Sau hai năm chứng kiến cảnh những chiếc bàn trống vì đại dịch, Johnny Mui, chủ nhà hàng Trung Quốc Hop Lee ở New York cho biết công việc kinh doanh đang dần phục hồi.
Những ngày này, Mui đang bận rộn chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết cho một trong những món ăn đắt khách nhất của nhà hàng, mì trường thọ.
“Mỗi dịp Tết, hầu như bàn nào cũng gọi mì trường thọ. Món ăn này rất ngon và có hình thức đẹp, đồng thời được nhiều người coi là tượng trưng cho sự may mắn”, chủ nhà hàng Hop Lee cho biết.
Mì trường thọ là món gì?
Mì trường thọ tượng trưng cho một cuộc sống lâu bền. Theo truyền thống, đầu bếp sẽ không cắt sợi mì và mỗi sợi mì phải được ăn nguyên, không được cắn ra giữa chừng.
Tại Hop Lee, món mì trường thọ được làm theo công thức gia truyền từ những sợi mì trứng kiểu Quảng Đông dai và vàng óng. Phần nước dùng gồm nhiều loại gia vị và nấm đông cô. Tôm hùm được xào với đậu đen muối lên men, trứng, thịt bằm, gừng và hành lá.
Trong khi đó, theo Jason Wang, chủ của Xi’an Famous Foods, một nhà hàng nhỏ ở Flushing, New York, chuyên các món ăn vùng Tây Bắc Trung Quốc, thì những sợi mì trường thọ được làm bằng bột mì và nước, bột được kéo và cắt thành những sợi mì dài, dẹt và rộng như sợi dây đai.
“Nấu mì trường thọ theo công thức truyền thống nhất thực ra là chỉ cho thêm hành và tỏi, cùng với bột ớt đỏ mới xay lên trên mì, xào với dầu thực vật, rưới nước tương và giấm gạo đen. Chúng tôi còn gọi món này là mì cay. Mì xào thủ công trong dầu nóng”, ông Wang nói.
Những người nhập cư Trung Quốc đầu tiên ở Mỹ chủ yếu là người Quảng Đông, điều này giải thích tại sao món mì trường thọ kiểu của nhà hàng Hop Lee lại trở nên phổ biến hơn.
“Sợi mì và công thức chế biến mì trường thọ ở các vùng rõ ràng có sự khác nhau nhưng về ý nghĩa của món ăn này thì là tương đồng”, ông Wang nhấn mạnh.
Nguồn gốc của mì trường thọ
Có giả thuyết cho rằng mì trường thọ bắt nguồn từ thời Hán Vũ Đế (cai trị từ 141-87 TCN). Khi đó nhà vua hay tin rằng những người có gương mặt dài thường sẽ sống thọ. Vì không thể thay đổi chiều dài khuôn mặt của mình, Hán Vũ Đế quyết định sẽ thường xuyên ăn những sợi mì dài vì từ ‘mì’ phát âm tương tự như từ ‘khuôn mặt’ trong tiếng Trung Quốc. Phong tục này sau đó đã lan rộng ra khắp đất nước.
Tuy nhiên, các nhà sử học chuyên nghiên cứu về ẩm thực Trung Quốc lại không đồng tình với giả thuyết trên.
Zhao Rongguan, một học giả hàng đầu ở Trung Quốc, người đã viết về lịch sử và văn hóa ẩm thực Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua, cho biết: “Thời nhà Hán là thời điểm mà sự phát triển của văn hóa mì Trung Quốc nở rộ. Đó là thời đại đã đặt nền móng và kỹ thuật cho món mì hiện đại. Nhưng để nói rằng Hán Vũ Đế là người nghĩ ra món mì trường thọ thì là không có cơ sở”.
Chen Yuanpeng, giáo sư tại Đại học Quốc gia Dong Hwa của Đài Loan (Trung Quốc), chuyên nghiên cứu về lịch sử ẩm thực Trung Quốc, cũng tán đồng quan điểm trên.
“Tôi đã gọi điện cho ông Wang Renxiang (một nhà khảo cổ học Trung Quốc chuyên về văn hóa ẩm thực) và ông Naomichi Ishige (nhà nhân chủng học và sử học ẩm thực Nhật Bản). Cả hai đều là chuyên gia về mì Trung Quốc nhưng đều không thể đưa ra câu trả lời chắc chắn về nguồn gốc của mì trường thọ”, Yuanpeng chia sẻ.
Cách ăn mì trường thọ
Món ăn này cũng phổ biến ở các nước châu Á đón Tết Nguyên đán khác, như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.
Trong dịp Tết Nguyên đán, người Hàn Quốc thích ăn japchae (miến xào Hàn Quốc). Mì trường thọ ở đây, được gọi là janchi-guksu, lại thường được ăn trong các dịp đám cưới hay sinh nhật.
Cộng đồng người Hoa ở Singapore và Malaysia thường sử dụng misua (bún lúa mì) làm mì trường thọ. Tuy nhiên, món cá hấp rau củ thường phổ biến hơn trong dịp Tết Nguyên đán.
Mặc dù, Nhật Bản đã chuyển sang ăn Tết theo dương lịch, nhưng họ cũng có phong tục ăn mì Toshikoshi Soba vào năm mới để cầu may mắn.
“Ở phía bắc Trung Quốc, một số người vẫn ăn mì trường thọ theo cách cũ. Khi bát mì được bưng đến, khách sẽ đứng dậy. Họ sẽ gắp một ít mì trong bát, dùng đũa kéo qua đầu một cách điệu nghệ, đưa mì lên trước mặt và hút một hơi. Gương mặt tỏ rõ sự hạnh phúc. Đó là cách để bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với chủ nhà”, ông Zhao nói.
Ông nói thêm rằng sợi mì càng dài càng thể hiện được tuổi thọ càng bền lâu.
Đỗ An(Theo CNN)