Vua Bảo Đại sinh năm 1913, ông lên ngôi năm 13 tuổi và cũng thực sự trị vì đất nước trong 13 năm…
Theo Ban Quản lý Dinh Bảo Đại I (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), cuộc đời Đức Bảo Đại có nhiều chi tiết gắn liền với con số 13.
Một, Đức Bảo Đại sinh năm 1913 (chính xác là ngày 22/10/1913, tức 23/9 năm Quý Sửu).
Hai, Đức Bảo Đại sinh năm 1913, lên ngôi năm 1926, như vậy Bảo Đại lên ngôi năm 13 tuổi.
Ba, khi lên ngôi Vua, Đức Bảo Đại là ông Vua thứ 13 của triều Nguyễn và cũng là vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Tư, nếu tính từ khi lên ngôi năm 1926, đến khi thoái vị năm 1945 là 19 năm. Nhưng, sau khi lập ngôi, Vua Bảo Đại trao quyền lại cho Phụ chính thân thần Tôn Thất Hân và quay trở lại Pháp để tiếp tục việc học.
Mãi đến ngày 8/9/1932, Vua Bảo Đại mới hồi loan chính thức trị vì đất nước. Sang tháng 8/1945, Vua Bảo Đại trao lại ấn kiếm cho đại diện Chính phủ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ tại Việt Nam. Như vậy, Vua Bảo Đại thực sự trị vì đất nước trong 13 năm.
Năm, sinh thời, Vua Bảo Đại có với Hoàng hậu Nam Phương 5 người con là: Hoàng Thái tử Bảo Long, Hoàng tử Bảo Thắng, Công chúa Phương Mai, Phương Dung, Phương Liên; có với Thứ phi Mộng Điệp 3 người con là: Hoàng nữ Phương Thảo, Hoàng nam Bảo Hoàng, Bảo Sơn; có với Thứ phi Ánh 2 người còn là: Hoàng nữ Phương Minh, Hoàng nam Bảo Ân; có với bà Vicky 1 người con là Phương Từ; có với bà Hoàng Tiểu Lan 1 người còn là Hoàng nữ Phương Anh.
Ngoài ra, Thứ phi Mộng Điệp cho biết, trong sổ gia đình của Vua Bảo Đại do bà Từ Cung giữ còn thông tin về 1 người con nữa nhưng không ghi mẹ là ai. Như vậy, Đức Bảo Đại có 13 người con chính thức được ghi nhận.
Sáu, vào 5h sáng ngày 31/7/1997, Đức Bảo Đại giải nghiệp tại Bệnh viện Quân y Val-de-Grâce (Paris, Pháp). Đến ngày 6/8/1997, Đức Bảo Đại mới được đem chôn cất tại nghĩa trang Thiên Chúa giáo Passy (Paris).
Thông tin ghi lại, vào tháng 8, trời thu Paris trong xanh rất đẹp nhưng khi thi hài Đức Bảo Đại sắp được hạ huyệt (giờ tốt đã được chọn trước) thì trời đột ngột đổ mưa, làm tất cả những người dự đám tang đều ướt đẫm. Trời mưa làm huyệt mộ ngập nước nên không thể tiến hành nghi lễ hạ huyệt, nhưng, giờ lành không đợi ai bao giờ nên mọi người ra sức tát cạn nước vì e giờ tốt qua đi. Khi nước được tát cạn, trời đã bớt mưa thì đồng hồ điểm đúng 13h chiều. Như vậy, Đức Bảo Đại được hạ huyệt lúc 13h.
Cũng theo Ban Quản lý Dinh Bảo Đại I, ngày 13/5/2017, di vật của Đức Bảo Đại là chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062 độc nhất vô nhị đã phá vỡ kỷ lục chiếc Rolex giá trị nhất thế giới trong buổi đấu giá tại Geneva (Thuỵ Sỹ), với mức giá 5,066 triệu USD, tương đương 113 tỷ đồng tiền Việt Nam (thời điểm đó).
Cựu hoàng Bảo Đại sinh ngày 22/10/1913, tên khai sinh Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông là vị hoàng đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam.
Dinh Bảo Đại I (Dinh I) là công trình kiến trúc được xây dựng từ những năm 1940, trên đồi thông rộng hơn 18 ha ở phường 10, TP.Đà Lạt. Nơi đây được Vua Bảo Đại chọn làm tổng hành dinh trong thời gian làm Quốc trưởng (1949-1955).
Đến năm 1956, ông Ngô Đình Diệm sử dụng Dinh I làm dinh thự riêng. Sau năm 1975, Dinh I được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, Dinh bị xuống cấp trầm trọng và gần như “bỏ hoang”.
Năm 2015, Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng giao Dinh I làm dự án. Sau khi được thuê, Công ty đã trùng tu, tôn tạo nâng cấp thành khu tham quan nghỉ dưỡng, mở cửa đón khách.
Tháng 4/2023, sau khi rà soát, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị UBND tỉnh không chấp nhận đề nghị của Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt về việc tiếp tục được thuê lại Dinh I và các biệt thự, đất trong khuôn viên để thực hiện dự án King Palace vì theo quy định phải thông qua hình thức đấu giá.