Nhận biết người lạ “an toàn” & người xấu. (Ảnh: Internet)

Hạn chế cho con ra ngoài, không tiếp xúc với nhiều người khiến trẻ rụt rè và khó phát triển khả năng giao tiếp. Vậy nếu không thể ngăn con gặp “người lạ”, ba mẹ cần trang bị ngay bí kíp dạy trẻ kỹ năng giao tiếp với người lạ an toàn & tự tin trong mọi tình huống dưới đây!

Cách nhận biết người lạ “nguy hiểm”

Không phải tất cả người lạ con gặp đều xấu, ba mẹ cần dạy trẻ cách nhận biết người có ý đồ không tốt thông qua một số điểm như: Trang phục, hành vi, lời nói và quang cảnh nơi người đó tiếp cận với con. Cụ thể:

Nhận biết người lạ “an toàn” & người xấu. (Ảnh: Internet)

Cách giao tiếp với người lạ là người lớn

Trong trường hợp con cần ra ngoài một mình, trên đường gặp người lạ tiếp cận, ba mẹ nên dạy trẻ các quy tắc giao tiếp khi gặp những người này như sau:

Luôn giữ thái độ tôn trọng với người lớn

Dựa vào các dấu hiệu nêu trên, con có thể dự đoán “người lạ” đó là tốt hay xấu. Có thể không đúng 100% nhưng con cần giữ thái độ tôn trọng vì đó là người lớn tuổi hơn. Đây là nguyên tắc giao tiếp quan trọng mà bé nào cũng cần rèn luyện khi bắt đầu có nhận thức.

Duy trì khoảng cách an toàn

Giữ thái độ tôn trọng là đúng nhưng không có nghĩa là con cần gần gũi với họ. Hãy dặn con giữ khoảng cách an toàn với đối phương, tốt nhất là trong khoảng 2 – 2.5m. Nếu người lạ có ý định tiến lại gần con, hãy chủ động lùi lại nhanh chóng. Trường hợp đối phương cố tình tiến sát liên tục, hãy dặn con bỏ chạy ngay lập tức và có thể kết hợp la lớn để gây sự chú ý của những người xung quanh.

Giữ khoảng cách an toàn với người lạ. (Ảnh: Internet)

Cử chỉ đúng mực – Lời nói vừa đủ

Hãy dặn trẻ không nên bắt chuyện trước mà hãy để “người lạ” mở đầu. Thông qua câu nói của đối phương, trẻ có thể dự đoán được họ có ý đồ xấu hay không. Những người xấu thường đặt câu hỏi tỏ vẻ quan tâm, thăm dò như: Khi nào ba mẹ cháu về, nhà cháu có gần đây không, cháu đi cùng ai thế,… Ba mẹ có thể dạy con cách trả lời lảng tránh, không cần nói thật nhưng nên trả lời lịch sự và vừa đủ.

Trái lại, những người lạ an toàn đang làm nhiệm vụ thì họ có thể hỏi trẻ những câu như: Sao cháu lại đi 1 mình? Cháu không thấy bố mẹ à?,… với mục đích hỏi thăm vì thấy trẻ chỉ đi 1 mình mà không người lớn.

Cần cư xử đúng mực nếu đó là người lạ an toàn. (Ảnh: Internet)

Cách xử lý tình huống nguy hiểm

Ba mẹ cần hướng dẫn con xử trí trong một số tình huống sau đây:

  • Nếu nhận thấy hành động nguy hiểm, thái độ quá thân thiết từ người lạ, con nên tìm cách né tránh như: đứng ra xa, tìm kiếm sự trợ giúp của người an toàn xung quanh, hét lớn để chống cự,…

  • Nếu người lạ cố gắng tiến sát, ôm vai cầm tay thì con nên giữ bình tĩnh, chờ khi họ buông lỏng thì tìm cách bỏ chạy và la lớn để gây sự chú ý. Nếu có chú công an hay bác bảo vệ gần đó, hãy chạy lại và nói rằng con đang gặp nguy hiểm.

  • Trường hợp gặp người lạ ở nơi vắng người, con nên cố gắng vừa nói chuyện vừa quan sát xem có cửa hàng nào gần đó không. Sau đó, tìm cách lảng tránh và đi về phía có cửa hàng đó và đề nghị cô thu ngân trợ giúp.

