Với lượng khách du lịch đường thuỷ khoảng 500.000 lượt/năm, TP.HCM có phương án khai thác mạnh du lịch, ẩm thực trên sông nước.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023–2025.
Kế hoạch trên hướng tới mục tiêu, đến năm 2025, du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
Trong giai đoạn 2023-2024, TP.HCM cải thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có, gồm:
– Nhóm sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10 km): Tuyến du lịch đi Bình Quới (hướng tuyến từ Bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Thanh Đa – bến Thanh Đa, Bình Quới… và ngược lại); Tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè (hướng tuyến từ bến Thị Nghè trở về phía thượng lưu đến bến chùa Candaransi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và ngược lại).
– Nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung (các tour trên sông có bán kính từ 10 km đến dưới 60km): Tuyến du lịch đi Củ Chi (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Thanh Đa – sông Sài Gòn – bến Đình, bến Dược thuộc Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi); Tuyến du lịch đi Cần Giờ (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – sông Nhà Bè – sông Lòng Tàu – sông Dinh Bà – sông Lò Rèn – sông Vàm Sát – sông Soài Rạp).
Trong giai đoạn 2024-2025, TP.HCM đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới.
Đơn cử, ở nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn: Tuyến đi Quận 7 (hướng tuyến từ bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – kênh Tẻ – rạch Ông Lớn – rạch Đỉa), bổ sung các bến thủy nội địa trên tuyến: bến Cù Lao Nguyễn Kiệu, bến Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bến Khu dân cư Trung Sơn, bến Công viên Him Lam…
Nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung: Tuyến du lịch đi TP.Thủ Đức (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn – rạch Chiếc – rạch Trau Trảu – rạch ông Nhiêu – sông Tắc – sông Đồng Nai – bến chùa Hội Sơn).
Nhóm các sản phẩm du lịch tầm xa (từ TP.HCM đi các tỉnh trong khu vực): tuyến đường thủy xuất phát từ khu vực trung tâm thành phố như: cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống… đi các tỉnh như: Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc – An Giang để kết nối qua Campuchia.
Theo như kế hoạch, ước tính, lượng khách du lịch đường thủy đến TP.HCM năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt khoảng 300 tỷ đồng/năm và tăng 10% trong những năm tiếp theo.
Số lượng khách quốc tế đến bằng đường tàu biển tới TP.HCM trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100.000 lượt khách và tăng khoảng 12-15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.
Hiện, TP.HCM cũng có phương án về đầu tư các sản phẩm mới và các dịch vụ bổ trợ trong giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, địa phương vận động, hỗ trợ các nhà đầu tư dự án “Thuyền cà phê” và thức ăn nhanh di động trên các tuyến đường thủy phục vụ nhu cầu của người dân, du khách để tạo sự đa dạng, phong phú cho sản phẩm du lịch.
TP.HCM muốn hình thành những tuyến du lịch đường thủy nội đô phục vụ ẩm thực đặc trưng Nam Bộ và một số vùng miền (như thuyền bánh mì Sài Gòn, thuyền hủ tiếu, thuyền phở, thuyền bánh xèo Nam Bộ…), kết hợp với những hoạt động nghệ thuật trên thuyền như đờn ca tài tử, sáo trúc… phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của người dân thành phố và khách du lịch.
Trần Chung – Hồ Văn