Vận dụng những câu chuyện dạy trẻ biết nghe lời trong giáo dục bé tại nhà là cách thức tốt nhất để trẻ dễ tiếp thu những điều bạn truyền đạt. Hơn thế nữa, việc đọc truyện cùng con cũng là cách để trẻ biết yêu thương, chia sẻ, nhận thức được những điều tốt đẹp và có trách nhiệm với bản thân.
Nghe truyện kể nhân văn: Vì sao là bí quyết để trẻ nghe lời bạn?
Đôi khi, việc dỗ trẻ bằng nhiều hình thức như quà bánh, đồ chơi lại không thực sự có hiệu quả nếu bạn muốn con nghe lời. Hoặc thậm chí, nếu chẳng may nóng giận vì không khuyên được trẻ thì việc muốn con nghe lời lại càng khó hơn. Vậy tại sao chúng ta không đưa những câu chuyện vui nhộn, ý nghĩa để giúp bé hứng thú và nghe lời một cách tự nhiên hơn?
Theo đó, đọc và kể chuyện là một phương pháp giáo dục hiệu quả, đặc biệt là khi bạn muốn truyền đạt một bài học nào đó cho con. Không chỉ vậy, việc này cũng góp phần giúp trẻ xây dựng thói quen đọc sách hữu ích cùng nhiều lợi ích khác dưới đây:
Giúp con nhận thức những nguy hiểm nếu không nghe lời
Trong một số tình huống như trẻ đi lạc, bị người lạ lợi dụng, bị đau vì nghịch ngợm,… đa số là do các bé không nghe lời cha mẹ dặn. Mặt khác, cũng do tính hiếu động và nhận thức chưa đủ tốt của trẻ mới dẫn đến những điều này.
Hiểu được sự quan tâm của ba mẹ trong từng lời khuyên
Không riêng các bé, thậm chí là người lớn chỉ khi trải qua sự việc mới thấm thía được lời dặn hay cảnh báo từ ai đó.
Dù vậy, việc để con rơi vào những tình huống nguy hiểm thực sự không tốt cho sức khỏe, tâm lý của chúng, do đó việc nghe kể chuyện cũng như một cách giúp bé hiểu được trải nghiệm của nhân vật trong truyện, từ đó nhận thức được sự lo lắng của ba mẹ trong những lời nhắc nhở thường ngày.
Hiểu được trách nhiệm của bản thân để ba mẹ bớt lo lắng
Thông qua việc nhận thức được tình huống mà nhân vật trong truyện trải qua, con sẽ tự nhận thấy bản thân phải làm tốt hơn để không gặp phải nguy hiểm tương tự. Nếu bé có thể hình thành suy nghĩ như vậy nghĩa là con đã có trách nhiệm với bản thân và ba mẹ cũng đã thành công trong việc dạy bé nghe lời theo cách tự nhiên.
Dễ dàng đạt được sự tin tưởng của ba mẹ để có cơ hội tự lập
Hầu như các bé khi được ba mẹ nhắc nhở hay mắng nhiếc vì không nghe lời đều cho rằng ba mẹ không tôn trọng mình. Tuy nhiên, khi trẻ hiểu được sự quan tâm đó, ba mẹ có thể thoải mái và đặt niềm tin vào con nhiều hơn. Nhờ vậy mà trẻ có cơ hội được tự làm nhiều điều mình thích mà không bị ngăn cấm hay trách mắng.
Những câu chuyện dạy trẻ biết nghe lời ba mẹ nên đọc con nghe mỗi ngày
Rất nhiều câu chuyện và bài học hay có thể sử dụng để giúp bé nhận thức đúng về việc nghe lời ba mẹ. Tuy nhiên, dưới đây là một số những câu chuyện được đọc nhiều nhất nhằm giúp trẻ biết nghe lời người lớn:
Truyện Cô bé quàng khăn đỏ
Ngày xửa, ngày xưa, có một cô bé thường hay quàng chiếc khăn màu đỏ nên mọi người gọi cô là Cô Bé Quàng Khăn Đỏ.
