Cheesecake.jpeg Nguồn ảnh: Pinterest

Những chiếc bánh bé bé xinh xinh, lại có hương vị ngọt ngào thì ai mà không mê nhỉ? Đôi lúc tâm trí ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, áp lực, vậy thì hãy thử ăn một miếng bánh ngọt nhỏ nhé, đó sẽ là lựa chọn phù hợp để giải toả cảm xúc và hỗ trợ giảm stress hiệu quả đấy. Hãy cùng theo chân mình để tìm hiểu xem những món bánh thuộc top bánh ngọt ngon nhất thế giới có gì mà làm bạn mê mẩn nhé!

1. Cheesecake

Cheesecake là loại bánh có từ rất lâu đời, xuất phát từ ” xứ sở thần thoại ” – Hy Lạp. Từ khoảng 2000 năm TCN trên đảo Samos, chiếc bánh cheesecake đầu tiên đã được làm ra bởi một nhà vật lý người Hy Lạp cổ Aegimus. Cheesecake gây thương nhớ với nhiều người bởi phần nhân chính có vị chua nhẹ ( creamcheese ) , thơm ngậy của phô mai, và lớp đế được làm từ bánh vụn. Nhưng chiếc cheesecake được làm từ công thức này lại khác so với cái đầu tiên.

Loại bánh cheesecake này được xem là một món phổ biến ở Hy Lạp, ngay cả trước khi đế quốc La Mã chinh phục và tiếp quản. Có một lịch sử lâu đời kéo dài trong vài thiên niên kỉ, nhiều cho đến bây giờ cheesecake đã được biến tấu theo nhiều cách khác nhau để phù hợp với từng vùng đất mà nó đặt chân tới. Chính vì thế, chiếc bánh mềm mịn, ngậy béo đã trở thành một món tráng miệng vô cùng nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Hãy tìm hiểu chiếc cheesecake đã để lại dấu chân ở đâu trong cuộc du ngoạn trong hàng ngàn năm nhé.

Bắc Mỹ

Cheesecake được làm từ cream cheese, lòng đỏ trứng để tạo được độ đặc, mượt và thường được nướng lên trước khi thưởng thức, cũng được chia thành nhiều kiểu:

  • New York:Được làm từ heavy cream ( kem đặc ) và sour cream ( kem chua ), để tạo sự mượt, ngậy và đặc từ kem cho chiếc bánh, dùng sour cream để bánh khi ăn vào sẽ cảm nhận được kết cấu dẻo dai và được dùng chung với một ít loại trái cây mọng nước.Chicago: Cheesecake ở Chicago sẽ được dùng nhiều creamcheese hơn, tạo nên một lớp nhân mềm xốp, với sự béo ngậy khiến bạn không thể cưỡng lại.

Nam Mỹ

  • Brazil:Đặc trưng của cheesecake ở đây là sẽ có một lớp mứt ổi bên trên

Châu Âu

  • Anh:Cheesecake ở quốc gia này sẽ được làm lạnh thay vì nướng. Vì thế, phần nhân của cheesecake sẽ là hỗn hợp của creamcheese, đường và kem tươi đánh đều lên và trộn cùng với gelatin để làm đông bánh. Đế bánh sẽ là lớp bánh quy nghiền vụn cùng với bơ lạt đun chảy và ép chặt và bên trên lớp nhân chính sẽ là lớp mứt từ các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất, chanh leo,….
  • Ý: Thay vì dùng creamcheese, loại phô mai được dùng làm chiếc bánh này là Ricotta hoặc là Mascarpone.

    Cheesecake.jpeg Nguồn ảnh: Pinterest
    Cheesecake xuất phát từ ” xứ sở thần thoại ” – Hy Lạp. Nguồn ảnh: Pinterest

  • Đức: Ở Đức, nhân của cheesecake này dùng Quark, thêm kem tươi và không nướng.

Châu Á

Cheesecake có nhiều vị hơn được làm từ xoài, chanh leo, matcha, đào… ít ngọt hơn, và sẽ không nướng.

