Ở đảo Campbell xa xôi, nằm cách lục địa New Zealand hơn 600 km về phía nam, có một cây vân sam Sitka đơn độc được mệnh danh là ‘loài cây cô đơn nhất trên hành tinh.
Cây vân sam sitka này giữ Kỷ lục Guinness Thế giới cho cây thân gỗ xa xôi nhất hành tinh. Đây là cây thân gỗ duy nhất tại Campbell, hòn đảo lộng gió và nhiều cây bụi, cách New Zealand 700 km về phía nam, thuộc Nam Đại Dương. Vân sam sitka cũng là cây thân gỗ duy nhất trong vòng 222 km xung quanh. “Hàng xóm” gần nhất của nó mọc trên quần đảo Auckland.
Đảo Campbell là một trong những đảo cực nam của New Zealand. Nó nằm trong khu vực bị chi phối bởi những cơn gió tây dữ dội. Nhiệt độ hiếm khi leo lên trên 10 độ C. Ngày nào cũng có mây và hầu hết các ngày đều có mưa. Chỉ có 40 ngày không có mưa trên đảo campbell và hầu như không có 600 giờ nắng mỗi năm — tức là trung bình dưới hai giờ mỗi ngày. Thực vật duy nhất tồn tại trong những điều kiện này là một loại thảo mộc lâu năm được gọi là megaherbs. Chúng được gọi như vậy vì chúng phát triển to lớn khác thường với những chiếc lá to bằng một tờ giấy in — một chiến lược mà chúng đã áp dụng để tận dụng tốt nhất bất kỳ ánh nắng ít ỏi nào mà chúng nhận được.
Vân sam Sitka không mọc ở bất cứ đâu xung quanh khu vực này. Trên thực tế, không có cây vân sam Sitka nào ở Nam bán cầu. Nơi duy nhất cây phát triển tự nhiên là một vành đai hẹp ở bờ biển phía tây của Bắc Mỹ, trải dài từ miền nam Alaska và British Columbia đến miền bắc California.
Cây vân sam trên đảo Campbell được cho là do Lord Ranfurly, người từng là toàn quyền của New Zealand từ năm 1897 đến năm 1904, trồng. Ranfurly đã trồng cây này trong chuyến thám hiểm các hòn đảo xa xôi của New Zealand để thu thập các mẫu vật về chim cho Bảo tàng Anh vào khoảng thời gian từ năm 1901 đến năm 1907. Mặc dù cây vẫn sống sót – nhờ vào đặc tính tự nhiên thích hợp với khí hậu lạnh và ẩm ướt – nhưng nó không thực sự phát triển. Sau ngần ấy năm, nó chỉ cao chưa đầy 10 mét, theo phép đo gần đây nhất được thực hiện vào năm 2011. Ở quê hương của nó, nó có thể cao ít nhất 60 mét. Cây dù đã hơn một trăm năm tuổi nhưng chưa bao giờ ra hoa, cho thấy nó vẫn ở trạng thái non vĩnh viễn.
Sự phát triển còi cọc của cây một phần là do khí hậu đại dương và một phần là do thân cây của nó thường xuyên bị chặt bởi các nhân viên của trạm khí tượng hoạt động ở đó cho đến năm 1958. Không có rừng tự nhiên ở đảo Campbell và Sitka vân sam nên đây là nguồn duy nhất của họ để làm cây thông Noel.
Với các nhà sinh vật học, cây vân sam Sitka được xem là một loài xâm lấn, làm mất đa dạng sinh học của vùng. Nhưng với tiến sĩ Jocelyn Turnbull, nhà khoa học tại GNS Science (New Zealand), cây này có thể là một công cụ có ích để lý giải những gì đang xảy ra với quá trình hấp thụ CO2 ở Nam Đại Dương.
Tiến sĩ Turnbull cho biết: “Trong số lượng CO2 mà chúng ta tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, chỉ có khoảng một nửa được giữ lại ở khí quyển, nửa còn lại đi vào đất liền và đại dương”.
Turnbull làm việc với nhóm dự án Thử thách Khoa học Quốc gia Deep South, Nền tảng Khoa học Nam Cực, Viện Nước và Khí quyển Quốc gia NewZealand để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra với carbon ở Nam Đại Dương. Họ đặt ra hai câu hỏi chính: nếu carbon chìm xuống lấp đầy đại dương thì sự ấm lên toàn cầu có tăng tốc mạnh hay không, con người có thể khiến những bể chứa này hấp thụ được nhiều carbon hơn và làm giảm sự nóng lên toàn cầu hay không?
Các nghiên cứu trước đây về sự hấp thụ carbon của Nam Đại Dương đưa ra những kết quả khác nhau. Hiện tại, sự hấp thụ được cho là đang tăng lên và Turnbull muốn tìm hiểu lý do. Lấy mẫu khí quyển là phương pháp tốt nhất để đo nồng độ CO2 và có thể bổ sung bằng các mẫu nước sâu. Nhưng phương pháp này cũng có những hạn chế, ví dụ như không thể thu thập mẫu không khí từ hàng chục năm trước.
“Chúng tôi nảy ra ý tưởng sử dụng vòng cây. Khi phát triển, thực vật sẽ lấy CO2 từ không khí thông qua quang hợp và dùng khí đó để phát triển các cấu trúc của mình. Carbon từ không khí sẽ lưu lại trong những vòng cây”, Turnbull giải thích.
Những cây thích hợp cho nghiên cứu rất hiếm ở Nam Đại Dương. Vân sam sitka trên đảo Campbell là cây xa nhất về phía nam mà mà nhóm nghiên cứu tìm được và sẽ cung cấp dữ liệu tốt. “Nó phát triển nhanh hơn nhiều so với bất cứ thứ gì khác trong vùng. Các vòng cây cũng lớn hơn, dễ chia tách và lấy dữ liệu hơn”, Turnbull cho biết.
Tổng hợp