Vải là loại quả được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, chọn vải và bảo quản thế nào để giữ được lâu và đảm bảo chất lượng thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là một vài bí quyết chọn và bảo quản vải thiều mà Timnhanh.com.vn muốn giới thiệu đến bạn.
1. Cách chọn vải thiều ngon
Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn chọn được những quả vải thơm ngon, chất lượng, không bị sâu đầu.
Quan sát vỏ: Cách dễ nhận biết vải ngon hay không chính là quan sát vỏ ngoài của quả vải. Khi mua, bạn nên chú ý chọn những chùm quả có phần cành dẻo và lá còn tươi mới. Đây là dấu hiệu của những quả vải được hái chưa lâu.
Ngược lại, bạn nên bỏ qua những chùm có cành héo, dễ gãy hoặc dập bởi đó là những quả đã hái khá lâu hoặc tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài nên cành, vỏ bị khô.
Vải ngon và chín tới sẽ có vỏ màu hồng đỏ, quả tròn đều. Vải thiều quả sẽ thường nhỏ hơn vải lai (chỉ bằng khoảng 70%), trong khi vải lai thường quả sẽ to và thuôn dài hơn, màu cũng đỏ đậm hơn.
Vải chín tới phần gai sẽ nhẵn, gai càng nhiều và càng nhọn là vải còn xanh ăn sẽ bị chua.
Sờ tay: Vải ngon nhất khi vừa chín tới. Vải tươi ngon là khi sờ vào quả phải mềm tay nhưng vẫn có độ đàn hồi. Nếu quả vải bị mềm, không đàn hồi nghĩa là quả đã chín quá, ăn không ngon.
Ngửi mùi: Dù hương thơm không đậm nhưng vải vẫn có mùi đặc trưng. Vải tươi ngon khi ngửi sẽ thấy hương thơm nhẹ. Nếu ngửi thấy quả vải có mùi chua, mùi lên men, mùi lạ thì không nên chọn vì rất có thể đã ủng hoặc quá cũ.
Tách cùi, xem hạt: Sau khi lột vỏ, hãy từ từ tách thử phần cùi vải. Cùi vải mềm, màu trắng trong, mọng nước, khi lột mới bắt đầu rỉ mật, có mùi thơm nhẹ, cùi dầy và dễ tách, hạt nhỏ là vải ngon. Nếu thấy khó tách hạt, hạt to, cùi nhão, mùi kém thơm hoặc có mùi lạ thì không nên chọn.
Cảm nhận hương vị: Khi mua, nên bóc 1-2 quả vải để nếm thử. Vải ngon phải có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng. Vải thiều có cùi dày, hạt nhỏ và vị ngọt hơn so với vải lai.
Cách chọn vải sấy ngon: Nếu không có điều kiện thưởng thức vải tươi, bạn cũng có thể tham khảo một số kinh nghiệm chọn vải sấy thơm ngon như: Quả vải sấy khô đạt tiêu chuẩn là có vỏ ngoài khô đều, giữ nguyên dáng hoặc chỉ móp nhẹ, cuống không bị sâu. Khi bóc, long vải thơm dẻo, ngọt sắc, sờ không dính tay và có màu cánh gián đậm. Nếu long có màu đen là khi sấy vải đã bị cháy; còn nếu long vải màu nâu nhạt là sấy vải chưa đủ độ, loại này chỉ để ăn ngay trong thời gian ngắn.
2. Cách bảo quản vải thiều lâu vẫn đảm bảo chất lượng
Vải thiều cũng như một số loại trái cây khác, nếu không biết cách bảo quản thì rất nhanh thâm đen, hỏng. Xin chia sẻ một số cách bảo quản giúp vải tươi ngon, giữ được dinh dưỡng trong thời gian dài nhé.
Bảo quản vải thiều bằng túi zip: Vải thiều mới mua về, muốn giữ nguyên độ tươi ngon trong vài ngày cần thực hiện theo các bước: Cắt rời từng trái vải, chừa lại phần cuống 1 – 2cm trên mỗi quả. Rửa sạch và để vải ráo nước, thật khô. Chia thành từng phần nhỏ trong các túi zip rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Cách bảo quản này có thể giữ độ tươi của vải cả tuần.
Bảo quản bằng hộp và giấy báo: Điều cần ghi nhớ nhất khi muốn bảo quản vải dùng lâu ngày là tuyệt đối không rửa mà để khô. Chuẩn bị hộp nhựa theo số lượng vải muốn bảo quản và 1 ít giấy báo. Lót vài lớp giấy báo xuống đáy hộp và xếp vải thiều vào, sau 1 lớp quả là 1 lớp báo. Cuối cùng là bọc lớp giấy báo cho kín toàn bộ chỗ vải, càng nhiều giấy báo càng tốt. Đậy nắp hộp và cho vào ngăn mát tủ lạnh, có thể để lâu tới 2 tháng.
Vải khi bảo quản vẫn bị hấp hơi nên có 1 vài quả có thể xuất hiện dấu hiệu hỏng, nhưng tổng thể vẫn tươi ngon như thời điểm ban đầu
Nếu không có hộp, có thể dùng túi nylon hay màng bọc thực phẩm thay thế, nhưng chúng sẽ không gọn và an toàn cho bằng hộp nhựa chuyên dùng đựng thực phẩm.