2. Tiramisu

Tiramisu là loại bánh ngọt nổi tiếng của ” đất nước hình chiếc ủng ” – Ý. Tiramisu là sự kết hợp hài hoà giữa sự thơm nồng của rượu Marsala, lớp bánh sampa ẩm mướt vừa đủ, vị béo ngậy trong lớp kem, phô mai và chút đăng đắng từ cà phê và cacao, tất cả đã tạo nên một Tiramisu trứ danh, khiến nhiều người phải say đắm.

Chiếc bánh trứ danh còn là biểu tượng của tình yêu, bởi nó gắn liền với một câu chuyện tình thời chiến mà người ta hay kể nhau nghe và cho rằng Tiramisu bắt nguồn từ đó. Khi thế chiến thứ nhất xảy ra, một người phụ nữ Ý đã làm một chiếc Tiramisu để dành tặng cho chàng trai mình thương đang chuẩn bị lên đường ra chiến trận. Với cái tên Tiramisu – hãy mang em đi hay hãy nhớ đến em mang hàm ý cho câu chuyện tình yêu đẹp, là sự chờ đợi của cô gái ở quê nhà. Và vì thế, Tiramisu là lời thổ lộ ngọt ngào nhất mà người ta dành cho nhau.

Tiramisu truyền thống được làm xen kẽ nhiều lớp với một lớp bánh, một lớp kem. Phần bánh sẽ sử dụng Savoiardy ( Lady finger hay Sampa ) được nhúng qua cà phê Espresso sao cho đủ ẩm, phần kem hỗn hợp đánh bông gồm trứng, đường và mascarpone, bên trên sẽ là lớp bột cacao mỏng.

Hiện nay, Tiramisu được thay đổi với nhiều công thức khác nhau, Tiramisu truyền thống sẽ không dùng rượu nhưng ở một số công thức thì hỗn hợp nhúng bánh sẽ có thêm rượu Marsala, Amaretto, rượu mùi cà phê Kahlua hay phổ biến nhất là Rhum để đậm vị hơn. Hay để Tiramisu trở nên bông xốp thì người ta sẽ đánh bông thêm trứng hoặc sử dụng whipping cream đánh lên trộn cùng mascarpone. Tiramisu cũng có nhiều vị khác nhau làm từ chocolate, matcha, dâu tây,…tạo nên sự phong phú và đa dạng của chiếc bánh tình yêu đến từ nước Ý thơ mộng trong giới bánh ngọt.

Tiramisu Nguồn ảnh: Pinterest
Tiramisu – hãy mang em đi hay hãy nhớ đến em. Nguồn ảnh: Pinterest

3. Apple Pie

Câu nói ” Người Mỹ như bánh táo ” đã tồn tại lâu đời cho đến tận bây giờ. Sở dĩ nói như vậy, vì Apple Pie đã góp phần tạo nên một nét đặc trưng cho văn hoá của xứ cờ hoa.

Trước khi những người hành hương đi thuyền buồm cho thế giới mới. Nền văn hóa châu Âu và châu Á đã kết hợp táo vào món ăn của họ hàng ngàn năm trước đó. Vào cuối thế kỷ 14, bánh ngọt và mặn đã trở thành một phần quan trọng trong nền văn hóa ẩm thực ở Anh. Đến thế kỷ 15, những người thợ bánh Hà Lan đã biến chiếc bánh táo bánh mỏng thành bánh ngọt đan chéo nhau như cái lưới. Mãi cho tới thế kỷ 17,18 chiếc bánh táo này mới du nhập vào Mỹ và nhanh chóng trở nên phổ biến, trở thành một món bánh tráng miệng được yêu thích, được ăn trong các dịp lễ.

Vậy Apple Pie được làm ra như thế nào mà được ưa chuộng vậy nhỉ? Bánh táo được làm với 4 nguyên liệu cơ bản là bột, đường, bơ và táo cắt lát, ở một số nơi người ta sẽ dùng chung với kem hoặc cheddar nhưng một chiếc Apple Pie ngon để có thể níu giữ người khác thì vỏ phải giòn, xốp, đủ ẩm, không quá khô, phần nhân táo trung hoà vị chua ngọt, vẫn phải giữ được độ giòn, có phần nước sốt sệt vừa đủ. Một chiếc bánh cắn vào với lớp vỏ ngàn lớp giòn tàn, nhân táo chua ngọt, được nướng lên thơm ngất, ai mà không mê được chứ, cũng chẳng quá lạ khi Apple Pie lại có thể lưu lại dấu ấn trong văn hoá ẩm thực Mỹ.

