phep-lich-su-01

Cha mẹ nào cũng muốn nuôi dạy con ngoan, lịch sự, khiêm tốn, biết chia sẻ. Nhưng nếu cha mẹ áp đặt các quy tắc lịch sự sai cách thì có thể gây hại cho con, khiến con bị tổn thương.

Dưới đây là 4 phép lịch sự có thể gây hại cho con, cha mẹ không nên ép buộc.

1. Buộc con chào hỏi

phep-lich-su-01

Nhiều phụ huynh khi thấy con mình gặp người lớn mà không chào, thậm chí quay lưng và nhìn chỗ khác sẽ cho là con mình không lễ phép, khiến mình mất mặt.

Tuy nhiên, việc trẻ không chào hỏi là điều hết sức bình thường, do trẻ cảm thấy người đó xa lạ, tâm trạng đang không vui hay đang mải chú ý việc khác. 

Việc trẻ cảnh giác với người lạ cũng có thể là cơ chế “tự bảo vệ” của trẻ, cho thấy trẻ biết nhận thức và tự bảo vệ mình. Cha mẹ nên cho con cơ hội phát triển bản năng này như một dạng “camera an ninh” của chính mình.

Chào hỏi là kỹ năng cơ bản mà mọi đứa trẻ đều được dạy. Nhưng việc ép buộc con nói lời chào thường phản tác dụng, nhất là với những đứa trẻ cá tính, nổi loạn.

Nhắc nhở trẻ giữa đám đông cũng có thể khiến trẻ xấu hổ, thụ động, thu mình, ngại giao tiếp, thậm chí về lâu dài có thể “sợ xã hội”.

Cách dạy con chào hỏi đúng là cha mẹ hãy làm gương cho con, chủ động chào hỏi, niềm nở với khách để con quan sát và học hỏi theo. 

Khi trẻ không chào, bạn cũng không nên nghiêm trọng hóa vấn đề và mắng con trước mặt người khác. Hãy đợi về nhà và hỏi con nguyên nhân vì sao. Hãy giúp con ý thức về việc chào hỏi là một biểu hiện của sự yêu quý, tôn trọng.

Dần dà, con sẽ tự có ý thức chủ động giao tiếp và chào hỏi người khác.

2. Buộc con phải nhường nhịn trẻ bé hơn

Empty

Nhiều người lớn có câu nói cửa miệng: “Con lớn hơn, con phải nhường em chứ”. Khi trẻ xảy ra tranh chấp, mọi người thường bắt trẻ lớn phải nhường nhìn em bé hơn với lý do này. 

Nhưng giả sử đặt vào tình huống của người lớn, nếu sếp bạn nói với bạn rằng: “Em còn trẻ, còn nhiều cơ hội, nên nhường cơ hội thăng tiến lần này cho người có thâm niên hơn” thì bạn có chấp nhận không?

Quan niệm “kính trên nhường dưới” này vô tình gây ra sự mất bình đẳng trong các mối quan hệ. Đồng thời, nó có thể gieo mầm suy nghĩ cho trẻ rằng có thể ỷ lại mình bé hơn để vòi vĩnh, giành giật với anh chị lớn.

Cách dạy con đúng đắn là cha mẹ nên đối xử công bằng với con, phải phân biệt đúng sai thay vì luôn bắt con phải nhún nhường. 

Hãy hướng dẫn con tận hưởng niềm vui của việc sẻ chia, nhưng đừng tùy tiện ép buộc con phải nhường nhịn. Những tranh chấp cũng có thể là cơ hội để trẻ học cách xử lý mâu thuẫn. Cha mẹ chỉ nên can thiệp khi mâu thuẫn tăng cao và những đứa trẻ có thể làm tổn thương nhau, về thể chất hoặc tinh thần.

3. Buộc con khiêm tốn khi được khen

aid60972-v4-728px-Be-Loved-by-Little-Kids-Step-17

Khiêm tốn là một đức tính tốt đẹp của con người được thể hiện qua lời nói, cử chỉ và hành động. Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác.

Nhưng khiêm tốn không có nghĩa là tự hạ thấp bản thân. Không ít bậc phụ huynh khi người khác khen con mình, chẳng hạn như “Cháu vẽ tranh đẹp quá”, thì họ sẽ vội khước từ kiểu: “Đâu có, cháu nó vẽ nguệch ngoạc linh tinh thôi mà, trong lớp nhiều bé vẽ đẹp hơn ấy.”

Câu nói tưởng như vô thưởng, vô phạt lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đứa trẻ. Trẻ có thể hoài nghi năng lực của mình, cho rằng cha mẹ thấy mình không tốt bằng trẻ khác.

Trước những lời khen, thay vì khước từ và tự hạ thấp con mình, cha mẹ hãy học cách đón nhận.

Cha mẹ có thể áp dụng quy tắc giao tiếp “5 điểm cảm ơn, 3 điểm hỗ trợ, 2 điểm kỳ vọng”, tức là đầu tiên hãy cảm ơn lời khen, sau đó ghi nhận điểm tích cực của con và cuối cùng bày tỏ kỳ vọng con sẽ làm tốt hơn trong tương lai.

4. Buộc con nghe lời mọi lúc mọi nơi

bat-ep-tre-02

Phụ huynh thường luôn mong con ngoan ngoãn, nghe lời, nhiều người còn tự hào vì con mình nói gì nghe nấy.

Tuy nhiên, việc ép buộc con phải nghe lời mọi lúc mọi nơi có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của đứa trẻ.

Theo các nhà tâm lý học, việc luôn đòi hỏi sự vâng lời từ đứa trẻ sẽ lấy đi tiếng nói nội tâm của chúng, dần dần khiến trẻ mất khả năng quyết định, bảo vệ bản thân và dễ bị lợi dụng. 

Vì vậy, cha mẹ tuyệt đối không nên ép trẻ làm những việc trái với mong muốn của bản thân, hãy tôn trọng suy nghĩ bên trong của trẻ, để trẻ trút bỏ cảm xúc và sự bất mãn.

Hãy khuyến khích con mạnh dạn bày tỏ ý muốn của bản thân và hãy là con người thật của mình. Những đứa trẻ dám bày tỏ nhu cầu thực sự của mình mới có thể tự tin và hạnh phúc hơn.

Bài viết có hữu ích?