Quán bún ốc Thúy ở ngõ chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đã có tuổi đời khoảng 70 năm. Thực khách chấp nhận gửi xe, đi bộ, len qua con ngõ đông đúc để xếp hàng thưởng thức bún ốc nơi đây bởi hương vị bún truyền thống đặc trưng.
Ngõ chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là địa điểm ăn trưa quen thuộc của nhiều người dân, tiểu thương và nhân viên văn phòng trong khu vực. Nhiều hàng quán tại đây thường xuyên trong tình trạng “quá tải” vào giờ trưa.
Bún ốc Thúy là một trong những quán đông nhất ngõ chợ. Ngay cả trong mùa hè oi bức, quán ăn 15m2 này vẫn chật cứng khách, người này đứng lên, người khác lập tức thế chỗ. Khách chen chúc đợi từ ngoài cửa, lách qua các dãy bàn để chi chuyển. Chủ quán vừa thoăn thoắt phục vụ, vừa không ngừng nhờ thực khách bình tĩnh xếp hàng.
Chị Thanh Huyền, chủ quán cho biết, quán đã tồn tại hơn 70 năm. Chị là đời thứ ba trong gia đình giữ nghề. Ban đầu đây là một gánh hàng nhỏ, bà nội của chồng chị Huyền bán cho người dân trong khu vực. Sau này, khi chợ Đồng Xuân phát triển giao thương, gia đình mở thành quán ăn trong nhà, phục vụ tiểu thương, người dân và du khách.
Hà Nội bây giờ có rất nhiều quán bún ốc, mọc lên ở khắp các con phố khác nhau. Nhiều quán rộng rãi, khang trang, điều hòa mát lạnh, vị trí thuận lợi. Thế nhưng, thực khách vẫn chấp nhận gửi xe, đi bộ, len qua con ngõ đông đúc để xếp hàng chờ thưởng thức bún ốc của quán chị Huyền, bởi, nơi đây giữ hương vị bún truyền thống. Họ say mê bát bún mộc mạc, đơn giản của quán, thay vì những bát bún ốc “full topping” nào thịt bò, chả viên, trứng lộn, giò…
Xuyên suốt 7 thập kỷ tồn tại, tới nay, quán vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống, không thay đổi, không cải biến. Quán phục vụ hai món: bún ốc truyền thống và bún ốc chuối đậu. Bát bún không thêm giò, thịt bò, chả như nhiều nơi.
Chiếc bàn inox nằm ngay cửa quán là nơi chị Huyền đặt các nguyên liệu của bát bún ốc. Trên bàn chỉ có ốc, đậu, chuối, bún, giấm, hành lá, rau sống, mắm tôm. Bên cạnh là nồi nước dùng thơm thoang thoảng.
Theo chị Huyền, việc chọn ốc rất quan trọng. Dù ốc to hay ốc nhỏ đều phải ở độ “cô gái tuổi 18 đôi mươi”, tức là không già, không non. Nếu ốc già sẽ dai còn nếu ốc non sẽ tanh, không ngọt thịt.
Tại quán cũng không phục vụ chanh, quất mà sử dụng me hoặc sấu ủ theo từng mùa. Chủ quán cho hay, vị chua từ chanh, quất có thể lấn át mùi bỗng đặc trưng trong bát bún.
Mỗi bát bún có giá dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/bát tùy loại ốc, thêm chuối hoặc đậu.
Quán mở cửa từ 7h30 đến 17h30, trong đó từ 11 – 13 giờ là thời gian cao điểm nhất. Lúc này, 6 nhân viên của quán làm việc luôn chân tay mới kịp nhận đơn, bưng bê, dọn dẹp.
Bà Trần Thị Thảo, tiểu thương tại chợ Đồng Xuân là khách quen của quán đã 30 năm. Bà Thảo kể, ngày trước còn khó khăn, lúc nào buôn bán đắt hàng lắm bà mới dám “thưởng” cho mình tô bún ốc. Bát bún nhiều ốc, thơm mùi nước dùng, thanh thanh, chua nhẹ khiến bà say mê. Sau này, điều kiện tốt hơn, đi nhiều nơi thưởng thức nhưng bà Thảo chưa tìm được quán nào ngon như quán bún ốc Thúy. “Tuần nào tôi cũng qua ăn 1,2 lần. Bún ốc là phải vậy, nhiều ốc, nước dùng ngon, kết hợp hài hòa thêm đậu, rau sống, chuối chứ không thể thay thế bằng giò, chả, thịt bò”, bà Thảo nói.
Quán nằm trong ngõ chợ Đồng Xuân nên thực khách phải gửi xe từ đầu ngõ hoặc cuối ngõ, đi bộ thêm khoảng 100m. Giờ cao điểm trưa, khách thường xuyên phải xếp hàng chờ tới lượt, không gian khá chật chội, ngột ngạt.
Tuy nhiên, nếu thực khách muốn thưởng thức hương vị bún ốc truyền thống của người Hà Nội thì đây là một địa chỉ được đánh giá cao.