Rèn luyện kỹ năng quan sát cho trẻ là tiền đề để con phát triển tư duy, nâng cao trải nghiệm của bản thân, từ đó tự giải quyết các tình huống một cách hiệu quả. Ba mẹ hãy luôn đồng hành cùng con và thực hiện rèn luyện cho trẻ theo hướng dẫn dưới đây để giúp con phát triển tốt nhất.
Bạn hiểu kỹ năng quan sát là gì?
Kỹ năng quan sát là cách nhìn nhận và đánh giá sự vật, hiện tượng trong cuộc sống có chủ đích nhằm tìm hiểu hoặc phân tích để giải quyết một vấn đề, sự việc, sự vật. Trẻ có khả năng quan sát tốt sẽ giúp con tư duy có chiều sâu, dễ dàng phân tích và đưa ra phương án tốt nhất khi giải quyết vấn đề. Điều này thực sự có ích cho việc học và làm sau này của trẻ.
Như vậy, bạn có thể nhận thấy những lợi ích tuyệt vời khi rèn luyện kỹ năng quan sát cho con thành công như:
-
Rèn luyện trí nhớ của trẻ: Quan sát là 1 hành động đơn giản nhưng ở mức độ nâng cao, việc quan sát có chủ đích là 1 quá trình gồm Nhìn => Hiểu => Nhớ. Khi quá trình này được phát triển như một thói quen quan sát, khả năng ghi nhớ của con sẽ được nâng cao.
-
Phát triển tư duy: Quan sát có mục đích đồng nghĩa với việc trẻ vừa nhìn vừa phán đoán hoặc đánh giá, cảm nhận. Nhờ vậy mà bộ não của trẻ được kích thích hoạt động, con dễ dàng ghi nhớ, xâu chuỗi các sự kiện liên quan và hiểu được vấn đề. Từ đó, con có thể tự giải quyết tình huống, ra quyết định đúng đắn cho mọi việc.
-
Nâng cao nhận thức và khả năng giao tiếp: Bằng sự quan sát cẩn thận cùng suy nghĩ thấu đáo, mức độ hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh ngày càng được trau dồi. Dựa vào những kiến thức về con người, sự vật, những nơi đã đi qua và trải nghiệm từ những sự việc trước, con sẽ cảm thấy tự tin khi trao đổi vấn đề với bất kỳ ai.
-
Phát triển và kiểm soát cảm xúc cá nhân: Cùng với tư duy và nhận thức, việc quan sát kỹ lưỡng giúp con kiểm soát cảm xúc thông qua việc phân tích đúng vấn đề, đưa ra cách giải quyết hợp lý thay vì bộc lộ cảm xúc thái quá. Bạn có thể nhận thấy điều này rõ ràng khi bé gặp các vấn đề khó khăn hoặc sự việc không theo ý mình.
Rèn luyện kỹ năng quan sát cho trẻ hiệu quả: Ba mẹ nên dạy những gì?
Theo đó, để dạy kỹ năng quan sát cho trẻ mầm non hay các bé lớn hơn, ba mẹ nên dạy con những điều sau đây:
Dạy trẻ quan sát có chủ đích
Nếu chỉ dừng lại ở việc nhìn đơn thuần, trẻ rất khó nắm bắt đặc điểm của một sự vật, quá trình diễn ra của một sự việc và không lưu lại được gì trong trí nhớ. Do đó, bạn cần hướng dẫn bé quan sát có mục đích bằng cách:
-
Cho bé quan sát 1 sự vật, yêu cầu con nêu đặc điểm chi tiết. Sau đó, hãy nhắc bé tả lại bằng trí nhớ của mình.
-
Dẫn trẻ đến nơi đông người như khu vui chơi, công viên, yêu cầu bé quan sát và mô tả lại hành động của một số bạn nhỏ ở gần đó. Hoặc đến nhà sách, yêu cầu con tìm 1 quyển sách bất kỳ.
-
Ở mức độ cao hơn, hãy cho con xem video về quá trình làm một thứ gì đó như đồ chơi, món ăn, v.v… và yêu cầu bé diễn tả lại sự việc theo trí nhớ của mình. Tiếp đó, hãy đặt câu hỏi vì sao cho mỗi công đoạn trong quá trình đó để con nắm được bản chất.
Hướng dẫn quan sát kết hợp xử lý thông tin
Việc quan sát có chủ đích được nâng cao hơn khi con có thể kết hợp vừa nhìn vừa xử lý thông tin ngay lập tức. Chẳng hạn như:
-
Bạn đưa con đến nhà sách, dẫn trẻ đến khu bày sách lớn nhất và yêu cầu con quan sát, dự đoán cuốn sách tên A sẽ nằm ở đâu. Tiếp đó, hãy yêu cầu bé tìm chúng và mang đến chỗ bạn.
-
Trong một tình huống bất chợt, khi bạn đang cùng con xem tranh về con vật, hãy yêu cầu con nói về những điều con biết về chúng, bao gồm: Đặc điểm ngoại hình, thức ăn, nơi sống,… Thực hiện tương tự khi cho trẻ xem bất cứ thứ gì khác.
Sử dụng trò chơi rèn luyện kỹ năng quan sát
Học qua trò chơi là một hình thức thú vị mà trẻ em nào cũng thích, những điều học được qua cách thức này cũng đều được lưu giữ lâu hơn trong trí nhớ của con. Vì vậy, bạn hãy thử những trò chơi dưới đây nhé!
Trò chơi 1: Túi bạn có gì thế?
