Ngay sau khi Đà Lạt nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, cho phép các quán ăn mở cửa trở lại, giới trẻ của thành phố này đã nhanh chóng đi thưởng thức những món đặc sản siêu ngon và chia sẻ trên mạng xã hội.
Hoài Nam – một bạn trẻ Đà Lạt bật mí: Ngay từ ngày đầu tiên thành phố mở cửa trở lại, anh đã bắt đầu “tour ẩm thực” với bạn bè từ 6 giờ sáng.
“Mình và nhiều bạn khác đã chờ 2 tháng để được tận hưởng không khí, âm thanh của phố phường và thưởng thức những món ngon của thành phố này. Cảm giác đó thật tuyệt vời”, Nam chia sẻ.
Dưới đây là 5 món ngon được Nam và nhiều bạn trẻ Đà Lạt đưa vào danh sách không thể bỏ qua khi tới Đà Lạt.
Bánh mì xíu mại
Xíu mại là một món ăn nhanh có nguồn gốc Trung Hoa nhưng từ lâu đã trở thành nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Đà Lạt, mà ai đến cũng tò mò muốn thử. Khác với bánh mì Sài Gòn, Hội An hay Hà Nội, xíu mại là món kết hợp giữa bánh mì giòn tan, nước dùng đậm đà, thơm thơm, cay cay của sa tế và những viên thịt xíu mại dai dai.
Xíu mại được làm từ thịt xay nhuyễn và quết khéo sao cho độ dai vừa đủ. Nước dùng được ninh từ xương heo nên đem lại hương vị ngọt nhẹ, béo thơm nhưng không ngấy.
Trong mỗi chén nước dùng, ngoài xíu mại, chủ quán có thể thêm chả lụa, da heo, hành lá… trông vừa bắt mắt vừa ngon miệng.
Trong cái tiết trời se lạnh của Đà Lạt, nếu được ngồi cùng bạn bè thưởng thức chén bánh mì xíu mại nóng bỏng tay, cay cay cùng cốc sữa đậu nành thì còn gì bằng.
Những chén xíu mại thơm ngon được giới trẻ Đà Lạt yêu thích (Ảnh: Trương Hoài Nam)
Nhiều cư dân mạng chia sẻ: “Nhìn thôi mà không cưỡng nổi. Nhớ Đà Lạt, thèm xíu mại” (Ảnh: Trương Hoài Nam)
Bánh căn
Vốn là loại bánh có nguồn gốc từ miền Trung, nhưng khi về tới Đà Lạt, bánh căn đã được người dân nơi đây cải biên thành một món ăn riêng mang đặc trưng ẩm thực Đà Lạt.
Nguyên liệu chính của bánh căn là từ gạo. Nhưng để có chiếc bánh thơm, giòn, khâu chế biến gạo rất kì công.
Bột gạo của bánh được pha chế theo công thức đặc biệt. Thường thì gạo được ngâm nước, sau đó được xay mịn cùng ít cơm khô tạo thành bột; bột được đổ lên khuôn đất hình tròn và nướng trực tiếp trên lò than hồng.
Món bánh căn trở nên vô cùng đa dạng khi được người dân nơi đây sáng tạo kết hợp nhiều loại nhân khác nhau: trứng gà ta, trứng cút, bò bằm, trứng vịt, hải sản…
Bánh căn có thể được ăn cùng nước xíu mại hoặc nước chấm pha từ nước mắm với mỡ hành, sa tế rất khéo của dân địa phương (Ảnh: Didalat.com)
Bánh chín có vỏ mềm và xốp. Ngồi đợi chiếc bánh căn nóng hổi, thưởng thức chúng trong thời tiết se lạnh đầu mùa kèm theo nước chấm “đặc trưng” là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ của thực khách.