Cẩn thận giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội

Ở độ tuổi thiếu niên, con không chỉ gặp người lạ ở ngoài mà còn dễ gặp họ trên mạng xã hội. Hầu hết các bạn học sinh hiện nay đều đã sử dụng điện thoại riêng, có thói quen lướt Internet, trò chuyện trên các MXH, vì vậy phụ huynh cần hướng dẫn con trước khi cho phép chúng sử dụng.

Cẩn thận giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội. (Ảnh: Internet)

Không tùy tiện gửi ảnh, video, thông tin cá nhân 

Với người lạ chưa từng gặp mặt, con không nên cung cấp thông tin cá nhân ngay khi được yêu cầu mà hãy biết cách từ chối. Tương tự, cũng không nên gửi ảnh cá nhân, video bất kể nội dung gì cho người lạ vì việc gửi tập tin có thể là cơ hội để đối phương tra được nơi ở, thông tin và cố làm hại con.

Không trò chuyện vấn đề nhạy cảm

Đây là vấn đề quan trọng với cả bạn nam và nữ nhưng thông thường các bé gái có nguy cơ bị lợi dụng nhiều hơn. Do đó, ba mẹ hãy dặn con cảnh giác khi được người lạ hỏi thăm vấn đề nhạy cảm, đồng thời dạy con cách trả lời né tránh để đối phương từ bỏ ý định xấu.

Từ chối trò chuyện với người có ý định xấu 

Các dấu hiệu lời nói nêu trên có thể áp dụng trong trường hợp này để con nhận biết người lạ có mục đích xấu hay không. Nếu nhận thấy điều này, hãy tìm cách từ chối nói chuyện hoặc hủy kết bạn. Trường hợp bị đe dọa, hãy nhờ đến sự trợ giúp của ba mẹ.

Hướng dẫn con ứng phó trong các tình huống gặp người lạ

Không phải lúc nào con cũng có thể né tránh những người xấu nếu như họ đã có ý định cố tình tiếp cận, hành động dồn dập và lời nói ngon ngọt. Vì thế, ba mẹ nên kết hợp hướng dẫn con ứng phó an toàn trong những tình huống quen thuộc dưới đây:

Được tặng nhận quà

Đây là phương thức tiếp cận mà hầu hết người xấu đều thực hiện, những món quà như bánh kẹo, đồ chơi đều làm các con thích thú, khiến con không để ý người lạ chuẩn bị có hành vi xấu. 

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, ba mẹ cần dạy con cách từ chối nhận quà khéo léo rằng “ Bố mẹ cháu không cho phép cháu nhận đồ từ người không quen biết”. Nếu họ cố tình bám theo, hãy hô to và nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh.

Dặn trẻ không nhận đồ từ người lạ. (Ảnh: Internet)

Bị lạc đường

Khi trẻ đi lạc, con có tâm lý sợ hãi, khóc lóc và thường chạy lung tung để tìm ba mẹ. Vì vậy, hãy dặn trẻ nếu chẳng may không thấy người thân, con hãy bình tĩnh và đi tìm chú công an để nhờ trợ giúp. Nếu gần đó có cửa hàng hay siêu thị, con hãy đi đến đó và báo với bác bảo vệ hoặc các cô thu ngân rằng con bị lạc bố mẹ và cần cô chú tìm giúp. 

Trong lúc tìm sự trợ giúp, nếu con gặp người lạ đề nghị tìm đường về nhà hoặc đi đến chỗ ba mẹ đang chờ thì con tuyệt đối không đi theo. Hãy đứng chờ hoặc tìm sự trợ giúp như cách đã nói trên.

Dạy con cách tìm trợ giúp khi lạc đường. (Ảnh: Internet)

Có người đến đón thay bố mẹ tại trường

Đây cũng là một tình huống thường gặp ở các trường mẫu giáo và tiểu học. Bạn cần dặn trẻ nếu có người lạ tự xưng là người quen, là đồng nghiệp hoặc anh em họ hàng đến đón giúp thì không được đi theo người đó. Trong tình huống này, trẻ cần giữ khoảng cách an toàn và tìm cách báo với cô giáo, nhờ cô gọi điện cho ba mẹ để xác nhận.

Trẻ không được đi theo người “mạo danh” bố mẹ đến đón tại trường. (Ảnh: Internet)

Người xấu có ý định tổn hại thân thể

Ba mẹ cần giúp con nhận thức về quyền không được xâm hại cơ thể. Hãy chỉ cho con những bộ phận không được chạm vào khi chưa cho phép, trừ bố mẹ lúc tắm rửa, làm vệ sinh hoặc đi bác sĩ khám bệnh. 

