Chiếc bánh bao nhà bà Oanh “rất lạ”, không hình tròn mà lại hình vuông, kích cỡ to, vỏ có phần xù xì. Ấy vậy mà sáng nào, quán nhỏ trên đường Quán Thánh cũng tấp nập thực khách xếp hàng chờ mua.
Bên cạnh phở bò, bánh mì và xôi, bánh bao là món ăn sáng phổ biến tại Hà Nội. Rất dễ để gặp những gánh hàng rong, những quầy bánh bao nho nhỏ, nằm ở vỉa hè khắp thành phố. Nhưng chắc chắn, không dễ để thực khách tìm ra nơi có hương vị bánh bao truyền thống, giữ cách làm thủ công
Quán bánh bao không tên, nằm ở ngay đoạn phố giao Quán Thánh với Đặng Dung là một trong những địa chỉ mà thực khách sành ăn yêu thích. Quán khá đơn giản, biển hiệu “lấp ló” – ai để ý kĩ lắm mới nhận ra, nơi bán hàng là một chiếc bàn inox, xung quanh là vài nồi sữa đậu nành, 4-5 bộ bàn ghế nhựa. “Điểm nhận dạng” của quán là hình ảnh khách nườm nượp, xe máy xếp hàng chờ mua vào khung giờ sáng, nhất là 6h30-8h30
Thực khách xuýt xoa cầm trên tay những túi bánh bao nóng hôi hổi, người hít hà rồi thưởng thức ngay cho nóng, người vội vã gói ghém mang theo đến nơi làm việc
Thực đơn của quán gồm bánh bao chay, bánh bao nhân và sữa đậu nành. “33 năm nay, gia đình tôi đều chỉ bán hai loại bánh bao đó, cộng thêm sữa đậu nành tự làm”, bà Trần Thị Kim Oanh (chủ quán) chia sẻ
Để phân biệt với những quán bánh bao khác, thực khách hay gọi quán bánh nhà bà Oanh là bánh bao Quán Thánh hoặc bánh bao vuông Quán Thánh. Chiếc bánh bao nhà bà Oanh “rất lạ”, không hình tròn mà lại hình vuông, kích cỡ to, vỏ có phần xù xì
Bà Oanh thật lòng chia sẻ, do bánh nặn thủ công bằng tay, làm số lượng lớn nên hình dáng không được bắt mắt lắm, “cái vuông, cái méo”. Gia đình chú trọng chất lượng hơn hình dáng chiếc bánh. Nhưng vô tình, chính hình dáng đó lại tạo nên sự độc đáo, khác biệt
Bánh bao chay là loại bánh không nhân. Vừa nhận đĩa bánh, thực khách đã ngửi thấy mùi bột mì thơm dễ chịu. Nhìn phần vỏ xôm xốp, dai dai, khi thưởng thức thì bánh mềm, mượt, không hề bị nghẹn nơi cổ họng. Mỗi chiếc bánh giá 9.000 đồng
Bánh báo nhân thì ngoài phần vỏ mềm mượt, xôm xốp là lớp nhân được làm từ thịt, miến, mộc nhĩ, nấm hương cùng các loại gia vị đơn giản. Phần nhân thơm mùi thịt, tiêu, độ ẩm vừa phải. Mỗi chiếc có giá 20.000 đồng, khá cao so với các loại bánh báo thông thường. “Bánh ở đây ngon lắm, ăn một chiếc là no cả buổi sáng. Giá có cao hơn những quầy bánh bao công nghiệp vỉa hè, nhưng hương vị hoàn toàn khác biệt”, một vị khách chia sẻ
Nhân bánh bao ở đây từ xưa tới nay đều không có trứng cút. “Trứng cút có mùi đặc trưng, dễ át đi hương vị bánh và cũng khiến bánh dễ bị ẩm”, bà Oanh vừa thoăn thoắt gói bánh bao cho khách vừa nói
Công thức làm bánh bao được bố mẹ bà Oanh truyền lại. Đến nay, vợ chồng bà vẫn cố gắng giữ nguyên công thức đó, làm ra những chiếc bánh hương vị truyền thống, gắn với kí ức tuổi thơ của nhiều người
Từ 4h sáng, vợ chồng bà và nhân viên (khoảng 10 người) bắt đầu làm bánh. Bánh làm tới đâu mang hấp tới đó. Sau hơn một giờ, mẻ bánh đầu tiên ra lò để phục vụ thực khách. “Chiếc bánh bao ngon cần trải qua nhiều công đoạn, nhất là ủ bột, nặn bánh. Gia đình tôi làm thủ công nên càng tốn nhiều thời gian. Thế nhưng có vậy mới đảm bảo hương vị”, bà Oanh cho hay
Bên cạnh bánh bao, quán bà Oanh còn có sữa đậu nành tự làm. Bà cho biết, sữa đậu nành được làm từ loại đỗ ngon, tươi. Đỗ luôn để mộc để thực khách cảm nhận được hương vị tự nhiên, hoàn toàn không có chất bảo quản hay hương liệu. Sữa đậu tại đây được bán với giá 10.000 đồng/cốc hoặc 30.000 đồng/lít
Quán mở bán từ 5h sáng tới 12h trưa. Quán đông nhưng do bánh bao được hấp liên tục nên thời gian chờ đợi không quá lâu.
Ảnh: Quang Minh