Quán phở của vợ chồng bà Thịnh nằm khuất sau con ngõ hẹp ở đầu đường Lê Duẩn cắt ngang Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Quán chật chội, khá cũ kĩ, ngột ngạt nên khách thường trêu đùa gọi “phở khổ”.
Nằm khuất sau con ngõ hẹp vanh, cũ kĩ, nhiều khi tối thui vì… quên bật đèn, quán phở của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thịnh (56 tuổi) vẫn là địa chỉ quen thuộc với nhiều thực khách
Trước đây, vợ chồng bà Thịnh cũng thuê mặt bằng để mở quán ăn sáng khang trang, tiện đón khách. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, giá thuê tăng cao chóng mặt, ông bà lui về bán hàng trong căn nhà ở ngõ hẹp của mẹ đẻ, nằm đầu đường Lê Duẩn cắt ngang Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Theo bà Thịnh, “nhờ trời thương cho cái duyên bán hàng” nên vị trí bất tiện, chật chội mà khách vẫn đến khá đông
Quán phở của ông bà nằm trong căn phòng tầng một của gia đình, thêm một chút khoảng sân chung trong ngõ. Gian nhà chỉ đủ kê 3-4 bộ bàn ghế gấp. Trước cửa nhà là nơi đặt nồi nước dùng, thái và xào thịt. Quán chật hẹp, ngột ngạt, nóng bức nên nhiều khách ví von, gọi quán phở nhà bà Thịnh là “phở khổ”, khách phải “đi đường hầm, ăn trong lô cốt”
Quán “phở khổ” nhưng khách vẫn yêu thích, nhiều người đã ăn ở đây gần chục năm
Bà Thịnh cho biết, trước đây bà đi làm nhà nước. Sau đó, bà về nhà mở quán bán bún, rồi chuyển sang bán phở. Bà nấu theo khẩu vị của bản thân, đem mời gia đình, hàng xóm, khách hàng vừa ăn vừa góp ý rồi thay đổi dần dần. “Phở của tôi không theo phong cách phở Hà Nội truyền thống cũng không phải phở Nam Định. Tôi cứ thay đổi dần dần tới khi mọi người khen là ăn ổn”, bà nói
Bà Thịnh chia sẻ thêm, làm nghề bán phở vất vả, ông bà luôn chân luôn tay cả ngày. Nồi nước dùng được làm kì công nhất, phải sơ chế rồi ninh từ chiều hôm trước tới sáng hôm sau. Thịt bò được bà đặt mua ở mối quen nhiều năm. Sáng sớm bà đều kĩ càng kiểm tra chất lượng thịt. Bà không thái sẵn mà khách tới, gọi món bà mới thái thịt để đảm bảo thịt tươi, ngọt, không bị khô.
Cũng vì khách gọi tới đâu mới thái thịt tới đó nên khung giờ cao điểm sáng, vợ chồng bà Thịnh thường “quá tải”, khách phải chờ khá lâu. “Tới đây vào tầm 7-8h thì hay gặp cảnh ngồi chen chúc, người này đứng lên, người khác thế chỗ ngay. Có khi đợi 10-15 phút mới tới lượt. Nhưng quán chỉ có hai vợ chồng ông bà phục vụ nên khách thông cảm, vui vẻ chờ”, một vị khách quen chia sẻ
Quán bán ba loại phở là tái, tái chín và tái lăn, đồng giá 35.000 đồng. Món được thực khách gọi nhiều nhất là tái lăn béo ngậy, thơm phức mùi tỏi, nêm nếm gia vị đậm đà
Theo bà Thịnh, do quán nằm trong ngõ hẹp, không gian chật nên chủ yếu đón khách quen, dân văn phòng xung quanh khu vực hoặc hàng xóm. Thế nhưng, mỗi ngày quán cũng hết hơn 10kg bánh phở. Phở bà Thịnh được khen có hương vị đậm đà, nước dùng ngọt thanh không nồng mùi quế hồi, thịt tươi, ngon, mức giá phải chăng
Vợ chồng bà Thịnh cũng có tiếng chiều khách. Chồng bà Thịnh thường tự bưng phở phục vụ những khách gần ngõ
Tuy nhiên, ngoài nằm trong ngõ hẹp, không gian chật chội, cũ kĩ, “điểm trừ” của quán còn là thiếu chỗ để xe. Nhiều vị khách ngang qua thấy đông xe trước ngõ là “nản”, tiếc nuối rời đi
Ảnh: Quang Minh