Apple pie Nguồn ảnh: Pinterest
Apple Pie đã góp phần tạo nên một nét đặc trưng cho văn hoá của xứ cờ hoa. Nguồn ảnh: Pinterest

4. Red Velvet

Bánh Velvet được cho là bắt nguồn từ thời Victoria ở Anh, họ phục vụ bánh velvet như một món tráng miệng lạ mắt. Velvet có nghĩa là ” nhung ” để miêu tả sự mềm mịn của chiếc bánh này. Trong Thế chiến II, các thợ làm bánh đã sử dụng nước ép củ dền đun sôi để tăng độ đậm màu sắc cho bánh của họ, và hiện nay trong nhiều công thức cũng sử dụng nước củ dền để làm chất độn hay giữ độ ẩm.

Red Velvet với cốt ” nhung ” từ bơ đánh thật bông với đường, sữa bơ, baking soda và dấm, phần kem dùng trong Red Velvet là cream cheese, đường, bơ đánh lên đôi khi được biến tấu với kem whipping hoặc sữa.

Chiếc bánh nhung đỏ gây ấn tượng mạnh bởi vẻ ngoài đầy kiêu sa và hương vị quá đỗi tuyệt vời. Được xen kẽ bởi cốt bánh màu đỏ rực rỡ cùng lớp kem trắng muốt, khi ăn vào ta sẽ cảm nhận được sự mềm mịn, ẩm của phần cốt kèm theo vị chua ngậy từ kem khiến ta cứ muốn ăn mãi. Red Velvet với sắc đỏ nồng nàn cùng sắc trắng tinh khôi kết hợp, nâng đỡ làm nổi bật màu sắc của nhau để tạo nên một chiếc bánh nhung đỏ bắt mắt, không thể lướt qua. Do vậy, Red Velvet cũng đã trở thành loại bánh tượng trưng cho tình yêu lãng mạn nhưng cũng trong sáng.

Red Velvet Nguồn ảnh: Pinterest
Red Velvet với sắc đỏ nồng nàn cùng sắc trắng tinh khôi kết hợp. Nguồn ảnh: Pinterest

5. Black Forest

Black Forest là một loại bánh tráng miệng đến từ ” Đất nước của những toà lâu đài ” – Đức với tên gọi Schwarzwälder Kirschtorte hay là bánh Rừng Đen mà chúng ta thường nghe. Chiếc bánh là sự kết hợp hoàn hảo của cốt bánh làm từ chocolate với nhân là quả anh đào.

Từ những năm 1500, Chocolate xuất hiện và phổ biến ở Châu Âu. Khi đó các đầu bếp vùng núi nằm ở Baden-Württemberg nước Đức đã làm ra chiếc bánh dựa theo những văn hóa và phong cảnh nơi họ sinh sống. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, Black Forest được mô phỏng lại trang phục truyền thống của các cô gái sống ở vùng nông thôn gần khu vực này. Những chiếc váy sẫm màu nâu hay đen, mặc cùng áo sơ mi trắng có tay áo phồng đi kèm mũ bollenhut có những cục bông đỏ nhỏ.

Sự ngọt ngào đến từ Đức có nhiều lớp bánh cốt chocolate, phủ kem, rượu từ trái cherry Kirschwasser – đó cũng chính là hương vị đặc trưng của Rừng đen. Bên trên chiếc bánh được trang trí bằng những quả cherry tươi và đỏ mọng, xung quanh sẽ được bao quỷ bởi một lớp chocolate bào mỏng. Black Forest là sự hài hoà, xen kẽ giữa màu đen, nâu và trắng bởi nó tượng trưng cho khu rừng đen ở Đức với sự huyền bí của không gian, bạt ngàn của hàng ngàn lớp cây, những con suối xanh mát, trong vắt. Khi đến mùa đông, khu rừng này sẽ được bao phủ bởi màu trắng tinh khiết của tuyết.