Một hôm, mẹ cô bảo cô mang bánh sang biếu bà ngoại. Trước khi đi, mẹ cô dặn:
– Con đi thì đi đường thẳng, đừng đi đường vòng qua rừng mà chó sói ăn thịt con đấy. Trên đường đi, cô thấy đường vòng qua rừng có nhiều hoa, nhiều bướm, không nghe lời mẹ dặn, cô tung tăng đi theo đường đó.
Đi được một quãng thì gặp Sóc, Sóc nhắc:
– Cô Bé Quàng Khăn Đỏ ơi, lúc nãy tôi nghe mẹ cô dặn đi đường thẳng, đừng đi đường vòng cơ mà. Sao cô lại đi đường này?
Cô bé không trả lời Sóc. Cô cứ đi theo đường vòng qua rừng. Vừa đi, cô vừa hái hoa, bắt bướm. Vào đến cửa rừng thì cô gặp chó sói. Con chó sói rất to đến trước mặt cô. Nó cất giọng ồm ồm hỏi:
– Này, cô bé đi đâu thế?
Nghe chó sói hỏi, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ sợ lắm, nhưng cũng đành bạo dạn trả lời:
– Tôi đi sang nhà bà ngoại tôi.
Nghe cô bé nói đi sang bà ngoại, chó sói nghĩ bụng: À, thì ra nó lại còn có bà ngoại nữa, thế thì mình phải ăn thịt cả hai bà cháu. Nghĩ vậy nên chó sói lại hỏi:
– Nhà bà ngoại cô ở đâu?
– Ở bên kia khu rừng. Cái nhà có ống khói đấy, cứ đẩy cửa là vào được ngay.
Nghe xong, chó sói bỏ Cô Bé Quàng Khăn Đỏ ở đấy rồi chạy một mạch đến nhà bà ngoại cô bé. Nó đẩy cửa vào vồ lấy bà cụ rồi nuốt chửng ngay vào bụng. Xong xuôi, nó lên giường nằm đắp chăn giả là bà ngoại ốm.
Lúc Cô Bé Quàng Khăn Đỏ đến, cô thấy chó sói đắp chăn nằm trên giường, cô tưởng “bà ngoại” bị ốm thật, cô hỏi:
– Bà ơi! Bà ốm đã lâu chưa?
Sói không đáp giả vờ rên hừ… hừ…
– Bà ơi, mẹ cháu bảo mang bánh sang biếu bà.
– Thế à, thế thì bà cám ơn cháu và mẹ cháu. Cháu ngoan quá. Cháu lại đây với bà.
Cô Bé Quàng Khăn Đỏ chạy ngay đến cạnh giường, nhưng cô ngạc nhiên lùi lại hỏi;
– Bà ơi! Sao hôm nay tai bà dài thế?
– Tai bà dài để bà nghe cháu nói được rõ hơn. Chó sói đáp.
– Thế còn mắt bà, sao hôm nay mắt bà to thế?
– Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn.
Chưa tin, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ lại hỏi:
– Thế còn mồm bà, sao hôm nay mồm bà to thế?
– Mồm bà to để bà ăn thịt cháu đấy.
Sói nói xong liền nhảy ra khỏi giường, nuốt chửng em bé Khăn Đỏ đáng thương.
Sói đã no nê lại nằm xuống giường ngủ ngáy o o. May sao, lúc đó bác thợ săn đi ngang thấy thế. Bác giơ súng lên định bắn, nhưng bác chợt nghĩ ra là chắc sói đã ăn thịt bà lão, và tuy vậy vẫn còn có cơ hội cứu bà. Bác nghĩ không nên bắn mà nên lấy kéo rạch bụng con sói đang ngủ ra.
Vừa rạch được vài mũi thì thấy chiếc khăn quàng đỏ chóe, rạch được vài mũi nữa thì cô bé nhảy ra kêu:
– Trời ơi! Cháu sợ quá! Trong bụng sói, tối đen như mực. Bà lão cũng còn sống chui ra, thở hổn hển. Khăn Đỏ vội đi nhặt đá to nhét đầy bụng sói. Sói tỉnh giấc muốn nhảy lên, nhưng đá nặng quá, nó ngã khuỵu xuống, lăn ra chết.
Từ dạo ấy, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn.
Ý nghĩa câu chuyện:
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị dụ dỗ vậy nên cha mẹ luôn lo sợ con gặp nguy hiểm. Việc ba mẹ nhắc nhở là để con tránh gặp phải điều đó và luôn giữ an toàn cho mình. Các con cần nghe lời ba mẹ và không nên cãi lời người lớn nếu điều đó là đúng.
