Dạy trẻ ngay từ khi còn nhỏ khiến bé hình thành các thói quen và tính cách tốt. Nhiều người cho rằng trẻ 2 tuổi còn quá nhỏ để dạy các kỹ năng sống. Đây là quan niệm sai lầm. Rèn luyện cho bé ngay từ khi còn nhỏ giúp trẻ tự lập, trưởng thành hơn, bố mẹ cũng nhàn và yên tâm hơn khi con lớn. Cần dạy kỹ năng sống cho trẻ 2 tuổi như thế nào để bé có thể tự chủ động hơn, phát triển một cách toàn diện hơn?
Nhóm kỹ năng giao tiếp cho trẻ 2 tuổi
Trẻ 2 tuổi đang bắt đầu học nói những từ đầu tiên. Trẻ chỉ mới được vài từ ngắn và đang học theo người lớn để nói chuyện. Giai đoạn này khá quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ và hình thành khả năng giao tiếp của trẻ. Cha mẹ cần dạy con bằng cách nói thật chậm, giải thích nghĩa của từ cho con và dạy con một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp như sau:
Dạy trẻ ngoan ngoãn lễ phép
Trẻ cần được biết mình cần ngoan ngoãn, lễ phép với người lớn. Cha mẹ có thể dạy con nói các từ “ạ, dạ, vâng” khi gặp người lớn và khi được cho đồ. Có thể dạy bé thói quen khoanh tay hay cúi đầu chào cùng. Thực hiện lặp lại liên tục giúp bé hình thành một thói quen phản xạ và ghi nhớ đây là điều mình nên làm. Đừng quên khen bé nếu bé làm tốt nhé.
Dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi đúng lúc
Trẻ 2 tuổi có thể chưa nhận biết được đúng sai và mình nên làm gì. Cha mẹ hãy dạy cho bé cách xin lỗi và cảm ơn người khác. Khi con nhận đồ từ người khác hay được cho quà hãy dạy con nói: “Con cảm ơn ông bà ạ”, “Con xin bố mẹ ạ”…Hay khi trẻ mắc lỗi sai hay nghịch ngợm làm phiền người khác, hãy dạy bé nói xin lỗi như: “Cháu xin lỗi cô/chú”, “Em xin lỗi anh chị”,…
Có thể bé chưa nói hết được cả câu luôn một lúc nhưng cha mẹ có thể dạy cho bé nói từng từ một. Cho bé hiểu tại sao bé cần làm như vậy. Cha mẹ cũng nên nhắc lại nhiều lần cho con nhớ khi nào con cần cảm ơn, khi nào cần xin lỗi để bé nhớ nhanh hơn.
Dạy trẻ biết cách tôn trọng người khác
Bé cần được học cách lịch sự và tôn trọng người khác mà chính cha mẹ cần làm gương cho con: Chủ động chào hỏi mọi người, luôn giữ thái độ thân thiện và vui vẻ. Dạy trẻ không được la quét, quậy phá khi có khách đến nhà người khác, không tự tiện nghịch đồ của bất kỳ ai khi không được cho phép. Khi người khác hỏi chuyện con cần ngoan ngoãn trả lời, không được nói trống không và luôn nói kèm từ vâng, dạ.
Dạy trẻ cách biểu đạt cảm xúc
Trẻ độ tuổi này chưa phân biệt được các biểu cảm một cách chính xác, cha mẹ hãy dạy cho con cách phân biệt các cảm xúc như vui, buồn, thích thú, tức giận, yêu, ghét,…Con có thể biểu hiện cảm xúc của mình để người khác hiểu được mong muốn của con hơn.
Ngoài việc thể hiện cảm xúc của mình con cũng nên học cách xem biểu hiện cảm xúc của người khác mà cư xử sao cho phù hợp. Có thể dùng những ngôn từ thích hợp để giúp trẻ nhận ra như: “Con không ngoan làm bố mẹ buồn đấy”, “Hôm nay con vâng lời bố mẹ rất vui”, hay “bạn đang khóc con ra ôm bạn nhé”,…
Dạy trẻ biết sẻ chia
Sự sẻ chia giúp gắn kết tình cảm giữa người với người, giúp mọi người có sự thấu hiểu và đồng cảm. Con có thể học cách chia sẻ đồ ăn, đồ chơi với bạn, không tranh giành của bạn. Nếu con mượn thì sau khi dùng xong phải trả lại cho bạn và nói cảm ơn.
Dạy trẻ nghiêm túc khi ăn cơm
Bữa cơm là nơi gắn kết mọi người trong gia đình với nhau, cha mẹ nên dạy cho bé trước khi ăn nên mời người lớn, ngồi ăn ngoan ngoãn, không chọc ngoáy thức ăn, không làm phiền hay ảnh hưởng đến người khác trong bữa ăn. Dạy con ngoan ngoãn ăn đồ ăn của mình, không làm vương vãi, không chạy nhảy, đùa nghịch hay vừa ăn vừa nói khi đang ăn cơm.
Xem thêm: 15 kỹ năng sống cho bé 6 tuổi: Hành trình phát triển cùng con
Nhóm kỹ năng tự chăm sóc bản thân cho trẻ 2 tuổi
Dạy trẻ tự lập ngay từ khi còn sớm giúp bé học được cách chăm sóc cho bản thân. Đây cũng là một số kỹ năng đầu đời để con có thể tự làm những việc đơn giản mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ.