Black Forest Nguồn ảnh: Pinterest
Black Forest tượng trưng cho khu rừng đen ở Đức. Nguồn ảnh: Pinterest

6. Macaron

Nhắc đến Pháp, người ta không chỉ nhớ đến nơi đây có kinh đô thời trang hay những toà kiến trúc cổ điển mà hơn hết điều sẽ khiến mọi người đặt chân đến nhớ mãi đó chính là hương vị ngọt ngào tràn ngập trong môi miệng từ ” Nữ hoàng bánh ngọt ” Macaron – chiếc bánh tròn nhỏ, đế bằng, có nhân ở giữa và nhiều màu sắc bắt mắt.

Bánh macaron đã xuất hiện trong các tu viện tại Venice từ thế kỷ thứ 8 SCN trong thời Phục hưng. Đầu bếp bánh ngọt của Nữ hoàng Pháp Catherine de’ Medici làm món này cho Nữ hoàng khi bà sang kết hôn với vua Henry II của Pháp. Vì thế, là một loại bánh ngọt nổi tiếng ở Pháp nhưng cái tên macaron vẫn mang âm hưởng của Ý, có nguồn gốc từ ” maccherone ” (nghiền nát)

Macaron được làm từ lòng trắng trứng, đường bột, đường hạt, bột hạnh nhân với nhân sẽ là mứt, ganache hoặc kem kẹp giữa hai mặt bánh. Một hương vị ngọt ngào và tan trong miệng nên thích hợp phục vụ cho những buổi trà chiều.

  • Phương pháp Pháp: Lòng trắng trứng được đánh cho đến khi tạo thành bánh trứng đường cứng và từ từ rây bột hạnh nhân vào để hỗn hợp bánh đạt đến độ mong muốn.
  • Phương pháp Ý: Đánh lòng trắng trứng với siro đường nóng để tạo thành hỗn hợp meringue. Bột hạnh nhân sẽ được rây với đường, trộn cùng lòng trắng trứng. Sau đó fold hai hỗn hợp meringue và hạnh nhân nhẹ nhàng để cho ra hỗn hợp macaron.

Tuy vậy, cô tiểu thư kiêu kỳ này thật sự hoàn hảo, đạt được chất lượng, độ ngon thì người thợ làm cần phải có kỹ năng và sự tỉ mỉ. Cũng chính vì như vậy, Macaron đã có thể chiếm giữ trái tim của rất nhiều.

Macaron Nguồn ảnh: Pinterest
Macaron có nguồn gốc từ ” maccherone “. Nguồn ảnh: Pinterest

7. Mochi

Mochi mềm dẻo mát lạnh này chính là tinh hoa ẩm thực của xứ sở hoa anh đào đó nha. Nguồn gốc của Mochi chưa được xác định rõ ràng nhưng đa số nhà nghiên cứu khẳng định Nhật Bản là cái nôi của chiếc bánh này, xuất hiện vào thế kỉ thứ 18 thời Edo, đã luôn có mặt trong các dịp lễ Tết quan trọng ở đất nước này.

Mochi được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp và đường, người ta sẽ trộn hỗn hợp gạo, đường và nước, sau đó đem đi hấp chín và giã nhuyễn để tạo thành lớp vỏ dẻo dai, mềm mịn. Phần nhân thường là đậu đỏ được sên bùi béo, hoặc là kem lạnh, dâu tây,…tuỳ từng vùng và người làm. Cũng có thể không nhân, người chỉ cần nặn thành những viên tròn nhỏ là có thể ăn ngay.

Ngày xưa, Mochi không phải là hình tròn như ta thấy bây giờ mà chỉ đơn giản là những khối gạo hình vuông cứng và được gọi với cái tên Kaku Mochi – tượng trưng cho tình làng nghĩa xóm gắn bó. Thời kỳ đó, người dân Nhật sống tập trung thành khu nhà dài và khá chật hẹp nên những người phụ nữ thường tụ tập ” góp gạo thổi cơm chung ” . Họ đã cùng nhau làm nên những khối bánh lớn và cắt nhỏ chia ra cho mỗi nhà.

