngọt sẽ ngon hơn khi thưởng thức cùng cơm nóng.
Theo Zing