Đặc sản Quy Nhơn nổi tiếng với nhiều món ăn có hương vị hấp dẫn, giá thành bình dân như bánh xèo tôm nhảy, chả ram tôm đất, bún rạm, bún sứa, bánh canh,…
Quy Nhơn không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Bình Định mà còn níu chân du khách thập phương bởi nền ẩm thực đa dạng, có nhiều đặc sản thơm ngon.
Dưới đây là gợi ý về loạt đặc sản vừa ngon vừa rẻ, được thực khách rỉ tai nhau nhất định phải thử một lần nếu có dịp ghé thăm vùng đất này!
Bánh xèo tôm nhảy
Nhắc đến đặc sản Quy Nhơn không thể không kể đến món bánh xèo tôm nhảy nức tiếng. Sở dĩ món ăn có tên gọi lạ tai, độc đáo như vậy là bởi nguyên liệu làm bánh được chế biến từ những con tôm đầm, tôm sông tươi rói, “nhảy tanh tách”.
Chiếc bánh xèo có kích thước to bằng bàn tay với lớp vỏ hơi dày. Phần nhân đầy đặn, gồm nhiều con tôm xếp vòng tròn ở phía trên, thêm giá đỗ và hành lá.
Ở Quy Nhơn, du khách có thể tìm và thưởng thức món bánh này ở một số địa chỉ khá có tiếng như bánh xèo Gia Vỹ, bánh xèo ông Hùng, bánh xèo Bà Năm Mỹ Cang, bánh xèo Anh Vũ, quán Món Quê Eo Gió…
Chả ram tôm đất
Một đặc sản trứ danh khác ở Quy Nhơn cũng được chế biến từ tôm, khiến thực khách say mê là chả ram. Món chả này được chế biến từ loại tôm đất còn tươi sống và thịt ba chỉ lợn.
Đặc biệt, phần vỏ ram phải tuyển chọn từ loại bánh tráng phơi sương Bình Định để khi chiên có độ giòn tan, bùi béo.
Khi ăn, thực khách cuốn chả ram tôm đất với rau cải, bánh tráng, chấm kèm tương ớt hoặc nước mắm chua ngọt đều ngon.
Bún rạm
Là món ăn dân dã, quen thuộc với người dân Quy Nhơn song bún rạm vẫn còn lạ lẫm với nhiều du khách. Thay vì dùng cua như các món bún khác, món ăn này được chế biến từ rạm – sinh vật thuộc họ cua, mình mỏng, bụng vàng, thường sống ở đầm lầy nước mặn hay đồng ruộng.
Bún rạm trông không khác bún riêu cua nhưng nước dùng thơm ngọt đặc trưng hơn, thêm phần gạch bùi bùi, béo ngậy rất hấp dẫn (Ảnh: Trường Văn).
Trước khi nấu, rạm được sơ chế sạch sẽ, lấy riêng phần gạch, còn phần thịt đem xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt rồi đun trên lửa nhỏ liu riu cho tới khi sánh sệt, nổi váng.
Gạch sau đó được đem xào sơ với hành khô, nêm nếm gia vị vừa ăn. Tùy từng quán mà người ta hòa luôn gạch vào nước dùng hoặc để riêng, khi thực khách gọi món mới múc cho ra bát.
Bún sứa
Một món bún khác cũng nổi tiếng không kém ở Quy Nhơn là bún sứa, hấp dẫn cả người dân bản địa lẫn du khách thập phương hương vị tươi mát, thơm ngọt tự nhiên.
Sứa ở đây có hai loại là sứa tai và sứa chân. Sứa tai màu trong, nhiều nước, mềm, làm món ăn không ngon nên người ta thường dùng loại sứa chân để nấu bún, đảm bảo độ giòn lạ miệng, vui tai.
Bún sứa có vị thanh mát nên được xem như đặc sản “giải nhiệt”, có thể thưởng thức vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày (Ảnh: Quang Vinh).
Một suất bún đầy đủ gồm bún, sứa cắt nhỏ và nước dùng, bên trên rắc thêm đậu phộng (lạc) rang giã nhỏ, thêm chả cá, chả ram vàng giòn và xoài xanh thái lát. Phần nước dùng chua ngọt được ninh từ xương, hòa cùng vị béo bùi của đậu phộng, tạo nên hương vị hấp dẫn cho món ăn.
Bánh canh, cuốn cá
Một đặc sản Quy Nhơn khác tuy bình dân nhưng hương vị không kém phần hấp dẫn và được thực khách yêu thích chính là bánh canh gạo. Sợi bánh được chế biến thủ công nên có độ mềm dai, kết hợp với nước dùng trắng đục, ngọt đậm, ăn kèm chả cá, thịt viên và trứng cút.
Khi thưởng thức bánh canh, du khách có thể gọi thêm cuốn cá. Món cuốn này tương tự như các món cuốn truyền thống khác song phần nhân có nguyên liệu đặc biệt là cá, cuộn kèm rau sống, gói với bánh tráng và chấm nước mắm tỏi ớt.
Tới Quy Nhơn, du khách muốn thưởng thức món bánh canh trứ danh có thể ghé các địa chỉ quen thuộc của người bản địa như tiệm bánh canh Tư Ù, bánh canh tôm Ba Biên, bánh canh cua O Huệ, bánh canh Bà O, bánh canh Bà Sâm…
Phan Đậu