Bảo quản trong ngăn đông, đá tủ lạnh: Nếu muốn trữ vải thiều tươi lâu hơn nữa, bạn cũng bọc bảo quản bằng hộp và giấy báo như trên rồi cho chúng lên ngăn đá tủ lạnh, khi ăn mang rã đông bình thường, hương vị vẫn thơm ngon như mới.
Ngoài ra, để gọn hơn, có thể bóc vỏ vải rồi xếp trong hộp nhựa, rắc thêm xíu đường cát nếu muốn, đậy nắp hộp rồi bảo quản trên ngăn đông. Khi rã đông sử dụng, hương vị vải không thua kém vải tươi.
Nếu có máy ép chân không, bóc vỏ quả vải rồi xếp chúng vào túi chuyên dụng và hút chân không, bảo quản trên ngăn đông dùng dần.
Phơi hoặc sấy khô: Cách bảo quản này vải sẽ không còn độ tươi và mọng nước, thịt vải chuyển sang màu nâu cánh gián, nhưng vẫn khá thơm ngon và chứa nhiều dưỡng chất. Sau khi phơi sấy thành vải khô, vải thiều bảo quản được lâu nhất mà không sợ bị hư hỏng.
Ngâm nước vải: Tách lấy phần cùi vải và để ráo nước. Nấu đường cát hoặc đường phèn với nước cho tan và sôi lăn tăn, hơi sánh rồi bắc ra để thật nguội. Xếp cùi vải vào hộp có nắp, đổ nước đường cho ngập mặt vải và đậy kín bỏ vào ngăn mát tủ lạnh qua 1 đêm cho thấm đường. Sau đó có thể dùng dần trong 1 – 2 tháng.
Xay/ép vải thành nước: Vải mua về, bóc vỏ tách lấy cùi rồi cho vào máy sinh tố xay xong lọc bỏ bã. Đổ nước vải vào chai cho vào ngăn lạnh dùng dần. Nếu sử dụng máy ép thì không cần lọc bã. Loại nước uống này sử dụng trong 1 tuần.
Lưu ý: Tuyệt đối không dùng túi nilon và không rửa quả vải. Chỉ rửa vải trong trường hợp bạn vừa mua về mà muốn ăn mát lạnh như kem chỉ sau 10-15 phút thì rửa qua, cho vào túi nilon để vào ngăn đá. Lúc này, nước bám quanh quả vải có tác dụng làm lạnh cực nhanh.
3. Các món ăn ngon từ quả vải
Ngoài ăn trực tiếp, quả vải còn được chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Sinh tố vải: Món sinh tố vải cực kì thơm ngon, béo mịn với vị thanh mát của vải hòa cùng vị béo và thơm của kem vanilla, sữa đặc tạo nên món sinh tố vải ngon khó cưỡng.
Sinh tố vải xoài cũng là món sinh tố mà tín đồ của đồ ngọt không thể bỏ lỡ, cùng thử kết hợp vị ngọt của vải, mùi hương thơm dịu nhẹ đặc trưng của xoài và mật ong ngọt thanh hòa quyện trong món sinh tố tạo ra một vị ngọt vô cùng mới lạ.
Chè vải: Bạn có thể làm 1 ly chè thạch vải lá nếp thơm ngon, béo ngậy vô cùng bắt mắt và hấp dẫn ngay từ chính gian bếp nhỏ của mình để chiêu đãi gia đình. Hương thơm từ thịt vải tươi giòn ngọt, mọng nước hòa quyện trong vị thạch lá nếp dẻo ngon ngọt thanh, vị sữa dừa thơm béo sẽ khiến bạn bạn không thể nào bỏ qua món chè hấp dẫn này được rồi.
Trà vải hoa hồng: Trà vải hoa hồng mát lạnh lại thơm thơm mùi hoa hồng thoang thoảng, dịu nhẹ và màu đỏ hồng đẹp mắt. Trà có chút nước cốt chanh tươi mát hoà cùng vị ngọt ngào của siro và những trái vải căng tròn, mọng nước thật hấp dẫn.
Trà mận vải: Trà vải mận thơm ngon, dễ làm mang màu hồng cam tự nhiên từ trái mận đẹp mắt.
Với vị ngọt thanh, dịu nhẹ, thơm thơm mùi vải, chua chua ngọt ngọt vị mận cùng mùi vị đặc trưng của thơm cực thanh mát, món trà mận vải chắc chắn sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn xua đi cái nóng ngày hè!
Hồng trà vải: Hồng trà thạch vải thơm ngon, thanh mát với hồng trà thơm thơm, vị chát nhẹ, vải tươi mềm ngon, ngọt ngào mọng nước thêm thạch vải giòn giòn ngọt thanh thật hấp dẫn.
Chè vải hạt sen: Vị ngọt thơm và thanh mát của món chè vải hạt sen sẽ giúp bạn thổi bay cơn nóng ngày hè, lại vô cùng tốt cho sức khoẻ.
Thạch vải: Sự kết hợp của thạch vải kết hợp với vị trà đặc trưng đúng là ý tưởng tuyệt vời cho những ngày nắng nóng.
Sữa chua vải: Sữa chua vải là sự kết hợp một ít trái vải tươi, một ít hạt dẻ cười tách đôi cùng 1 cánh hoa hồng lên trên mặt để trang trí vô cùng bắt mắt, lôi cuốn.
Kem vải: Những ngày nóng nực này có ngay ly kem vải mát lạnh thì còn gì bằng. Hai cách biến tấu kem vải với sự kết hợp cùng sữa dừa và mâm xôi chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng.