Những nhà hàng truyền thống bán đồ ăn Hàn Quốc bài trí một bàn ăn bao gồm nhiều món ăn kèm, nhiều kiểu chén đĩa, nhiều sắc màu. Mỗi thứ một ít tạo nên vẻ đặc trưng chỉ có ở xứ sở kim chi.

hanquoc999 172
Bàn ăn nhiều món ăn kèm của người Hàn Quốc.

Đi đến các nhà hàng Hàn Quốc, dù đặt một món ăn duy nhất, thực khách cũng sẽ nhận được rất nhiều món ăn kèm miễn phí. Điều này khiến những ai lần đầu tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc bất ngờ.

Tsuki, thực khách người Nhật, đã rất nhạc nhiên vì nhận rất nhiều món ăn kèm miễn phí khi đặt món ở nhà hàng Hàn Quốc.

“Có rất nhiều món ăn kèm, hay còn gọi là banchan. Những đồ ăn kèm được phục vụ ở tất cả các nhà hàng Hàn Quốc”, Tsuki cho biết.

Các món ăn kèm là một yếu tố thiết yếu của ẩm thực Hàn Quốc. Một số món ăn kèm phổ biến như kim chi, giá đỗ, dưa chua, dưa chuột, củ cải… được phục vụ ở tất cả các nhà hàng Hàn Quốc, không giới hạn. Chỉ cần bạn nói với nhân viên vui lòng cho thêm món ăn kèm, họ sẽ lấy thêm cho bạn.

Tại sao các nhà hàng Hàn Quốc phục vụ nhiều món ăn miễn phí như vậy?

Một trong những lý do chính là sự độc đáo của ẩm thực Hàn Quốc. Người Hàn Quốc có xu hướng ăn một bát cơm trong mỗi bữa ăn và cần nhiều món ăn phụ khác nhau để tăng thêm hương vị, theo Koreajoongangdaily.

Cho Young-ha, nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Hàn Quốc cho biết: “Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản ăn một món chính có tác dụng làm họ no, như ngũ cốc và các loại tinh bột khác. Những loại tinh bột đó không được tẩm gia vị, nên họ ăn chúng cùng với các món nấu có gia vị như thịt, cá, đồ ăn kèm”.

Cho Young-ha giải thích rằng các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản đã phát triển các loại món ăn chính khác như bánh bao hay mì, những món ăn phụ dần dần biến mất.

Bánh bao Trung Quốc có các loại nhân khác nhau và chỉ cần giấm, nước tương, không cần nhiều đồ ăn kèm. Mì có nhiều loại topping, đi kèm với nước dùng đầy đủ, cũng không cần đồ ăn kèm. Trong khi đó, các món như canh kim chi, súp đậu nành, là một phần thiết yếu của ẩm thực Hàn Quốc.  

“Khi ăn cơm, người Hàn Quốc dùng chung với món phụ và súp, họ cho rằng hương vị khi kết hợp cả 3 món này mới là tuyệt vời nhất”, Cho Young-ha cho biết.

 Nhiều món ăn kèm bắt nguồn từ lịch sử ẩm thực Hàn Quốc. Các nhà hàng phục vụ món ăn kèm miễn phí cũng xuất phát từ một yếu tố bắt nguồn từ lịch sử Hàn Quốc, được gọi là jeong, hay được hiểu là “tình yêu” hoặc “tình cảm”.

Chung Jang-eun, điều hành một nhà hàng ở quận Yongsan, trung tâm Seoul, cho biết: “Cho thêm đồ ăn kèm miễn phí tại các nhà hàng là điều hiển nhiên. Việc từ chối các yêu cầu cho thêm món ăn kèm là đi ngược lại với văn hoá”.

Trong phần lớn lịch sử, người Hàn Quốc luôn phục vụ đồ ăn kèm miễn phí. Tuy nhiên, đã có một khoảng thời gian ngắn các nhà hàng được khuyến khích không cung cấp nhiều món ăn kèm và giới hạn số lần cho thêm nhằm tránh lãng phí thực phẩm.

Đó là khoảng năm 1983. Nhưng kế hoạch này không thể kéo dài. Thực khách không quen thay đổi, vì thế các nhà hàng đã không làm theo.

Chính phủ đã thay đổi kế hoạch cho phép các nhà hàng phục vụ miễn phí tối đa 8 món ăn phụ vào tháng 4/1987, nhưng với quá nhiều món ăn phụ được cho phép, kế hoạch này về cơ bản đã không thành công.

hanquoc8888 173
Các nhà hàng thường miễn phí đồ ăn kèm.

Lạm phát, bão giá

Dù tặng thêm món ăn kèm là thông lệ, một số nhà hàng sẽ yêu cầu khách trả tiền cho một số món gọi thêm hoặc từ chối phục vụ các món ăn kèm đắt tiền trong bối cảnh lạm phát và bão giá.

Một trong những món ăn phụ mà một số nhà hàng tính tiền khi gọi thêm là rau để làm “ssam” – rau để cuốn thịt như tía tô hay rau diếp.

Trước đây, việc cung cấp rau miễn phí là điều mọi nhà hàng đều làm, nhưng giá rau tăng cao đã khiến dịch vụ này hạn chế hơn.

Gần đây, giá rau đã tăng chóng mặt. Xà lách được bán với giá 1.003 won/100g (hơn 17.560 đồng/100g) kể từ ngày 3/5. Lá tía tô được bán với giá 1.378 won/100g (hơn 24.129 đồng/100g), tăng 10,2% so với năm ngoái.

Myeongi namul, hay lá tỏi miền núi ngâm chua, thường được phục vụ như một món ăn phụ tại các nhà hàng BBQ sang trọng của Hàn Quốc. Nhưng nhiều nhà hàng chỉ tặng một lần.

Nguyên nhân là giá của Myeongi namul đắt đỏ, được bán ở mức trung bình 25.900 won/kg (453.517 đồng/kg), gần gấp đôi giá của lá tía tô ngâm.

Không nhận tiền boa
  
Các nhà hàng Hàn Quốc thường không mong đợi “tiền boa”. Theo Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm, giá trên thực đơn của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải bao gồm tất cả các khoản phí dịch vụ. Tính tiền nhiều hơn những gì ghi trên thực đơn đều bị cấm.

Tiền boa đôi khi được chấp nhận ở một số địa điểm sang trọng, ví dụ như những nơi nhân viên trực tiếp nướng thịt cho khách hàng…

Hầu hết các nhà hàng sẽ cung cấp cho khách 4 đến 5 món ăn kèm mỗi bữa. Nhưng có những nhà hàng ở một số vùng nhất định “quá hào phóng”.

Các nhà hàng ở khu vực Namdo, thuộc tỉnh Nam Jeolla, sẽ phục vụ một bàn đầy các món ăn kèm, thậm chí một số món còn được đặt chồng lên nhau. Ở thành phố Jeonju có một con hẻm tập trung nhiều hàng ăn phục vụ đến 20 món ăn kèm.