Nhờ những hoạt động thường ngày mà con có thể học được các kỹ năng sống một cách nhanh chóng. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trẻ lên 3 là giai đoạn trẻ bắt đầu học hỏi và khám phá được nhiều điều xung quanh. Đây cũng là thời điểm cha mẹ nên dạy cho con các kỹ năng sống cần thiết bởi lúc này con rất dễ tiếp thu. Vậy có những cách dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 4 tuổi nào mà cha mẹ có thể áp dụng? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Monkey nhé.

Dạy kỹ năng sống cho con bằng những hoạt động thường ngày

Dạy kỹ năng sống cho con ngay từ những hoạt động thường ngày giúp con có thể học một cách tự nhiên và hình thành các thói quen tốt cho bé sau này.

“Trẻ lên 3 cả nhà học nói” – câu nói này nhằm nhắc nhở cho các bậc phụ huynh hãy dành thời gian để dạy cho con nói. Dạy trẻ hiểu ý nghĩa của các từ và nói một cách tròn vành, rõ chữ. Hãy dạy cho bé cách bắt chuyện, cách chào hỏi người lớn, biết dạ thưa lễ phép với người lớn tuổi và biểu đạt mong muốn của mình qua một câu nói dài.

Cha mẹ không nên nói nhại theo ngôn ngữ của trẻ khiến bé không học được cái nói đúng. Hãy vừa nói chuyện vừa mô tả để con có thể hiểu ý nghĩa của từ ngữ và có thể nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Ở độ tuổi này con đã có thể tự xúc cơm ăn, dạy trẻ cách cầm đũa thìa, ăn uống sao cho sạch sẽ. Hay cha mẹ có thể để con tự chơi một mình sau đó tự thu xếp đồ chơi, chỉ bé cách tự thay quần áo hay đánh răng, rửa mặt,…Những việc này tuy nhỏ nhưng cũng sẽ hình thành cho bé thói quen tự lập, bé không quá phụ thuộc vào cha mẹ và cha mẹ cũng nhàn hơn.

Trẻ lúc này luôn yêu thích sự mới lạ, luôn khám phá và tò mò về mọi thứ xung quanh vì thế cha mẹ chính là người cần dẫn dắt và hỗ trợ cho bé. Dành nhiều thời gian để nói chuyện cùng con, dạy con những điều con chưa biết và giải đáp thắc mắc để con có thể hiểu hơn.

Nhờ những hoạt động thường ngày mà con có thể học được các kỹ năng sống một cách nhanh chóng. (Ảnh: Nguồn Internet)

Dạy con bằng cách làm gương cho con

Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, trẻ con thường học theo và bắt chước những điều xung quanh. Cha mẹ chính là những người gần gũi với con nhất vì thế cần hành xử một cách có chuẩn mực để bé có thể nhìn thấy và học theo.

Cha mẹ cần chủ động chào hỏi mọi người và có thái độ tôn trọng người lớn tuổi để bé có thể học theo. Cha mẹ cũng nên thể hiện cho bé thấy mình nên biết cách xin lỗi và cảm ơn mọi người như thế nào. Biết trân trọng sự giúp đỡ của người khác và dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc sai lầm. Hãy thực hiện những điều này ngay cả đối với trẻ để bé thấy đây là điều nên làm.

Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp và đi đổ rác đúng nơi quy định, vừa làm vừa hướng dẫn cho trẻ khiến bé dần hình thành thói quen. Tạo ra các quy tắc trong gia đình và phân chia nhiệm vụ cho từng người để bé biết rằng mình cũng cần làm tốt phần việc của mình.

Cha mẹ chính là tấm gương tốt nhất để con có thể học theo. (Ảnh: Nguồn Internet)

Dạy trẻ cư xử nhã nhặn, hòa đồng với mọi người

Trẻ 3 4 tuổi đôi khi chưa nhận thức được sự đúng sai, cha mẹ cũng nên nghiêm khắc theo dõi và chỉnh sửa lại các hành vi giúp con có thể cư xử đúng hơn với mọi người. Đừng vì thương con mà nuông chiều những hành vi sai trái của trẻ, hãy quan sát và đưa ra những biện pháp uốn nắn phù hợp để trẻ ngoan hơn.

Ví dụ như trẻ thấy người lớn không chào, cha mẹ hãy chỉnh lại cho con thật khéo: “Con quên không chào ông/bà, cô/chú rồi kìa”. Hay khi bé chơi cùng các bạn hãy dạy bé phải biết sẻ chia, nhường nhịn nhau, không nên tranh giành đồ chơi với bạn và nếu con muốn chơi đồ chơi của bạn hãy xin phép và chờ bạn đồng ý.

Cho trẻ tham gia chơi cùng các nhóm bạn để có có thể hòa đồng, biết cách chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau và có thể phát huy được khả năng làm việc nhóm của mình sau này.

