TRUNG QUỐC – Mặc dù sở hữu cái tên “nghe là sợ” nhưng món bánh mì này lại có cách thưởng thức và hương vị độc đáo khác biệt, được thực khách truyền tai nhau nhất định phải thử khi ghé chợ đêm ở Đài Loan (Trung Quốc).
Bánh mì “quan tài” xuất hiện ở Đài Loan (Trung Quốc) từ khoảng những năm 1940, được sáng tạo bởi một đầu bếp kiêm chủ quán ăn tên là Hsu Liu-Yi và nhanh chóng trở thành một trong những món ăn đường phố được nhiều người yêu thích.
Ban đầu, món ăn có tên là “Shakaliba” (theo phiên âm tiếng Nhật là trung tâm vui chơi giải trí) với hai thành phần nguyên liệu chính là súp gan gà và bánh mì giòn.
Tuy nhiên, vì hình dáng của món ăn khá giống chiếc quan tài nên lâu dần, thực khách quen miệng gọi theo như vậy và đặt tên là món “Gua Cai Ban” (tiếng Đài Loan có nghĩa là quan tài).
Cũng chính bởi cái tên truyền miệng kỳ dị, gây tò mò đó mà món bánh mì này càng trở nên nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của những tín đồ ẩm thực trên khắp thế giới.
Theo đó, để tạo nên món ăn độc đáo này, người đầu bếp sẽ sử dụng một lát bánh mì dày từ 3-5cm, khoét rỗng ruột rồi nướng hoặc chiên giòn, làm thành một khối hình hộp với kích cỡ bằng lòng bàn tay.
Bên trong lớp vỏ bánh mì có hình dáng giống như chiếc quan tài, người ta sẽ lấp đầy phần nhân bằng một món hầm làm từ thịt gà, hải sản, lòng bò hoặc các loại nấm cùng một số nguyên liệu khác và nước sốt kem.
Cuối cùng, đầu bếp sẽ dùng một lát bánh mì khác phủ lên trên như chiếc nắp đậy.
Tuy nhiên, sau này, vì nhu cầu của thực khách ngày càng đa dạng, khẩu vị mỗi người lại khác nhau nên phần nhân bên trong bánh mì “quan tài” cũng được biến đổi theo nhiều công thức mới, chẳng hạn như nhân ngọt làm từ các loại trái cây như chuối, đào, xoài, dâu…
Món bánh mì “quan tài” khiến thực khách nghe tên là sợ nhưng ăn rồi sẽ cảm nhận được phần vỏ giòn rụm, kết hợp lớp nhân kem béo ngậy, hòa quyện với các nguyên liệu khác trong nước sốt thơm phức, đậm đà (Ảnh: Lataco, bentonions).
Không chỉ gây ấn tượng bởi hình dạng bên ngoài mà điểm đặc biệt của món ăn này còn nằm ở nguyên liệu chế biến. Theo đó, thay vì sử dụng bánh mì mới ra lò, đầu bếp sẽ dùng loại bánh mì cũ để khi chế biến, phần vỏ có độ khô, giòn và ăn ngon hơn.
Ngược lại, bánh mì mới thường có độ ẩm cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị sau khi chiên.
Nếu có dịp du lịch Đài Loan, du khách có thể tìm và thưởng thức bánh mì “quan tài” ở nhiều nơi, từ nhà hàng sang trọng cho tới các quán ăn bình dân. Tuy nhiên, những thực khách sành ăn nhận xét, đến các khu chợ đêm và thử món bánh này sẽ mang đến trải nghiệm thú vị hơn.
Phan Đậu