Bài học từ câu chuyện:
-
Nói về sự tinh vi của kẻ xấu trong chi tiết Sói hóa thành người bà để lợi dụng cô bé, sau đó làm hại cả 2 người.
-
Niềm tin tất thắng của cái thiện trong chi tiết bác thợ săn xuất hiện và giải cứu cho 2 bà cháu đồng thời trừng trị con sói gian xảo.
Ngựa trắng không nghe lời mẹ
Có một chú Ngựa Trắng lúc nào cũng muốn làm trái với những điều đã được dặn.
Một hôm, Ngựa mẹ cho Ngựa Trắng được đi dạo một mình. Trước khi đi Ngựa mẹ dặn: “Không được ngủ ở chỗ đất cao”. Ngựa Trắng “Vâng ạ” rồi chào mẹ lên đường.
Đêm đến, Ngựa Trắng tìm chỗ ngủ. Nhớ lời mẹ dặn không được ngủ nơi đất cao, nhưng nó lại tự nhủ: “Ta cứ ngủ chỗ cao xem, chắc gì đã không tốt”. Đêm đến, gió thổi ào ào. Ngựa Trắng không ngủ được vì lạnh.
Hôm sau, Ngựa Trắng tìm về đàn. Ngựa mẹ lại bảo: “Lúc đi phải đi giữa đàn”. Ngựa Trắng lại tự nhủ: “Tại sao ta lại cứ phải đi ở giữa đàn?”.
Rồi nó làm ngược lại lời mẹ dặn. Nó vượt lên đi ở phía trước đàn và bị ngay mấy con hung hăng khác cắn vào chân sau. Nó thử lùi lại đi sau cùng, liền bị người chăn ngựa đánh vào mông thúc giục. Ngựa Trắng liền đi vào giữa đàn thì rất bình yên.
Bấy giờ Ngựa Trắng mới thấm thía: “Lời mẹ dạy thật không sai chút nào. Từ nay trở đi mình sẽ không bao giờ làm trái lời mẹ như thế nữa”.
Ý nghĩa câu chuyện:
Không phải tự nhiên trẻ em cần phải nghe theo chỉ dẫn của cha mẹ bởi người lớn thường có nhiều kinh nghiệm hơn và điều đó sẽ giúp con vượt qua khó khăn dễ dàng, thoát khỏi nguy hiểm an toàn.
Thỏ con không vâng lời
“Một hôm thỏ mẹ đi chợ, dặn thỏ con:
Thỏ con của mẹ, con ở nhà chớ đi chơi xa con nhé!
Vâng ạ, con ở nhà con không đi chơi xa đâu mẹ ạ!
Thỏ mẹ vừa đi khỏi cổng thì bạn bươm bướm bay đến. Bươm bướm gọi:
Thỏ con trả lời: Không đâu, mẹ tớ dặn ở nhà không được đi chơi xa.
Một lúc sau, bươm bướm lại đến và gọi Thỏ: Bạn thỏ con ơi! Ra ngoài kia chơi đi! Ở đấy có cỏ này, có hoa này. Thích lắm, thích lắm!
Thỏ con ở nhà một mình buồn quá.
Thế rồi thỏ con liền chạy theo bươm bướm.
Mải chơi, Thỏ con quên mất đường về nhà.
Sợ quá, thỏ con ngồi khóc.
Hu hu hu! Mẹ ơi. Mẹ ơi.
Vừa lúc đó có một bác gấu đi qua, thấy thỏ con khóc, bác gấu hỏi:
– Cháu thỏ!. Làm sao cháu khóc đấy?
Thỏ quệt nước mắt và trả lời bác gấu:
– Bác gấu ơi!. Mẹ cháu dặn cháu ở nhà cháu lại đi chơi xa, bây giờ cháu không biết lối về nhà. Hu hu.
Bác gấu ân cần xoa đầu thỏ và nói
– Nín đi bác sẽ đưa cháu về nhà với mẹ.
Nói rồi bác gấu dắt tay thỏ con về nhà.