Hãy dạy con nếp sống thật thà, chân thành với mọi người, tuyệt đối không được nói dối, hãy kể cho con nghe tác hại của việc nói dối để con hiểu và không làm điều sai.

Giữ phép lịch sự khi giao tiếp với mọi người sẽ được yêu quý. (Ảnh: Nguồn Internet)

Cho con tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa

Môi trường sinh hoạt ngoại khóa chính là các nơi các con có thể thể hiện được các kỹ năng mà mình đã học được. Tiếp xúc với nhiều người với nhiều tính cách khác nhau con sẽ được vận dụng những kỹ năng về giao tiếp mà con đã học được. Con học được cách kết bạn làm quen, cách hòa nhập cùng với mọi người và khả năng làm việc nhóm, phối hợp cùng nhau để có thể hoàn thành một việc gì đó hoặc cùng nhau chơi các trò chơi tập thể.

Con cũng tự tin hơn khi đứng trước đám đông, biết cách sử dụng ngôn ngữ và cử chỉ để bày tỏ quan điểm riêng. Trẻ cũng học được một số tính cách tốt nhờ quan sát bạn bè của mình.

Có thể đăng ký cho con tham gia một số lớp học múa, hát, võ tự vệ để con có thể phát triển năng khiếu, tăng sự tự tin khi đứng trước mọi người.

Các buổi học ngoại khóa giúp con tự tin hơn. (Ảnh: Nguồn Internet)

Xem thêm: 10+ kỹ năng sống cho trẻ 10 tuổi cha mẹ nên biết

Cho con gần gũi thiên nhiên để con biết bảo vệ, yêu thương động vật

Ngày nay rất nhiều cha mẹ bận rộn không có nhiều thời gian cho con ra ngoài khám phá thế giới thực tế. Cha mẹ nên dành thời gian cùng con khám phá thiên nhiên, để trẻ có thể hòa mình vào thế giới thực. Cho con đi tham quan tại công viên, các khu bảo tồn động thực vật để con có thể quan sát chúng ngoài thực tế.

Gần gũi với các loài thực vật và các loại động vật khác nhau khiến bé sẽ có tình cảm yêu thương và gần gũi hơn. Cha mẹ cũng cần dạy cho con cách bảo vệ môi trường, yêu thương các loại động vật. Ngoài ra hãy dạy cho con cách phân loại từng loại rác thải riêng biệt để con có thể có ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Dạy bé có ý thức bảo vệ môi trường, yêu thương động vật. (Ảnh: Nguồn Internet)

Điều chỉnh cảm xúc qua những bài học thực tế

Khi dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi cha mẹ cùng đừng quên dạy cho con kỹ năng làm chủ cảm xúc của mình. Ở độ tuổi này bé chưa biết cách kiểm soát và cân bằng cảm xúc, bé hay giận dỗi, khóc lóc hoặc la hét, mất kiên nhẫn khi không thực hiện được ý định của mình,…

Cha mẹ lúc này cần kiên nhẫn chỉ dạy cho con làm thế nào để có thể điều chỉnh và cân bằng lại cảm xúc. Đầu tiên hãy dạy con cách lấy lại sự bình tĩnh, hãy chỉ cho con rằng việc con đang làm là đúng hay sai, dạy con học cách hít thở sâu và suy nghĩ trước khi đưa ra phản ứng.

Khi trẻ la hét hay khóc lớn khi không vừa ý cha mẹ hãy kéo con lại gần và dạy con cách bình tĩnh trở lại. Sau khi lấy lại cảm xúc cân bằng hãy để con nói những gì mình mong muốn và tại sao con lại làm như vậy. Hãy nhẹ nhàng chỉ cho con biết đây là hành động không nên, con nên kiềm chế cảm xúc và nói ra cho mọi người cùng hiểu.

Việc này cần sự kiên nhẫn và thời gian để con có thể thực hiện thật đúng. Hãy dành cho con những lời động viên hay khích lệ để con cảm thấy vui vẻ khi làm đúng và lần tới sẽ làm tốt hơn nữa. Đừng vội vàng cáu gắt con trước đám đông sẽ tạo cho bé cảm giác xấu hổ hay tự ti. Khuyên nhủ bé thật nhẹ nhàng chính là cách dạy trẻ tốt nhất.

Nhờ các bài học thực tế bé sẽ cảm thấy dễ tiếp thu hơn. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trên đây là các cách dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 4 tuổi đang được rất nhiều ba mẹ áp dụng thành công. Hy vọng với những chia sẻ của Monkey, cha mẹ sẽ có cách nhìn khác hơn về cách dạy kỹ năng sống cho trẻ, giúp trẻ dần trở nên hoàn thiện, ngoan ngoãn và vâng lời.

Nguồn: Tổng hợp Internet

Bài viết có hữu ích?