Gia Restaurant là một trong những nhà hàng theo đuổi mô hình ẩm thực Việt Nam cao cấp tại Hà Nội.
Việt Nam đã quá nổi tiếng với những món ăn đường phố nhận được sự ưu ái từ khách du lịch quốc tế như phở, bánh mì, bún chả… Những món ăn bình dị này dường như đã chiếm phần lớn sự chú ý trên bản đồ ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, ẩm thực Việt Nam cao cấp là một khái niệm chưa mấy quen thuộc với du khách quốc tế. Nhưng với xu hướng hiện tại, chúng ta đã dần tiếp cận với ẩm thực cao cấp theo tinh thần đơn giản hơn, cũng vẫn là những nguyên liệu truyền thống đó, món ăn quen thuộc đó nhưng được biến tấu theo phong cách hoàn toàn mới lạ và độc đáo.
Một trong những cái tên nổi bật, theo đuổi mô hình ẩm thực Việt Nam cao cấp tại Hà Nội là Gia Restaurant.
Câu chuyện tìm về cội nguồn, bản sắc văn hoá dân tộc của 2 trái tim trẻ nhiệt huyết
2 người đồng sáng lập nên Gia, Sam Trần (Bếp trưởng) và Long Trần (Giám đốc điều hành) đều là những người con xa xứ, trở về Việt Nam sau nhiều năm sinh sống và tích luỹ kinh nghiệm tại các nhà hàng fine dining (ẩm thực cao cấp) ở nước ngoài.
Tưởng như mọi đầu bếp đều sinh ra với một đam mê cháy bỏng với nghề bếp, nhưng không, khi được hỏi về cơ duyên với ẩm thực, Sam Trần – đầu bếp nữ hiếm hoi trên bản đồ fine dining của Việt Nam thừa nhận rằng mình là… tay ngang, bởi xuất phát điểm của chị là một sinh viên công nghệ thông tin.
Trái ngược hoàn toàn với Sam, ý tưởng kinh doanh mô hình ẩm thực Việt Nam cao cấp đã được Long Trần ấp ủ từ khá lâu, với mong muốn nâng tầm ẩm thực Việt trên bản đồ thế giới và đem đến cho thực khách một trải nghiệm fine dining đủ sâu sắc và khác biệt. Dự án này chính là kim chỉ nam để Sam và Long quyết định tìm về cội nguồn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Gia là nơi họ chia sẻ những câu chuyện về chiều sâu văn hoá, sản vật địa phương cho những vị khách nước ngoài còn lạ lẫm, hay cho chính những người con đất Việt còn lờ mờ về những giá trị ấy.
Trải nghiệm không gian văn hoá
Toạ lạc ngay đối diện Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Gia được kiến tạo trên nền móng của ngôi nhà cổ với tuổi đời hơn 100 năm. Trong quá trình xây dựng và tu sửa, Sam và Long đã cố gắng phát triển dựa trên nền kiến trúc nguyên thuỷ của nó, bởi tính kế thừa từ đời này sang đời khác cũng là một phần giá trị văn hoá Việt Nam.
Không gian tại Gia vẫn giữ lại những nét kiến trúc đặc trưng của nhà cổ Hà Nội ở thế kỷ trước, nhà cao 2 tầng và có một khoảng giếng trời để lấy ánh sáng vào toàn bộ ngôi nhà. Cây cầu thang dốc 75 độ với những bậc thang không đều nhau cũng được đội ngũ Gia giữ nguyên vẹn. Từng chi tiết chạm khắc tỉ mỉ trên tường, tranh vẽ hay cả những khối trang trí đều được lấy cảm hứng từ hoa sen và hoa văn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Mang văn hoá dùng đũa vào ẩm thực cao cấp
Hình ảnh đôi đũa xuất hiện bên cạnh mâm cơm đã trở thành nét đẹp truyền thống trong ẩm thực Việt. Độ lên 3-4 tuổi, chúng ta đã bắt đầu được tiếp xúc với đũa khi chơi chuyền – một trò chơi dân gian đã đi vào tuổi thơ của nhiều thế hệ ở Việt Nam. Lớn hơn một chút nữa, chúng ta được dạy về cách dùng đũa, nào là không được cắm thẳng đôi đũa trong bát cơm vì gắn liền với hình ảnh bát cơm cúng; không gõ đũa vào nhau hay bất cứ thứ gì khác… Vô số những bài học, quy tắc đã được ông bà ta quy định trong mỗi bữa cơm từ xa xưa.
Với tất cả sự trân quý, niềm tự hào, Gia gìn giữ và khơi gợi những nét văn hoá truyền thống đó, không chỉ qua từng món ăn mà còn qua những trải nghiệm thân thuộc và tinh tế. Những đôi đũa từ gỗ mun và gỗ trắc, được đặt làm thủ công bởi những người thợ lành nghề là một phần không thể thiếu trong mọi mùa thực đơn tại Gia.
Thực đơn nếm thử, thay đổi theo mùa
Khác hoàn toàn so với thực đơn gọi món, Gia phục vụ Tasting Menu với hành trình trải nghiệm về hương vị qua hơn 10 món ăn định sẵn và các thức uống đi kèm. Cứ 3 tháng Gia lại thay đổi thực đơn 1 lần, và các món ăn ở thực đơn đã qua sẽ khó lòng xuất hiện lại trong mùa mới.
Không chỉ tìm kiếm và tiếp nhận các nguyên liệu ở mọi hình thái, từ mọi vùng miền, những món ăn tại Gia còn xuất phát từ ký ức đầy xúc cảm của bếp trưởng Sam Trần. Cô gái này muốn kể về từng mảnh ghép trong đời sống, những vùng đất cô đã đặt chân qua, những hương vị truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những nguyên liệu đã dần bị lãng quên (rau dớn ở vùng Tây Bắc hay lá giang trong văn hoá ẩm thực người Thái), những món ăn truyền thống như bún riêu, súp lươn, mỳ gà tần,… vốn đã quen thuộc, nay được bếp trưởng Sam Trần tái hiện theo góc nhìn hoàn toàn mới mẻ và thú vị.
Trải nghiệm hương vị cao cấp và hiện đại cần mang trong mình nhiều câu chuyện. Thông qua mỗi món ăn, Gia khơi gợi trong khách hàng những cảm xúc mới về những nguyên liệu vốn đã rất quen thuộc, đồng thời kể câu chuyện về văn hoá truyền thống của người Việt, về một nền ẩm thực gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn chưa hoàn thiện.
Doãn Phong