Về đến nhà thỏ mẹ chạy ra ôm chầm lấy thỏ con
Thỏ con nói với mẹ:
Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, mẹ dặn con ở nhà không được đi chơi xa, thế mà con lại đi chơi xa vậy, con xin lỗi mẹ.
Thỏ mẹ xoa đầu thỏ con và nói:
– Con biết lỗi là được rồi, lần sau con nên nghe lời mẹ nhé.
Nói rồi thỏ mẹ và thỏ con quay sang cảm ơn bác gấu.
Ý nghĩa câu chuyện:
Câu chuyện nhắc nhở trẻ rằng việc nghe lời là một phẩm chất đáng trân trọng, giúp trẻ phát triển thành nhân cách tốt và tạo dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
Cóc con không vâng lời
Một con Cóc nhỏ sống với mẹ trong một cái ao rộng. Là một đứa trẻ ương ngạnh bướng bỉnh, nó chẳng bao giờ nghe theo lời mẹ khiến cho mẹ nó rất buồn.
Nếu Cóc mẹ bảo nó hãy lên đồi chơi thì nó lại xuống biển. Nếu mẹ nó bảo lên hàng xóm phía trên chơi thì nó đi xuống phía dưới. Cóc mẹ bảo làm gì nó cũng làm trái ngược lại.
Cóc mẹ nhủ thầm:
– Tôi biết làm gì bây giờ đây. Tại sao nó lại không như những đứa trẻ khác? Bọn chúng luôn nghe lời người lớn nói, luôn luôn ngoan ngoãn và vâng lời. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu như nó cứ tiếp tục bướng bỉnh như vậy. Tôi cần phải làm gì đó khiến cho nó thay đổi.
Và Cóc mẹ thở dài. Cóc con chế nhạo:
– Ha! Ha! Ha! Mẹ cứ cằn nhằn như thế để làm gì. Mẹ không cần phải lo lắng gì về con. Dù thế nào thì mọi việc đối với con cũng có làm sao đâu.
Cóc mẹ đáp:
– Nếu thế thì tại sao con lại không biết kêu như những con Cóc khác. Thậm chí giọng của con cũng không giống giọng của loài Cóc. Hãy để mẹ dạy con.
Và Cóc mẹ phồng người lên rồi kêu to:
– Kaegul! Kaegul. Như thế như bây giờ con hãy thử xem sao?
Cóc con cũng phồng người lên nhại lại:
– Kulgael! Kulgael Như thế, như thế…
Cóc mẹ kêu lên:
– Tại sao con lại hỗn láo đến thế. Mẹ đến chết vì con mất thôi, nếu như con biết điều tốt cho con thì con phải nghe lời mẹ. Bây giờ con …
– Kulgael! Kulgael
Cóc nhại lại rồi nhảy biến đi.
Ngày này qua ngày khác, Cóc mẹ mắng mỏ Cóc con nhưng vẫn cứ tiếp tục những gì nó thích mà cụ thể là làm trái những điều mẹ nó bảo nó. Cóc mẹ rất phiền lòng vì con và chẳng bao lâu sau nó ngã bệnh. Còn Cóc con thì vẫn ngỗ ngược như cũ.
Một hôm, Cóc mẹ gọi Cóc con, tới bên giường và bảo:
– Con trai của mẹ, mẹ nghĩ là mẹ không thể sống lâu hơn được nữa. Khi mẹ chết, đừng chôn mẹ ở trên núi, hãy chôn mẹ ở cạnh dòng suối.
Cóc mẹ nói thế bởi vì bà biết rằng thế nào Cóc con cũng làm ngược lại lời bà dặn. Vài ngày sau, Cóc mẹ qua đời. Cóc con khóc lóc thảm thiết, nó tự trách mình:
– Ôi mẹ tội nghiệp của con. Con đã làm khổ mẹ nhiều quá, vì những thói hư của mình. Tại sao con lại không nghe lời mẹ? Bây giờ mẹ đã qua đời rồi. Chính con đã giết mẹ! Chính con đã giết mẹ!
Cóc con nghĩ về mẹ và tất cả những phiền muộn mà nó đã gây ra cho mẹ nó. Và nó tự nhủ:
– Ta đã luôn làm trái lời mẹ dặn, bởi vì ta thấy thế vui. Nhưng lần này thì ta làm đúng theo lời mẹ dặn.
Do vậy, Cóc con chôn mẹ bên cạnh dòng suối dù rằng nó cũng nghĩ là chôn ở chỗ đó không hay lắm. Vài tuần sau, có một trận bão. Trời mưa nhiều đến nỗi nước suối tràn lên cả hai bờ, Cóc con không tài nào ngủ được vì lo rằng mộ mẹ nó sẽ bị nước cuốn trôi. Trằn trọc mãi cuối cùng nó trở dậy đi ra mộ xem sao.
Dưới trời mưa tầm tã, nó cứ ngồi đó khóc sướt mướt:
– Kaegul! Kaegul! Xin đừng có cuốn trôi mộ của mẹ tôi.
Và cứ hễ trời mưa thì nó lại khóc như thế. Kể từ đó, Cóc xanh luôn luôn kêu “Kaegul! Kaegul?” khi trời mưa.
Ý nghĩa câu chuyện:
Việc trẻ em không vâng lời và thách thức quyền lực có thể mang đến những hậu quả không mong muốn.
Dê con nghe lời mẹ
Dê mẹ có một đàn con. Sắp đi kiếm cỏ, Dê mẹ gọi con đến dặn rằng:
– Các con ơi, mẹ đi vắng, các con phải đóng cửa cho cẩn thận. Không phải mẹ về, nếu có ai lạ gọi cửa, các con không được mở cửa nhé!
Dê mẹ đi rồi, Dê con đóng chặt cửa, đợi mẹ. Một lát Dê mẹ về, vừa gọi cửa vừa hát:
Các con ngoan ngoãn
Mau mở cửa ra,
Mẹ đã về nhà
Cho các con bú!
Dê con nghe tiếng mẹ, liền mở cửa để mẹ vào. Dê mẹ cho con bú xong, lại đi và dặn con đón cửa chờ mẹ.
Một con chó sói nghe tiếng Dê mẹ hát. Đợi Dê mẹ đi rồi, nó rón rén đến trước cửa rồi vừa gõ cửa vừa hát:
Các con ngoan ngoãn
Mau mở cửa ra,
Mẹ đã về nhà
Cho các con bú!
Dê con trả lời:
– Chúng ta nghe ra rồi, chúng ta nghe ra rồi, mày không phải là mẹ chúng ta. Mẹ chúng ta hát hay cơ, không ồm ồm như giọng mày đâu. Chúng ta không mở cửa đâu! Không mở cửa cho mày đâu!
Sói ta đợi một lúc, lại gõ cửa lần nữa, nhưng cũng chẳng ăn thua gì, đành cúp đuôi lủi mất.
Dê mẹ lại về và hát:
Các con ngoan ngoãn
Mau mở cửa ra,
Mẹ đã về nhà
Cho các con bú!
Nghe đúng tiếng mẹ, đàn Dê con tranh nhau mở cửa, rồi tíu ta tíu tít kể lại cho mẹ nghe:
– Mẹ ơi, lúc mẹ đi vắng, chó sói đến đây, nhưng chúng con không mở cửa.
Dê mẹ xoa đầu các con khen:
– Các con vâng lời mẹ, các con thật là những đứa trẻ ngoan. Nếu các con mở cửa thì chó sói vào ăn thịt các con rồi.
Ý nghĩa câu chuyện:
Bé cần học cách lắng nghe cha mẹ, rèn luyện kỷ luật và đặt niềm tin vào người thân trong gia đình để thể trách nhiệm đối với bản thân, hiểu được sự quan tâm của họ.
Một số mẩu truyện ngắn hay giúp con phát triển nhận thức bồi dưỡng tình cảm
Ngoài những câu chuyện dạy trẻ biết nghe lời, bạn cũng có thể đọc cho bé những mẩu truyện về tình yêu thương, trách nhiệm, sự cảm thông,… để giúp con nhận thức được những điều xung quanh mình.
Con cú khôn ngoan
Ngày xửa ngày xưa, có một con cú già sống trên một cây sồi to. Mỗi ngày, nó đều phóng tầm mắt ra thật xa để quan sát những điều xảy ra xung quanh mình. Có khi nó nhìn thấy một cậu bé đang giúp ông lão xách một cái túi to, có khi nó nhìn thấy một cô con gái đang cằn nhằn mẹ mình. Ngày qua ngày, con cú nhìn thấy được rất nhiều thứ nhưng nó vẫn giữ im lặng về những điều mà mình thấy.
