Bên cạnh những đặc sản được nhiều người biết đến như thịt chua, cá muối thính, cọ ỏm, cá kho trám,… ở Phú Thọ còn có một món ăn dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng. Đó chính là bánh sắn.

Trước đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân Phú Thọ thường lấy sắn về phơi khô, xay thành bột rồi làm bánh để ăn chống đói. Bánh sắn lúc đó không có nhân, người ta phải lấy đũa chọc một lỗ ở giữa cho bánh nhanh chín và chín đều. Bởi vậy, người địa phương thường gọi là bánh sắn nhân đũa.

Ngày nay, bánh sắn không còn là món ăn “nhà nghèo” nữa mà được “nâng tầm” thành đặc sản nức tiếng của vùng đất Tổ, “hút” khách thưởng thức. Thay vì làm “nhân đũa”, bánh sắn được chế biến đa dạng, chất lượng hơn với nhân mặn và nhân ngọt. 

 {keywords}

Bánh sắn là món ăn nổi danh của vùng đất Tổ – Phú Thọ (Ảnh: Bột sắn sạch)

Bánh sắn nhân ngọt thường được làm từ các loại nguyên liệu như đỗ xanh dừa, nhân đậu đen, đậu đỏ, nhân chuối hoặc nhân lạc vừng,…Còn bánh sắn nhân mặn thì cầu kỳ hơn, có thể biến tấu từ nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn với đậu xanh, nhân thịt băm và mộc nhĩ hay nhân trứng kiến. Mỗi kiểu nhân sẽ mang lại hương vị khác nhau cho món ăn nhưng phổ biến và được yêu thích nhất vẫn là bánh sắn nhân thịt băm mộc nhĩ.

Thoạt nhìn, bánh sắn có hình thức bên ngoài không mấy hấp dẫn. Bánh khá nhỏ, chừng ba đầu ngón tay chụm lại và được bọc bởi lớp lá chuối mỏng, khi chín có màu đục, hơi trong. Tuy nhiên, khi ăn thử, thực khách sẽ thấy bất ngờ bởi độ dẻo dai của lớp vỏ bánh kết hợp vị bùi, béo ngậy từ phần nhân.

Tuy là món ăn dân dã, được chế biến từ nguyên liệu dễ tìm nhưng để làm nên những chiếc bánh sắn thơm ngon, người dân Phú Thọ phải thực hiện từng công đoạn thật tỉ mỉ. Sắn làm bánh được chọn lựa từ loại sắn nếp củ trắng, thân mập. Giống sắn này có nhiều bột, vị ngọt thơm, khi luộc sẽ bở tơi, màu trắng xốp trông rất hấp dẫn.

 {keywords}

Bánh sắn được biến tấu với nhiều hương vị, gồm đủ kiểu nhân mặn và nhân ngọt khác nhau (Ảnh: Đặc sản Phú Thọ)

 {keywords}

Bánh sắn được chế biến hoàn toàn thủ công nên có độ mềm dẻo nhất định, dậy mùi thơm nức mũi (Ảnh: @rieulun2712)

Để làm vỏ bánh, người ta phải sử dụng phần bột chất lượng. Bột sắn càng đảm bảo thì bánh thành phẩm càng ngon, có độ dẻo dai, vừa miệng. Chị Nguyễn Hà (sống ở TP. Việt Trì) chuyên cung cấp bánh sắn cho các đầu mối trong và ngoài tỉnh đã 4 năm nay cho hay, bánh sắn muốn ngon cũng đòi hỏi những bí quyết riêng mà chỉ người làm bánh mới biết.

“Từ việc chọn lựa nguyên liệu đến quá trình chế biến đều cần thực hiện khéo léo. Với công đoạn nhào bột, người làm phải có kinh nghiệm, đổ nước sôi từ từ vào chậu bột khô, vừa đong lượng nước phù hợp, vừa dùng đũa đảo nhanh tay để nước và bột hòa quyện vào nhau. Nhào kĩ đến khi thu được hỗn hợp bột thật dẻo, mịn thì bắt đầu nặn thành bánh”, chị Hà nói.

Ngoài dùng bột khô, người địa phương còn áp dụng cách làm từ bột tươi. Sắn được tách vỏ, rửa sạch, lọc bỏ xơ rồi dùng bàn mài thành bột nhuyễn. Vắt hỗn hợp trên để lấy bã, phần nước còn lại chờ cho lắng đọng để thu được phần tinh bột tươi màu trong. Trộn bột với bã, nhào kĩ đến khi hỗn hợp bột dẻo, sánh mịn là được.

 {keywords}

Lá chuối phải chọn loại lá bánh tẻ, đem hơ lửa cho mềm và dai để lúc gói bánh không bị rách (Ảnh: @cuncunfood)

 {keywords}

Lá chuối được cuốn ngang thân bánh, giúp bánh không bị dính vào nhau khi hấp và làm dậy mùi thơm hấp dẫn (Ảnh: @anhsausaigon).

 {keywords}

Bánh sắn được làm chín bằng phương pháp hấp cách thủy, chờ khoảng 40 phút là bánh chín (Ảnh: Minho’s Kitchen).

Với phần nhân, người ta thường sử dụng các thành phần nguyên liệu gồm thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô. Thịt chọn miếng có cả nạc cả mỡ, sơ chế sạch rồi băm nhỏ cùng mộc nhĩ. Phi thịt với mộc nhĩ và hành khô, nêm nếm gia vị vừa ăn.

Chuẩn bị xong phần nhân mặn, người ta bắt đầu nặn bột, cho nhân vào giữa rồi bọc lá chuối bên ngoài. Những người thợ nặn bánh quen tay sẽ biết đong đếm lượng bột và nhân sao cho hợp lý để vỏ bánh không quá dày, khó chín

Bánh sắn gói xong được đem hấp cách thủy trong khoảng 35-40 phút. Bánh được nặn thành hình bầu dục hoặc hơi dẹt, thon dài để đảm bảo chín đều, bột không bị sống. Khi bánh chín, lớp vỏ chuyển sang màu đục trong, hơi nâu, có thể xen lẫn màu xanh của lá chuối. Những chiếc bánh nóng hổi, bốc khói nghi ngút và thơm mùi của sắn, của thịt băm chưng hành khiến bất kỳ ai cũng muốn ăn ngay lập tức.

Lớp vỏ bánh mềm dẻo, hơi dai, thơm mùi bột sắn và lá chuối, hòa quyện với phần nhân béo ngậy từ thịt lợn, vị giòn giòn của mộc nhĩ, tạo thành thức quà quê làm say đắm bao thế hệ người con của vùng đất Phú Thọ và cả khách thập phương.

{keywords}

Bánh sắn có giá thành bình dân, chỉ khoảng 5.000 – 6.000 đồng/chiếc (Ảnh: Minho’s Kitchen)

Chị Hà tiết lộ thêm, ngoài phục vụ khách trong thành phố, gia đình chị còn vận chuyển bánh sắn tới các tỉnh thành khác, nhất là Hà Nội. Trung bình, nhà chị cung cấp 500-700 chiếc mỗi ngày. Lúc cao điểm, số lượng bánh sắn sản xuất và bán hết trong ngày có thể đạt tới 2.000 chiếc.

“Bánh phục vụ tại chỗ là bánh chín, còn nóng hổi có giá 5.000 đồng/chiếc. Còn bánh giao tới các địa phương là bánh bột tươi chưa hấp hoặc bánh chín để nguội hút chân không. Cách này giúp bánh bảo quản được lâu, giữ nguyên chất lượng. Một số thực khách còn thích mua bánh tươi về nướng, tạo lớp vỏ vàng ruộm rất thơm. Vì mất phí vận chuyển, giao hàng tận nơi, nhất là trong mùa dịch nên giá bánh sắn tới tay người tiêu dùng tại Thủ đô được tăng lên khoảng 70.000 – 75.000 đồng/hộp chục cái”, chị Hà chia sẻ.

 {keywords}

Bánh sắn chín được đóng gói cẩn thận, hút chân không để vận chuyển tới các tỉnh thành lân cận, phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của thực khách thập phương (Ảnh: Hong Nguyen)

Sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ nhưng hàng chục năm qua sống tại Hà Nội, cô Thảo Ly (ở quận Hai Bà Trưng) mới chỉ vài lần được thưởng thức lại món bánh sắn tuổi thơ, gắn liền với những năm tháng khốn khó. Mỗi lần gia đình muốn ăn, cô phải đặt mua ở chỗ người quen, dặn trước vài ngày mới có bánh.

“Tôi nhớ như in món bánh sắn mẹ nấu để ba chị em chống đói, chỉ có phần bột dai dai chứ không có nhân. Nay tìm được món ăn tuổi thơ giữa lòng thành phố, tôi rất xúc động và luôn kể cho con cháu nghe về loại bánh nổi danh của quê hương”, cô Ly bày tỏ.

Phan Đậu