Không chỉ có vẻ ngoài bắt mắt, món giò độc đáo của vùng “quê lúa” Thái Bình còn được thực khách ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, thanh mát, giúp giải ngán sau những bữa tiệc tràn ngập đồ ăn dịp đầu năm.
Nhắc đến đặc sản Thái Bình, ngoài những cái tên được nhiều người biết đến như bánh cáy làng Nguyễn, canh cá Quỳnh Côi, nem chạo Vị Thủy, bún bung, gỏi nhệch,… còn có một món ăn dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng, được đông đảo du khách tìm mua và thưởng thức trong dịp đầu năm. Đó chính là giò nây.
Giò nây (hay còn gọi là giò lây, giò cuốn hay giò mỡ) là món ăn truyền thống ẩn chứa nét tinh hoa ẩm thực của người dân Thái Bình. Tương tự như các món giò truyền thống khác, giò nây cũng được làm từ thịt lợn nhưng có cách chế biến đặc biệt hơn.
Thay vì xay nhuyễn thịt, người Thái Bình lại sử dụng miếng thịt lợn còn nguyên tảng lớn, giữ lại lớp bì rồi mới đem ướp gia vị và gói.
Anh Nguyễn Nghĩa, chủ một cơ sở kinh doanh giò nây ở Thái Bình cho biết, phần thịt được dùng để làm giò nây phải là thịt ba chỉ, có cả nạc cả mỡ.
(Ảnh: Giò chả Oanh Lượng).
Thịt sau khi sơ chế sạch được đem tẩm ướp với các gia vị như hạt tiêu, muối, mì chính, hành tỏi băm nhỏ cho đậm đà. Nếu muốn giò giòn hơn, người ta còn cho thêm mộc nhĩ thái sợi.
“Thịt ba chỉ được giữ nguyên lớp bì mỡ, xếp phần nạc lên trên chứ không pha trộn thêm loại thịt nào khác. Chờ khoảng 30-45 phút, khi thịt ngấm đều các gia vị thì đem bọc trong lá chuối, cuộn chặt lại và cố định bằng dây”, anh Nghĩa nói.
(Ảnh: Nguyễn Văn Khu).
Theo người đàn ông này, công đoạn gói giò rất quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo. Giò phải được cuốn chặt tay, đảm bảo các thớ thịt dính chặt vào nhau để thành phẩm khi ra lò không bị rời rạc nguyên liệu, ảnh hưởng đến hương vị và tính thẩm mỹ của món ăn.
Sau khi cuộn xong, giò được đem luộc trong khoảng 4-5 tiếng với mức lửa vừa phải để giữ nhiệt, giúp phần thịt bên trong chín đều. Người ta cũng phải canh giờ để luộc giò đúng thời gian, tạo cho món ăn có độ giòn, mềm và dậy mùi thơm hấp dẫn.
Khi giò nây chín, vớt ra khỏi nồi, chờ nguội rồi ép chặt như bánh chưng để giò ráo nước và săn hơn, giúp các nguyên liệu bên trong càng thêm dính quyện vào nhau. Nhờ đó, giò có màu xanh đẹp mắt từ lá chuối và dậy mùi thơm đặc trưng.
Khi giò nguội đem cất vào tủ lạnh ngăn mát, có thể bảo quản và sử dụng trong vòng 10 ngày (Ảnh: Linh Vũ).
Ở Thái Bình, món giò nây thường được dùng để tiếp đãi khách quý và góp mặt trong thực đơn giỗ chạp, đám cưới ở địa phương, nhất là dịp đầu năm.
Mặc dù vẻ ngoài của món giò nây khiến thực khách e dè vì sợ ngấy nhưng khi nếm thử, ai nấy đều bị hấp dẫn bởi miếng giò mềm tan như thạch, vị thanh mát, khác biệt hoàn toàn so với các món giò truyền thống.
Giò nây có hương vị đậm đà, béo ngậy, mềm tan của thịt ba chỉ hòa quyện vị cay nồng của hạt tiêu, dậy mùi thơm lá chuối khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi (Ảnh: Giò chả Oanh Lượng).
Chị Thanh Nga (sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, sau một lần được thưởng thức đặc sản giò nây Thái Bình, chị đã mê mẩn hương vị của món ăn này. Bởi vậy, hàng năm, chị lại nhờ bạn bè, người quen ở đây đặt mua và vận chuyển giò lên Thủ đô để chuẩn bị mâm cỗ cho những ngày Tết.
“Thông thường, mình phải đặt hàng trước từ 1-2 tháng, mua với số lượng lớn khoảng 15-20kg, vừa để gia đình ăn, vừa mang biếu người thân. Món giò nây rất dễ ăn, vị thanh mát lại mềm tan nên người già hay trẻ nhỏ đều có thể thưởng thức”, chị Nga nói.
Từ món ăn truyền thống của người Thái Bình, xa lạ với người thành phố, giò nây giờ đã trở thành đặc sản được thực khách gần xa yêu thích, tìm mua về chiêu đãi gia đình.
Mỗi cân giò nây có giá dao động từ 200.000 – 300.000 đồng, ngày Tết có thể cao hơn do nhu cầu của khách tăng cao và giá cả nguyên liệu, thực phẩm trên thị trường cũng có sự thay đổi.