Từ từ, con cú già bắt đầu nói ít hơn và thính giác của nó dần trở nên tốt hơn. Bây giờ nó có thể nghe rõ những cuộc nói chuyện của mọi người. Một ngày, con cú già nghe thấy một người phụ nữ nói với ai đó rằng có một con voi nhảy qua hàng rào. Một ngày khác, con cú lại nghe thấy một người đàn ông nói với ai đó rằng mình là con người hoàn hảo và chưa bao giờ mắc phải sai lầm gì.
Mỗi ngày trôi qua, con cú già lại nói ít hơn và nghe nhiều hơn. Nhờ vậy, nó biết được tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh, dù không có ở đó. Dần dần, con cú già trở nên khôn ngoan hơn và nổi tiếng vì sự khôn ngoan ấy.
Ý nghĩa câu chuyện:
Nói ít, quan sát và lắng nghe nhiều sẽ giúp con trở nên thông minh và khôn ngoan hơn.
Con cừu đen kêu be be
Ngày xửa ngày xưa, có một con cừu đen sống trong một ngôi nhà nhỏ. Cứ đến mùa xuân, con cừu đen lại tự cạo sạch lông của mình và đem ra chợ bán cho những người muốn làm quần áo ấm.
Một năm nọ, con cừu đen nhận thấy rằng dường như không ai còn chuộng lông cừu đen nữa. Do đó, số lông cừu mà nó còn lại khá nhiều. Dù vậy, nó không muốn lãng phí số lông này nên đã quyết tâm bán tiếp. Hôm đó, chẳng có ai muốn mua lông của nó cả nên con cừu đen mang số lông ấy về nhà. Ngày hôm sau, nó lại mang ra bán tiếp nhưng mọi chuyện cứ diễn ra y như hôm trước. Và hôm sau, hôm sau nữa cũng y như vậy.
Một ngày nọ, khi con cừu đen đang ngồi buồn rầu với số lông của mình, có một cậu bé chạy lại và hỏi nó có bán số lông này không. Nghe hỏi, con cừu đen vô cùng mừng rỡ và nói có. Cậu bé chạy đến chỗ bố mẹ mình thông báo có chỗ bán lông cừu. Họ cùng nhau đến chỗ con cừu và ngỏ ý muốn mua hết toàn bộ số lông. Họ cho biết mình đến từ ngôi làng kế bên và đã tìm kiếm rất nhiều nơi để tìm mua lông cừu đen nhưng không có chỗ nào bán cả.
Ngày hôm ấy, con cừu trở về nhà và cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi những cố gắng của nó đã được đền đáp xứng đáng.
Ý nghĩa câu chuyện:
Hãy cố gắng, kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc, có ngày con sẽ thành công.
Khỉ và cá sấu
Ngày xưa, có một con khỉ sống trên một cây cao lớn và làm bạn với một con cá sấu sống ở dòng sông gần đó. Mỗi ngày, con khỉ sẽ hái những quả táo ngon ở trên cây và đem tặng bạn cá sấu. Nhận được quà từ khỉ, cá sấu đem về và ăn chung với vợ mình. Vợ của cá sấu là một người rất tham ăn và muốn ăn cả trái tim của chú khỉ. Nghe mong muốn đó của vợ, cá sấu rất băn khoăn nhưng vẫn làm theo ý vợ.
Cá sấu đã mời khỉ ngồi trên lưng mình để đưa đi tham quan dòng sông nhưng thật ra nó có ý định giết khỉ và lấy quả tim khi bơi đến giữa dòng. Khi khỉ biết được mưu đồ xấu xa của cá sấu, nó đã nhanh trí nói với cá sấu rằng mình để quả tim ở trên cây. Nếu muốn lấy thì hãy chở nó quay lại. Cá sấu tin lời, chở khỉ quay trở lại để lấy quả tim. Thế nhưng, khi đến nơi, khỉ đã thoăn thoắt trèo lên cây và chẳng mấy chốc biến mất. Và thế là, kế hoạch của cá sấu đã hoàn toàn thất bại.
