Bánh ướt được tráng “siêu mỏng” rồi cho vào từng đĩa, rắc thêm mỡ hẹ, bột tôm khô. Loại bánh này được nhiều du khách yêu thích khi tới Đà Lạt.
Vài năm trở lại đây, bên cạnh bánh ướt lòng gà nổi tiếng, bánh ướt chồng là món ăn thu hút rất đông du khách khi tới Đà Lạt (Lâm Đồng). Nhiều người tìm tới để khám phá về cái tên “lạ tai” và hương vị của chúng
Hiện nay, bánh ướt chồng xuất hiện phổ biến ở khá nhiều tỉnh, thành phố như Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn, Đà Lạt, Vũng Tàu. Nhiều người cho rằng món ăn này thực chất xuất phát từ bánh ướt nem nướng Nha Trang, sau này được người Buôn Ma Thuột biến tấu thành kiểu ăn cầu kỳ và hấp dẫn hơn
Phần bánh ướt được tráng ngay tại tiệm, khách gọi tới đâu tráng tới đó. Chiếc bánh “siêu mỏng”, tròn trịa được chủ quán khéo léo đặt lên chiếc đĩa rồi rắc thêm chút mỡ hẹ, bột tôm khô. Theo chị Thủy Tiên, chủ quán bánh ướt chồng nổi tiếng tại hẻm 327 Hai Bà Trưng (Phường 6, TP Đà Lạt) quán dùng mỡ hẹ vì có mùi thơm hơn so với hành, phù hợp khẩu vị người Đà Lạt
“Tôi bán món bánh ướt chồng đã hơn 5 năm. Thực chất, tôi học món này từ Nha Trang, sau đó biến tấu sao cho phù hợp với khẩu vị thực khách tại Đà Lạt. Trước đây gia đình tôi bán bánh cuốn nhiều năm nên khâu chọn gạo, làm bánh ướt sao cho mỏng, mềm, không bị rách, nát không quá khó”, chị Tiên chia sẻ
Nhiều thực khách khi tới quán thường tò mò vì thấy chồng đĩa được sấy lò sưởi trước khi sử dụng. Theo chị Tiên “tiết lộ”, nhiệt độ Đà Lạt vào sáng sớm và chiều tối thường thấp khiến bát, đĩa sứ lạnh ngắt. Phần bánh ướt rất mỏng nên khi đặt lên đĩa sẽ nhanh nguội rồi lạnh tanh, không hấp dẫn. Đó là lí do, quán chị cho đĩa “nằm” lò sưởi trước khi mang ra đựng bánh
Ăn kèm bánh ướt chồng là các loại nhân như nem nướng, thịt nướng, nem chua, chả lụa kèm giá đỗ, xoài ương và lá húng quế. Phần nem nướng và thịt nướng, chị Tiên tự làm hàng ngày còn nem chua được đặt từ Ninh Hòa (Nha Trang, Khánh Hòa)
Thực khách tự chọn đồ ăn kèm yêu thích rồi dùng bánh ướt cuốn gọn lại. Khi ăn, món bánh có đủ rau – thịt hài hòa nên không ngán, chấm với nước chấm để thêm tròn vị
Nước chấm tại quán có 4 loại khác nhau để phục vụ sở thích, khẩu vị thực khách như mắm nêm, xí muội, tương đậu và mắm pha chua ngọt. “Thực khách tới quán gồm nhiều du khách từ các vùng, miền nên tôi chuẩn bị 4 hương vị nước chấm. Mọi người có thể thử rồi chọn loại yêu thích hoặc chọn nước chấm tùy theo loại nhân ăn kèm”, chị Tiên cho biết
Ở đây, mỗi đĩa bánh có giá 2.000 đồng, thực khách ăn bao nhiêu, tính tiền bấy nhiêu. Mỗi phần nhân ăn kèm là 19.000 đồng/đĩa, rau 12.000 đồng/đĩa. Quán mở từ 8h đến 21h
Bánh ướt chồng là món thanh mát, dễ ăn và mỗi đĩa chỉ có một lớp bánh mỏng nên mỗi người có thể ăn 15-20 đĩa. Thực khách thưởng thức rồi từ từ xếp đĩa thành những chồng cao “quá đầu người”. Đây cũng là lí do mà món ăn này có cái tên là “bánh ướt chồng (đĩa)”
Chủ quán cho biết, trong 5 năm mở bán bánh ướt chồng, từng có hai vị khách “lập kỷ lục” tại quán. Một nữ thực khách ăn tới 50 đĩa bánh ướt và một nam thực khách hoàn thành 70 đĩa