Dạy trẻ tự xúc cơm ăn
Dạy trẻ học cách cầm thìa, muỗng để bé có thể tự xúc cơm ăn. Ban đầu bé có thể chưa quen với cách cầm thìa đũa, còn vương vãi thức ăn lung tung, cha mẹ nên kiên nhẫn dạy cho con, chờ con ăn xong, không nên quá ép trẻ.
Dạy trẻ học cách rót nước
Kỹ năng này khá quan trọng giúp trẻ có thể cầm nắm chắc đồ vật và thao tác một cách chính xác. Trẻ nhỏ chưa biết cách sử dụng sức của mình để có thể điều hướng được đồ vật. Có thể dạy cho trẻ cách tự rót nước để uống khi khát bằng cách hướng dẫn bé cách sử dụng vòi nước, cầm bình để rót nước.
Lưu ý không để trẻ cầm bình nước quá nặng hay các loại bình, ly bằng thủy tinh để bảo đảm an toàn cho mẹ. Cũng dạy bé tránh xa các vòi nước nóng hoặc phích nước để tránh nguy cơ bị bỏng.
Dạy trẻ tự thay đồ
Trẻ 2 tuổi đã có thể tự lựa chọn quần áo và tự thay sau khi tắm xong và khi bị dính bẩn. Cho bé tự lựa chọn các bộ quần áo mà bé yêu thích và sau đó cha mẹ hãy dạy cho con cách mặc đúng.
Dạy con cách phân biệt các loại quần áo, đồ dài tay, đồ cộc, áo khoác ngoài,…ngoài ra bé cũng có thể tự chuẩn bị mũ, giày, khẩu trang trước khi ra ngoài cùng bố mẹ.
Dạy trẻ tự thu dọn đồ chơi
Tạo cho bé thói quen và kỷ luật tự thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Dạy cho con biết sau khi chơi xong mình nên cất đồ chơi gọn gàng để không làm ảnh hưởng người khác. Con có thể cho vào giỏ đựng đồ chơi hay xếp lên trên kệ để lần tới dễ tìm hơn.
Dạy trẻ biết cách vệ sinh cá nhân
Trẻ lên 2 đã có nhận thức về việc mình cần phải vệ sinh cá nhân cho sạch sẽ. Con có thể tự rửa mặt, rửa tay hay đánh răng trước khi đi ngủ và sau khi đi ngủ dậy. Dạy cho con cách làm đúng cách và tạo không khí thoải mái cho con để con có thể thực hiện một cách tốt hơn. Có thể mua cho trẻ bàn chải có hình ngộ nghĩnh và các loại kem đánh răng phù hợp cho trẻ để bé thích thú và hào hứng hơn.
Dạy trẻ tự đi dép
Trẻ nhỏ thường hay đi nhầm dép trái do không biết phân biệt đâu là bên phải đâu là bên trái. Cha mẹ có thể chỉ cho con cách phân biệt hai bên, dạy con cảm nhận nếu mình đi giày dép bị ngược sẽ có cảm giác vướng như thế nào và có thể đánh dấu để bé nhanh chóng nhận ra. Ngoài ra, bé cần học cách để giày dép đúng nơi quy định, xếp gọn gàng theo hàng lối, tuyệt đối không để linh tinh.
Dạy trẻ cách tự lên xuống cầu thang
Một kỹ năng khác cha mẹ nên dạy cho trẻ để đảm bảo an toàn, phòng chống té ngã đó là học cách tự lên xuống cầu thang. Bé cần học cách đi xuống từng bậc một, tay bám vào lan can hay vào tường để phòng bị ngã. Không được chạy nhảy hay trượt từ trên cầu thang xuống và tuyệt đối không đi vào khu vực thang cuốn hay thang máy khi không có người lớn bên cạnh.
Nhóm kỹ năng giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
Giữ gìn vệ sinh chung là nguyên tắc bé được học càng sớm càng tốt. Bé sẽ có ý thức hơn với chính mình và mọi người xung quanh. Dần dần sẽ tạo thành thói quen và kỷ luật giúp bé có nếp sống đẹp, được mọi người yêu mến.
Dạy bé dọn dẹp và để rác đúng nơi quy định
Cha mẹ cần dạy cho bé thói quen biết dọn dẹp vệ sinh và đổ rác đúng nơi quy định. Các việc phù hợp mà bé 2 tuổi có thể làm được như lau bàn sau khi ăn, mang bát đĩa bẩn cho vào bồn rửa hay đổ rác đúng nơi quy định. Dần dần bé sẽ có thói quen cẩn thận sạch sẽ khi ăn uống và lau dọn khi làm đổ.
Cha mẹ chỉ cho bé đem vứt vỏ bánh kẹo vào thùng rác hay cho bé tự mang bỉm của mình đi vứt. Bé sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung và không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
Dạy bé cách tự đi vệ sinh, xả nước
Trẻ 2 tuổi đã có thể tự chủ động đi vệ sinh, cha mẹ hãy dạy cho bé thói quen đi vệ sinh đúng lúc đúng chỗ và dội nước sau khi đi. Có thể cho trẻ dùng bô đặt ở một vị trí cố định hoặc mua bệ ngồi toilet cho trẻ để bé có thể học đi như người lớn.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ 2 tuổi cần sự kiên trì, nhẫn nại bởi trẻ còn nhỏ, hay vụng về và chưa thể học nhanh sau một lần đầu tiên. Dạy con ngay từ sớm giúp con có thể tự lập, khéo léo hơn và hình thành các thói quen tốt có lợi cho sau này.
Nguồn: Tổng hợp Internet