Bánh căn trứng cút lòng đào (Ảnh: Ticotravel.vn)
Bánh căn topping tôm, trứng, mực và cả pate (Ảnh: Ticotravel)
Lẩu bò ba toa
Có lẽ nhiều người thắc mắc về ý nghĩa của cái tên “lẩu bò Ba Toa” – món ăn mà bạn trẻ nào tới Đà Lạt cũng nhắn nhủ nhau nếm thử. Thực chất, Ba Toa là tên phiên âm từ tiếng Pháp. Tên gọi này có nguồn gốc từ chữ “abattoir” (a-ba-toa, tức lò mổ).
Thời Pháp thuộc, khu vực này từng có lò mổ gia súc nên mới có tên gọi đó. Sau năm 1975, một vài quán lẩu bò bình dân mọc lên và từ từ phát triển, nổi tiếng cho đến ngày nay.
Khu Ba Toa (Hoàng Diệu, phường 5, TP Đà Lạt) có hàng chục quán lẩu bò cùng lấy tên Ba Toa. Thời điểm chưa có dịch Covid-19, giờ ăn tối, khu vực này đông kẹt xe.
Học hỏi cách chế biến từ Pháp, những đầu bếp đã nướng xương bò cho thơm, sau đó cho vào nồi ninh liên tục. Những miếng bò vừa dày vừa to, ăn vào miếng nào là chất lượng miếng ấy. Với những ai yêu thích thịt bò thì đây là lựa chọn số 1 những ngày đông lạnh giá. Nồi lẩu với đầy ắp topping từ bò tươi ngon: thịt bò, gân, nạm bò, đuôi…
Hương vị đậm đà đặc trưng cùng hương thơm nghi ngút, khi ăn thêm chút vị cay, vị ngọt thanh từ thịt và các loại rau xanh Đà Lạt, ăn một lần là nhớ mãi.
Hương vị đặc trưng của lẩu bò ba toa khiến thực khách thương nhớ mãi (Ảnh: Vivian Huang)
Lẩu gà lá é
Lẩu gà lá é là một trong những món ăn rất hấp dẫn người dân bản địa và cả du khách khi thời tiết se lạnh tại Đà Lạt. Hương vị chua chua cùng mùi thơm của lá é hòa quyện thêm một số nguyên liệu như: ớt, chanh, sả, vừng,… thưởng thức vào ngày tiết trời lành lạnh quả thực rất tuyệt.
Lá é – tên gọi khác của một loại rau thơm phổ biến vùng Nam Trung Bộ và vùng phố núi Tây Nguyên. Loại lá này khi được kết hợp chế biến với rất nhiều loại nguyên liệu, thực phẩm khác nhau nhưng khi được kết hợp cùng thịt gà thì vị của nó sẽ trở nên tuyệt hảo hơn bao giờ hết.
Hòa quyện cùng nước dùng và gia vị địa phương, lẩu gà lá é Đà Lạt hấp dẫn thực khách hơn bao giờ hết. (Ảnh: Lẩu gà lá é Tao Ngộ)
Sữa đậu nành
Được mệnh danh là thức uống đặc sản Đà Lạt nên ở bất cứ đâu trong thành phố này, mỗi góc chợ, góc phố, quán vỉa hè đến quán ăn sang chảnh đều có trong menu món sữa đậu nành.
Một quán sữa đậu nành đặc trưng ở Đà Lạt (Nguồn: tourdalat.biz)
Người Đà Lạt uống sữa đậu nành cũng khá khác biệt, có thể uống riêng hay pha kèm sữa bò, sữa đậu phụng, đậu xanh và đôi khi dùng kèm với một vài chiếc bánh ngọt…
Trời Đà Lạt càng về đêm càng lạnh, những quán sữa đậu nành Đà Lạt càng đông. Cảnh các nhóm bạn trẻ ngồi quanh gánh sữa đậu nành đã trở thành nét độc đáo rất riêng của phố núi.
Góc phố ‘đậu nành’ (Nguồn: tourdalat.biz)
1 ly đậu nành kèm một chiếc bánh ngọt là món ăn không thể thiếu của giới trẻ trong đêm đông Đà Lạt (Nguồn: tourdalat.biz)
Ánh Tuyết(Tổng hợp)