Bất chấp lạm phát tăng vọt, quán nước giải khát vẫn giữ giá không đổi trong gần 40 năm.
Vợ chồng Goh Kai Suah và Chua Choon Huay vẫn duy trì quán nhỏ bán đồ uống giá rẻ, thu tiền bằng những đồng xu, giữa lòng Singapore hiện đại.
Nhận từ khách những đồng xu, chủ quán nước 39 năm vui vẻ trao cho họ từng cốc sữa đậu nành, nước yến ngon ngọt. “Chúng tôi không làm việc chỉ vì những căn nhà”, chủ quán chia sẻ.
Ngày nay, để tìm thấy món đồ uống ở khu ẩm thực Kopitiamm Plaza Singapura với giá dưới 2 SGD (hơn 35.000 VND) quả thực rất khó. Nhưng vợ chồng Goh Kai Suah và Chua Choon Huay vẫn duy trì quán bán đồ uống như sữa đậu nành, thạch cỏ và tổ yến với giá chỉ 30 cent Singapore (hơn 5.000 VND) hay 50 cent Singapore (gần 9.000 VND).
Goh Kai Suah, 59 tuổi và Chua Choon Huay, 57 tuổi, mở quán đồ uống “Sun Kee Drinks” từ năm 1984. Những người bán hàng cạnh ông bà cho biết 2 người rất yêu thương nhau, chăm chỉ, chịu khó.
Công việc kinh doanh của vợ chồng được thừa kế lại từ cha của ông Goh. Ban đầu, những cốc nước bán trên chiếc xe đẩy dọc theo đường Thượng Serangoon gần đó vào những năm 1950.
“Ngày trước bán hàng rong khó hơn nhiều. Đó không phải là nghề buôn bán được tôn trọng, thậm chí rất khó kiếm sống. Nhưng bây giờ chúng tôi đã khác nhiều rồi”, bà Chua nói.
Chính thái độ vui vẻ hiếm có, luôn biết ơn, sống lạc quan khiến cặp đôi trở nên nổi tiếng hơn ở khắp khu ẩm thực. Hầu hết những khách hàng ghé qua mua đồ uống đều biết rõ về họ. Cửa hàng được mở cửa từ 6h đến khoảng 13h, nhưng thường hết hàng trước giờ trưa, theo CNA.
Một cốc sữa đậu nành cỡ nhỏ, thạch hoặc nước yến có giá chỉ 30 cent Singapore (hơn 5.000 VND). Cốc lớn có giá 50 cent Singapore (gần 9.000 VND).
Sữa đậu nành khá đặc, ngon, được nhiều người đánh giá là có thể sánh với các phiên bản đắt tiền hơn. Nước yến ngọt có mùi lá dứa rất thơm nhưng không có quá nhiều yến.
Ngoài nước yến tự làm, quán của ông bà nhập đồ uống khác từ nhà cung cấp. Bất chấp lạm phát, họ vẫn giữ giá bán, không đổi trong gần 40 năm.
So với những người bán hàng trong khu ẩm thực, mức lợi nhuận của họ có thấp hơn. Nhưng không vì thế mà họ từ bỏ hay lấy làm đố kỵ. Mô hình kinh doanh của vợ chồng này tập trung vào nguyên lý kinh tế cơ bản là bán số lượng lớn với giá thấp.
Khách hàng đến quán thường gặp hiệu ứng tâm lý đó là khi bạn nhìn thấy thứ gì đó quá rẻ, bạn cảm thấy bất ngờ và sẵn sàng mua thêm nhiều món đồ uống.
“Tôi chỉ định uống 1 cốc sữa đậu nành nhỏ nhưng cuối cùng đã uống tận 3 cốc”, một khách hàng chia sẻ.
Quán rất đông, nhất là vào cuối tuần. Mọi người phải xếp hàng dài để mua, có người mua luôn 15 cốc. Hầu hết khách hàng chọn loại đồ uống cỡ lớn, rất ít người mua cốc cỡ nhỏ.
“Chúng tôi không thể tồn tại nếu không có khách hàng. Không có họ, chúng tôi đã đóng cửa từ lâu. Nhưng chúng tôi không bán kiếm lời chỉ vì những căn nhà”, bà Chua chia sẻ.