Dù phần trình bày không bắt mắt, món ăn màu nâu, sền sệt có tên “numa” đang giúp người dân Nhật Bản giảm cân trong lúc thỏa mãn cơn đói.
Sau khi nhiều người chia sẻ, numa, tức “đầm lầy” theo tiếng Nhật Bản, đang trở nên phổ biến trên mạng xã hội, theo SCMP.
Món cháo hầm thịt gà và rau này được sáng tạo bởi Yuki Azami, một vận động viên thể hình 35 tuổi và là đầu bếp được chứng nhận.
“Tôi muốn mọi người vừa tận hưởng chuyện ăn uống, vừa có thể giảm cân từ từ”, anh chia sẻ.
Yuki Azami, VĐV thể hình, sáng tạo ra món cháo ăn kiêng tiện lợi numa. Ảnh: @musclegrill. |
Azami, có biệt danh là Shiny Azami, thành lập kênh YouTube cá nhân hồi tháng 11/2018 để chia sẻ các bài tập thể dục và công thức nấu món numa. Kể từ khi ra mắt kênh, anh đã tích lũy được hơn 100 triệu lượt xem.
Món “cháo đầm lầy” chỉ cần 5 nguyên liệu chính là gạo, ức gà, đậu bắp, rong biển khô và nấm đông cô khô.
Quá trình thực hiện rất đơn giản. Người nấu chỉ cần cho tất cả chúng vào nồi cơm điện cùng lượng nước lớn, thêm chút muối và bột cà ri, nhấn nút khởi động và chờ đợi đến khi món chín.
Numa chứa các chất dinh dưỡng quan trọng là chất đạm, chất béo và chất bột đường. Azami, người trước đây từng làm việc trong bếp bệnh viện, nói rằng món ăn này “dành cho những người thích ăn nhiều, hoặc nấu ăn dở, hoặc khó tuân thủ chế độ ăn kiêng”.
Mặc dù được xếp hạng trong số các quốc gia có ít người béo phí nhất trên thế giới, một tỷ lệ đáng kể dân số Nhật Bản đang cố gắng giảm cân.
Một số người giảm vì sức khỏe, một số khác lo lắng về ngoại hình. Cùng lúc đó, ngành công nghiệp ăn kiêng và giảm cân nở rộ ở xứ hoa anh đào.
Món ăn có thể chế biến bằng nồi cơm điện. Ảnh: @musclegrill. |
Theo công ty nghiên cứu Fuji Keizai có trụ sở tại Tokyo, doanh số bán đồ ăn vặt và thực phẩm bổ sung giàu protein đã tăng gấp 4 lần trong vòng 10 năm kể từ năm 2011, hồi đạt khoảng 56 tỷ yen (415 triệu USD).
Các nhà bán lẻ phát hiện và theo dõi các xu hướng ăn uống mới nhất trên mạng xã hội, sau đó tận dụng chúng và tăng doanh thu.
Vào tháng 6/2021, Towa Kanbutu Corp., nhà sản xuất thực phẩm khô ở Fujieda (tỉnh Shizuoka), hợp tác với Azami và tung ra một dòng sản phẩm mới được quảng cáo là hỗn hợp numa ăn liền “chất lượng cao”. Họ bán được hơn 10.000 hộp trong 6 tháng, bao gồm cả các sản phẩm tương tự khác.
Một nam nhân viên văn phòng ở độ tuổi 20 sống tại Tokyo đã bắt đầu chế độ ăn kiêng “cháo đầm lầy” vào tháng 2. Anh mong muốn giảm số kg đã tăng sau một thời gian ngừng ăn kiêng.
“Numa rất tuyệt vời bởi nó ít calo, nhưng lại không tạo cảm giác đói. Công thức cũng được điều chỉnh theo nhiều cách khác nhau”, anh nói.
Người này cho biết không nhất thiết thay đổi hoàn toàn chế độ ăn uống, chỉ cần thay thế một bữa ăn trong ngày bằng món cháo màu nâu là đủ thấy sự khác biệt. Nhờ đó, anh giảm được 6 kg trong vòng 2 tháng.
Nhiều người dân Nhật Bản tìm đến ăn kiêng. Ảnh minh họa: Healthline. |
Một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã bày tỏ sự ủng hộ với chế độ ăn numa, nói rằng nó lành mạnh và hợp lý.
“Nó giúp bạn hạn chế những rắc rối thường gặp trong việc lập kế hoạch bữa ăn và dễ dàng đếm lượng calo nạp vào cơ thể. Những điểm cộng này làm cho món numa trở nên hấp dẫn”, Ayako Tada, chuyên gia dinh dưỡng, người giúp phát triển ứng dụng ăn kiêng Asken, cho biết.
Tuy nhiên, bà Tada chỉ ra numa không phải là một phương pháp hoàn hảo. Chuyên gia dinh dưỡng này cảnh báo rằng chỉ ăn cháo trong thời gian dài có thể gây ra sự mất cân bằng trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như thiếu sắt và canxi.
Ngoài ra, coi numa là nguồn cung cấp chất đạm duy nhất là sai lầm trong chế độ ăn kiêng.
“Tốt nhất, hãy làm numa để ăn sau khi tập luyện và kết hợp với chế độ dinh dưỡng bình thường”, bà chia sẻ.
Theo Zing