Quán cơm của gia đình chị Yến ở phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được nhiều người gọi là “cơm bụi đắt nhất Hà Nội”. Tuy nhiên, quán vẫn nườm nượp thực khách vào giờ ăn trưa hay tối nhiều năm nay.
Quán cơm vỉa hè Vinh Thu nằm ở phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là địa chỉ quen thuộc với thực khách gần 30 năm qua. Dù nhiều người gọi đây là “cơm bụi nhà giàu”, trách chủ quán tính giá đắt nhưng vẫn quay lại, thậm chí giới thiệu bạn bè từ xa tìm tới thưởng thức.
Ở đây, trung bình suất cơm cho mỗi thực khách từ 120.000 – 200.000 đồng, cao gấp 3 tới 5 lần các quán cơm bụi tại Hà Nội. Dẫu vậy, giờ trưa, khách vẫn ra vào quán nườm nượp. Từ 11h45 – 13h, nhiều ngày quán đông kín chỗ, khách phải đứng chờ xếp bàn.
Bếp của quán nằm sâu phía trong, khi tới ăn, thực khách khách đi vào trong gọi món. Từng món được đặt ra bát đĩa riêng, sau đó có nhân viên bê cơm ra tận bàn. Tùy vào món ăn có giá khác nhau như cá thu rim tiêu 150.000 đồng/khúc, cá trắm kho riềng 80.000-100.000 đồng/khúc, bê xào sả ớt 120.000 đồng/đĩa, canh riêu cua 100.000 đồng/bát…
Mỗi ngày, quán phục vụ gần 50 món khác nhau. Trong đó, các món chính không thể thiếu là cá diếc kho, cá quả kho chuối, chả xương sông, chả mực, thịt quay giòn bì, sườn xào chua ngọt, kho quẹt tôm thịt… kèm theo mắm tép, cà pháo, dưa cải muối chua.
Hiện, quản lý quán là chị Quản Kim Yến (36 tuổi). Chị Yến cho hay, mẹ chị là một người phụ nữ Hà Nội rất yêu nấu ăn. Năm 1997, tiệm cơm được bố mẹ chị mở ra với phương thức hoạt động “nhà ăn như thế nào bán cho khách thế ấy”.
Bao năm buôn bán, mẹ chị Yến vẫn tự tay đi chợ, đứng bếp. Vì kĩ tính, chỉ chọn đồ tươi ngon và bỏ hết những món ế trong ngày nên thời gian đầu, quán ăn “chỉ thấy lỗ không thấy lời”. Mãi sau này, bằng tâm huyết và sự kiên trì, quán dần được thực khách yêu thích, người này giới thiệu người kia.
Chị Yến khẳng định, nhiều năm nay, gia đình chị đều tự đi chợ đầu mối chọn mua nguyên liệu, nói không với hàng đổ buôn. Sau khi mua về, các nguyên liệu được sơ chế làm sạch. “Rau có thể phải rửa 5-6 lượt nước. Mình quan điểm sạch sẽ là yếu tố hàng đầu”, chị Yến cho hay.
“Món ăn nhà tôi là các món truyền thống trong mâm cơm gia đình. Những món này ai cũng quen thuộc, cũng có thể nấu. Nhưng để món ăn trở nên hấp dẫn, ngon miệng thì phải dành thời gian chăm chút. Chọn nguyên liệu ngon, sơ chế sạch sẽ giúp đạt tới 60-70% hương vị. Phần còn lại là cách nêm nếm gia vị, canh độ chín vừa phải”, chị Yến chia sẻ.
Một trong những món nổi danh của quán là cá diếc kho tương. Thông thường, các hàng quán Hà Nội bán cá trắm, cá chép, cá bống hay cá chạch kho. Cá diếc kho không phổ biến vì loại cá này vốn sơ chế mất thời gian, nếu không khéo léo sẽ bị tanh. Ngoài ra, cá diếc vốn nhiều xương, thịt dễ nát.
Chị Yến chia sẻ, món cá này được mẹ chị tâm huyết thực hiện, xuất phát từ mong mỏi được thưởng thức lại món cá diếc kho tương từng ăn vào thời chiến tranh của bố chị. Nguyên liệu đơn giản gồm cá diếc, thịt ba chỉ, muối và tương. Thế nhưng cá phải là cá tát ao, tương phải là tương bần đặt riêng. Để nồi cá ngon, người nấu phải thành thục từ cách xếp cá, cho muối, đổ tương, canh thời gian kho… Một nồi cá diếc được kho trong 14-15 tiếng.
Cá diếc ở đây lên màu bóng bẩy – có màu nâu của tương, óng của mỡ, chỉ nhìn đã thấy hấp dẫn, thịt săn chắc, đậm gia vị, hoàn toàn không có vị tanh. Xương cá vừa đủ mềm để không bị hóc nhưng lại không nát vụn. Món này tuy nguyên liệu không đắt nhưng giá bán ở quán vẫn hơn 300 ngàn đồng/kg.
Chị Yến thừa nhận cũng nhiều thực khách hay nói “cơm Vinh Thu đắt” nhưng sau thời gian ăn thử nơi khác, họ lại trở về quán. Khách hàng của gia đình chị Yến là những người muốn tìm hương vị “cơm nhà” đích thực, họ có gu ẩm thực riêng.
Quán có hơn 10 nhân viên bao gồm cả người đứng bếp và phục vụ. Vào giờ cao điểm, nhân viên làm việc hết công suất, không lúc nào ngơi tay.
“Tôi thường xuyên cùng đồng nghiệp tới quán ăn cơm trưa. Nếu đi 6-7 người thì trung bình mỗi người 120.000 đồng, còn nếu đi 1-2 người thì khoảng 150.000 đồng. Quán cơm này nhìn thoáng qua thì tưởng như cơm bình dân thông thường nhưng thực tế, các món nấu rất ngon, chuẩn vị cơm nhà, nóng hổi”, anh Hoàng Cường (Ba Đình, Hà Nội) cho hay.
Khu vực bàn ăn của quán nằm ngoài trời nên có phần chật chội, nóng bức. Quán cũng rất đông vào giờ cao điểm nên thực khách thường phải chờ đợi. Quán mở cửa vào giờ cơm trưa và bữa tối.