Ý nghĩa câu chuyện: Khi gặp tình huống khó khăn, con hãy bình tĩnh và sử dụng trí thông minh của mình để vượt qua điều đó.
Chú cún con đi lạc
Có một cậu bé bị mất con cún con yêu quý của mình và tìm kiếm xung quanh. Cậu bé đã tìm khắp căn nhà nhưng không thấy cún đâu cả. Cậu đi lang thang khắp nơi từ sáng đến tối nhưng vẫn không tìm thấy.
Cậu bé trở về nhà trong tâm trạng buồn bã. Khi thấy anh hàng xóm đang ngồi bên hiên nhà, cậu đến gần để chúc ngủ ngon và sẵn tiện hỏi thăm xem anh này có nhìn thấy cún con của mình ở đâu không.
– Anh Tí ơi, sáng giờ anh có thấy con cún của em ở đâu không? Em đã tìm nó khắp nơi từ sáng đến giờ.
– Ồ có đấy. Có một con cún đang gặm xương ở đằng kia kìa. Anh không biết cún đó do em nuôi nên không báo em biết.
Ý nghĩa câu chuyện: Đừng bỏ cuộc trước khi chưa cố gắng thật nhiều.
Người thợ săn và những chú chim bồ câu
Ở ngoài một ngôi làng nọ, có một cây đa rất lớn. Phía trên cây, có nhiều loại chim khác nhau làm tổ. Còn dưới những tán lá, khách bộ hành thường ngồi lại nghỉ ngơi sau khi đi một chặng đường dài. Một ngày nọ, có một người thợ săn đến khu vực này và nhìn thấy trên cây có rất nhiều chim. Anh ta tìm cách đặt bẫy những chú chim này, nhưng một con quạ đã biết được điều đó và cảnh báo cho những con chim khác.
Đúng lúc này, có một đàn chim bồ câu đang bay gần đó. Chúng nhìn thấy có rất nhiều hạt thóc nên đã sà xuống ăn. Chẳng mấy chốc, chúng bị mắc kẹt trong chiếc lưới của người thợ săn. Dù rất sợ hãi nhưng con chim đầu đàn đã nghĩ ra một kế hoạch. Nó bảo với cả đàn: “Trong khi người thợ săn chưa quay về, chúng ta hãy hợp lực lại để mổ rách chiếc lưới này. Sau đó, một con sẽ thoát ra và tìm kiếm sự giúp đỡ”.
Các chú chim bồ câu đều đồng lòng, hợp sức lại để cắn rách chiếc lưới. Khi chiếc lưới đã rách, con chim đầu đàn nhanh chóng bay khỏi chỗ đó. Nó nghĩ: “Bây giờ mình phải bay đến nhà chuột để nhờ các bạn ấy cắn rách chiếc lưới”.
Nghĩ sao làm vậy, chú đã bay thẳng đến chỗ của chuột nhờ giúp đỡ. Chẳng bao lâu, cả đàn chuột kéo đến và cắn chiếc lưới rách tan tành. Đàn bồ câu liền bay vút lên trời cao.
Ý nghĩa câu chuyện: Đoàn kết là sức mạnh vô địch, nó giúp chúng ta thoát khỏi nguy hiểm và vượt qua khó khăn một cách dễ dàng.
Qua những câu chuyện dạy trẻ biết nghe lời trên đây, Timnhanh.com.vn hi vọng ba mẹ và bé thành công trong việc hiểu sự quan tâm và trân trọng lẫn nhau, hơn hết là sự gắn kết trong gia đình. Ngoài những mẩu truyện trên, còn rất nhiều câu chuyện ý nghĩa khác được tổng hợp trong chương trình giáo dục tiếng Việt & kỹ năng sống VTimnhanh.com.vn đang được nhiều phụ huynh và các bé đón đọc hàng tuần.
[wpcc-iframe src=”https://www.youtube.com/embed/KVwg1hGtd0o?list=PLF184PUtgzqED_TCF22iiLG_NYP3R7xep&index=21″ width=”560″ height=”314″ allowfullscreen=”allowfullscreen”]
Hy vọng những câu chuyện Timnhanh.com.vn chia sẻ sẽ phần nào giúp ba mẹ nuôi dạy con nhẹ nhàng và an tâm hơn!
Nguồn: Tổng hợp Internet