Chiếc bánh khiến ai cũng siêu lòng là một nét tinh tế, đặc trưng của người dân xứ phù tang. Mochi với hình tròn đầy đặn tượng trưng cho sự thịnh vượng, sung túc và đoàn viên. Vì vậy, Mochi luôn luôn có mặt trong các dịp lễ hội truyền thống của Nhật như Obon, Hanami,… hay có cả trong lễ Tết, lễ Giáng Sinh,… để cầu mong một năm ngập tràn hạnh phúc, mọi điều suôn sẻ. Ở Nhật, ngày 10/10 là ngày hội thể thao toàn quốc và cũng được xem như ngày của bánh Mochi. Điều đó cũng có thể thấy rằng chiếc bánh nhỏ nhắn xinh xắn mang một ý nghĩa to lớn và quan trọng trong văn hoá ẩm thực của đất nước mặt trời mọc này.

Hiện nay, Mochi được biến tấu đa dạng về hương vị với nhiều kiểu cách khác nhau như: Daifuku, Mochi Ice Cream, Kusamochi, Sakuranmochi,….

Mochi Nguồn ảnh: Pinterest
Bánh Mochi đến từ xứ sở Hoa Anh Đào. Nguồn ảnh: Pinterest

8. Donut

Donut là một loại bánh ngọt rất được ưa chuộng hiện nay, đặc biệt là các bé nhỏ bởi bề ngoài sặc sỡ và hương vị thì ngon xuất sắc.

Để kể về nguồn gốc ra đời của chiếc bánh chiên ngọt ngào, người ta kể rằng vào năm 1847, thuyền trưởng Hanson Gregory đang lái tàu bằng một tay và tay còn lại đang cầm chiếc bánh gặp một cơn bão khủng khiếp. Vì vậy, ông đã xiên chiếc bánh vào thanh gỗ để dễ dàng điều khiển con thuyền và may mắn là đã thoát nguy. Có lẽ, chiếc bánh Donut với hình dạng độc đáo đã ra đời như vậy.

Donut là một loại bánh vòng được làm từ bột mì, sữa, men, bơ, đường và muối, được nhồi lại với nhau. Sau đó, người ta sẽ tạo hình chiếc bánh thành những vòng tròn và đem chiên. Những chiếc Donut bên ngoài giòn bên trong mềm, thơm nức mũi khiến ai cũng xao xuyến. Donut sẽ được phủ thêm một lớp sốt chocolate kèm các hạt cốm, hạt phỉ lên trên. Bây giờ, Donut đã được những người thợ khéo tay trang trí thành những loại quả, con vật rất dễ thương

Bánh Donut Nguồn ảnh: Pinterest
Bánh Donut với nguồn gốc hết sức độc đáo. Nguồn ảnh: Pinterest

9. Egg tart

Tart trứng là món bánh quá đỗi quen thuộc ở các tiệm bánh Việt Nam. Đế bánh ngàn lớp giòn rụm, thơm mùi bơ kết hợp cùng phần kem trứng nướng vàng béo ngậy, mềm tan, cắn vào thôi là hương vị của hạnh phúc đã trào dâng trong miệng.

Egg tart là biểu tượng của Lisbon với cái tên Pastéisde nata đến món bánh không thể thiếu trong nền ẩm thực của ” Las Vegas Châu Á ” hay xứ Cảng Thơm, điều đó đã cho thấy chiếc bánh tart này vô cùng nổi tiếng và được ưa chuộng.

Chiếc bánh Tart được làm chuẩn theo kiểu Bồ Đào Nha có công thức có từ năm 1837 ở Tu viện Jeronimos. Tart trứng có 2 phần: phần vỏ được làm từ bơ, bột mì tạo thành vỏ ngàn lớp, phần nhân được đánh lên từ lỏng đỏ trứng, sữa, kem sữa, vani. Sau đó, người ta sẽ đem hỗn hợp nhân đổ vào đế bánh và đem đi nướng cho vàng giòn, phần kem bên trên sẽ xém lại. Khi thưởng thức Egg tart, người Bồ Đào Nha sẽ thích thêm một ít bột quế và đường.