-
Đồ dùng: Một chiếc túi sạch
-
Địa điểm: Công viên, bờ biển, trong nhà.
-
Cách chơi: Tại nơi diễn ra trò chơi, bạn yêu cầu con nhặt những thứ mình thích cho vào túi. Sau đó, hãy hỏi con trong túi có những gì và nhắc chúng phân loại. Tiếp đó, hãy yêu cầu bé mô tả đặc điểm và nêu lý do vì sao con lại nhặt chúng.
Trò chơi 2: Quả này có mùi gì?
-
Đồ dùng: 2 – 3 loại quả bất kỳ
-
Địa điểm: Tại nhà
-
Cách chơi: Cho bé quan sát các loại quả bạn đã chọn, yêu cầu con đọc tên, mô tả hình dạng & màu sắc, mùi vị của quả đó. Tiếp đến, gợi ý bé quan sát và đưa ra đáp án về điểm giống và khác nhau giữa các loại quả.
Trò chơi 3: Xem ai bắt chước đúng
-
Địa điểm: Tại nhà hoặc công viên.
-
Cách chơi: Bạn chủ động thực hiện một số hành động đơn giản như nhảy lò cò, làm mặt xấu, tập thể dục,… cho con quan sát thật kỹ. Sau đó, hãy hướng dẫn con làm theo từng bước. Tiếp đến, yêu cầu bé lặp lại những hành động đã học và đưa ra nhận xét, góp ý. Đừng quên khen thưởng nếu con làm đúng nhé!
Viết nhật ký về những điều thú vị con thấy trong ngày
Với những bé ở độ tuổi biết đọc, biết viết, hãy cho con được đi đây đó, quan sát và viết lại những điều đã thấy. Hoặc bạn có thể yêu cầu con viết những điều thú vị mà con đã học, trải nghiệm trên lớp và nêu cảm nhận về nó.
Bằng cách này, trẻ không chỉ cải thiện khả năng quan sát mà còn nâng cao kỹ năng viết văn đơn giản, luyện được cách dùng câu từ tiếng Việt một cách trôi chảy, đúng ngữ pháp, thậm chí là luyện chữ. Hãy cho phép con làm điều này như một bí mật riêng tư, chỉ đọc khi bé đồng ý để con được thoải mái khi làm việc này.
Tạo cơ hội đi thực tế và trải nghiệm nhiều hơn
Cuối cùng, mục đích của rèn luyện kỹ năng quan sát là nâng cao hiểu biết và khả năng phân tích của trẻ. Vì vậy, ba mẹ cần cho trẻ đi trải nghiệm ở những nơi như sở thú, vườn cây, khu vui chơi, siêu thị,… Nếu khéo tay, bạn cũng có thể tự thiết kế mô hình cây xanh, vườn hoa quanh nhà, công viên,… để phục vụ cho việc dạy học. Việc này sẽ giúp ba mẹ tiết kiệm thời gian khi quá bận rộn và bé vẫn có cơ hội để học hỏi.
Lưu ý quan trọng khi dạy trẻ quan sát ba mẹ cần nhớ
Song song với các bài học, ba mẹ cũng cần chú ý một số vấn đề trong quá trình dạy để đạt hiệu quả. Cụ thể:
Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử
Điện thoại, máy tính chỉ nên là công cụ dạy học và không nên để trẻ tự ý xem chúng. Các thiết bị này nên được tận dụng để con được xem, quan sát và tìm hiểu những thứ khó thấy trong thực tế. Ngoài ra, bạn nên hạn chế vì chúng có thể khiến con bị chậm phát triển ngôn ngữ, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của con.
Luôn khuyến khích trẻ trò chuyện
Việc học quan sát và kể lại luôn bắt đầu theo hướng bị động là bạn yêu cầu, bé làm theo. Tuy nhiên, hãy giúp con chủ động quan sát và nói với bạn về những điều con thấy bằng những lời khích lệ và phần thưởng thú vị. Đó có thể là một buổi đi thăm vườn thú, dạo chơi ở vườn trẻ với nhiều trò chơi hấp dẫn hoặc một món đồ chơi mà bé ao ước từ lâu.
Tạo hứng thú và khơi gợi trí tò mò của trẻ
Khả năng quan sát của trẻ sẽ được nâng cao khi ba mẹ luôn đặt câu hỏi gợi mở để bé trả lời và dành cho con những phần thưởng thú vị. Hãy thực hiện điều này để khuyến khích con tìm hiểu cũng như giúp bé cảm thấy việc học quan sát là thiết thực, ý nghĩa.
Luôn sẵn sàng trả lời câu hỏi của trẻ
Trong quá trình quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh, trẻ có thể gặp những vướng mắc và đặt ra nhiều câu hỏi. Điều này càng chứng tỏ trẻ tò mò và hứng thú với việc quan sát, học hỏi. Vì vậy, bạn đừng ngại giải đáp những câu hỏi của con để thỏa mãn trí tò mò của trẻ cũng như giúp con chủ động quan sát và phát triển tư duy tốt nhất.
Rèn luyện kỹ năng quan sát cho trẻ tuy là một phần nhỏ trong quá trình nuôi dạy, nâng cao nhận thức của bé nhưng nó lại đóng vai trò quan trọng để con ứng dụng xử trí tình huống sau này. Do đó, ba mẹ hãy luôn khuyến khích, động viên và đáp ứng mọi câu hỏi của bé nhé! Con càng hỏi nhiều hỏi sâu nghĩa là ba mẹ đã thành công rồi đấy!
Nguồn: Tổng hợp Internet