Egg tart Nguồn ảnh: Pinterest
Egg tart là biểu tượng của Lisbon với cái tên Pastéis de nata Nguồn ảnh: Pinterest

10. Croissant

Croissant là một loại bánh ăn sáng phổ biến ở Pháp, hầu hết các tiệm bánh đều phục vụ loại bánh này, du khách bước chân đến Pháp mà không thử Croissant một lần thì chắc chắn là một thiếu sót. Tuy nức tiếng ở xứ Pháp hoa lệ nhưng Croissant lại có nguồn gốc từ Áo. Loại bánh này gắn liền với lịch sử chiến tranh của Áo – Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1683, chiếc bánh này đã được thợ làm bánh sáng tạo ra để ăn mừng chiến thắng của nước Áo trong cuộc giao tranh Áo – Thổ tại thành Vienna. Croissant ban đầu có tên Kirpfel – món bánh truyền thống Áo có hình lưỡi liềm.

Sau này, Kirpfel du nhập vào Pháp. Vào năm 1770, Nữ Đại Công tước Áo – Maria Antonia kết hôn với vua Louis XVI của Pháp. Những người thợ làm bánh đã làm món bánh lưỡi liềm truyền thống ở Áo để tỏ lòng tôn kính với công chúa. Rồi dần dần, chiếc bánh Kirpfel đã được người Pháp cải tiến, thay đổi công thức để làm ra một chiếc bánh Croissant ngàn lớp, giòn xốp như bây giờ.

Croissant được làm từ bột, muối, men, sữa, đường và bơ, sau đó sẽ được cán mỏng, cuộn lại thêm bơ và tiếp tục lặp đi lặp lại như vậy để khi ra thành phẩm, chiếc bánh Croissant sẽ có nhiều lớp và dễ dàng bong ra, có độ giòn xốp, ruột hơi rỗng, ngập tràn mùi thơm bơ, có chút vị mặn. Quả là khó cưỡng đúng không nào?

Hiện nay, bánh sừng bò có thể được dùng chung với bơ, kem, mứt hoặc trái cây, người ta cũng có thể biến Croissant như bánh mặn khi kẹp thêm thịt nguội, phô mai,..

Croissant Nguồn ảnh: Pinterest
Croissant nức tiếng ở xứ Pháp hoa lệ nhưng lại có nguồn gốc từ ÁoNguồn ảnh: Pinterest

11. Carac

Carac – quý cô ngọt ngào đến từ ” Trái tim của Châu Âu ” . Chiếc bánh ngọt của Thuỵ Sĩ có vẻ ngoài vô cùng bắt mắt với màu xanh nổi bật.

Carac có 3 phần riêng biệt bao gồm lớp vỏ bánh, kem ganache và lớp phủ xanh thu hút mọi ánh nhìn. Đế bánh Carac sẽ được làm từ bột mì, bơ, lòng đỏ trứng, muối và đường bột. Sau đó sẽ dùng khuôn bánh tart để tạo hình phần đế rồi đem đi nướng cho giòn vàng, chắc tay và không vỡ vụn. Đặc trưng của Carac chính là hương vị từ lớp nhân ganache đậm vị chocolate, béo ngọt từ bơ và kem sữa. Không chỉ về hương vị, ngoại hình sáng màu cũng là điểm nhấn của quý cô Carac. Lớp phủ đường xanh được nấu lên từ hỗn hợp đường bột, nước và phẩm màu, sau đó được đổ lên trên chiếc bánh cho đông lại. Thế là một chiếc Carac hoàn hảo ra đời.

Carac Nguồn ảnh: Pinterest
“Quý cô” bánh ngọt Carac. Nguồn ảnh: Pinterest

Những chiếc bánh hấp dẫn với hương thơm quyến rũ, hương vị ngọt ngào lại chứa đựng một trang lịch sử lâu đời và kéo dài bền vững đến hôm nay để trở thành những loại bánh nổi tiếng, mang nét đặc trưng cho văn hoá của mỗi mảnh đất khác nhau. Top list mong rằng các bạn sẽ có dịp thưởng thức được tất cả các loại bánh ngọt ở trên khi đặt chân đến quê hương xứ sở của nó nha.

Ngoài ra cậu có thể tham khảo một số bài viết hay ho khác của Timnhanh.com.vn tại đây:

  • Nguồn gốc bất ngờ của 5 món ăn quen thuộc, bạn đã biết chưa?
  • Những sự thật thú vị về mật ong sẽ khiến bạn bất ngờ đến khó tin

Nguồn: Tổng hợp Internet

Bài viết có hữu ích?