Khi trẻ ngoài, ba mẹ nên cho con mặc đầy đủ quần áo, không nên vì con quá nhỏ mà để con ở truồng. Đặc biệt, bạn không nên tạo thói quen cho trẻ đi vệ sinh ngoài đường vì điều này rất dễ tạo cơ hội cho kẻ xấu để ý và có ý định làm hại trẻ.

Trong trường hợp gặp người xấu có ý định đụng chạm cơ thể, các con nên bình tĩnh và tìm cách thoát thân. Khi đối phương thả lỏng, hãy bỏ chạy ngay và tìm đến những người an toàn để được giúp đỡ.

Hướng dẫn con ứng phó khi người xấu định đụng chạm cơ thể. (Ảnh: Internet)

Lưu ý dạy trẻ kỹ năng giao tiếp với người lạ

Song song với việc giáo dục kỹ năng giao tiếp, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về những tình huống nguy hiểm, giúp con nhận thức về quyền lợi bảo vệ bản thân và tuyệt đối không ngăn cấm trẻ ra ngoài. Đây là những lưu ý quan trọng để ba mẹ dạy trẻ giao tiếp hiệu quả, giúp con tự tin và có thể tự bảo vệ bản thân.

Trò chuyện tương tác với con thường xuyên 

Là ba mẹ, hãy cố gắng trò chuyện và lắng nghe để hiểu tâm tư, cảm xúc của con. Bạn có thể xác định được những vấn đề bé gặp phải và giúp con tìm cách giải quyết. Điều này không chỉ gắn kết tình cảm gia đình mà còn giúp con có niềm tin tuyệt đối với ba mẹ của mình.

Trò chuyện về những tình huống xấu với con thường xuyên. (Ảnh: Internet)

Kết hợp dạy con nhiều kỹ năng khác

Để kỹ năng giao tiếp phát triển tốt, bạn nên trang bị thêm các kỹ năng sống khác như kỹ năng tự vệ, chăm sóc bản thân, bày tỏ cảm xúc & ý kiến,… để con dễ dàng trò chuyện với người tốt cũng như ứng phó với kẻ xấu.

Hạn chế ngăn cấm mà hãy giúp trẻ hiểu & nhận thức đúng

Ngăn cấm nghe có vẻ an toàn nhưng liệu ba mẹ có thể ở cạnh trông chừng con 24/24? Hay nếu con gặp nguy hiểm ba mẹ có đến kịp thời để bảo vệ bé? Vì vậy, thay vì ngăn cấm hãy giúp con nhận thức về người lạ an toàn, người lạ xấu bằng cách cho con tiếp xúc với nhiều tình huống thực tế, hướng dẫn con cách ứng xử và bảo vệ mình. 

Giúp trẻ nhận thức đúng về tình huống nguy hiểm. (Ảnh: Internet)

Dạy con qua tình huống giả định

Nếu ba mẹ bận rộn, ít có thời gian cho con ra ngoài, hãy cố gắng dạy trẻ với những tình huống giả định. Đơn giản nhất là chơi trò chơi hỏi – đáp, bạn đưa ra tình huống và bé sẽ trả lời cách ứng xử. Luyện tập nhiều lần với trò chơi này sẽ giúp con hình thành tư duy ứng phó khi gặp người lạ.

Giúp con tự tin quyết đoán hơn 

Trong bất kỳ tình huống gặp người lạ nào, nếu con ứng xử tốt, bạn nên dành cho con những lời khích lệ. Điều này tuy đơn giản nhưng sẽ là động lực để trẻ tự tin giao tiếp hơn, biết bình tĩnh và tìm cách xử lý trong mọi tình huống.

Tôn trọng quyền riêng tư và không ép buộc trẻ tham gia giao tiếp

Chủ động tạo cơ hội để con được trò chuyện với người lạ, xử lý tình huống là tốt nhưng nếu con từ chối vì cảm thấy không an toàn, bạn không ép con tham gia. Thay vào đó, hãy giải thích cho trẻ hiểu đó là tình huống an toàn và con nên nói chuyện lịch sự, giữ thái độ tôn trọng và thân thiện khi đó.

Không ép trẻ nói chuyện với người lớn kể cả đó là người an toàn. (Ảnh: Internet)

Định rõ nguyên tắc an toàn và giúp trẻ hiểu và nhớ những nguyên tắc này

Hãy giúp con nhận thức rõ những nguyên tắc an toàn khi giao tiếp với người lạ như: Sử dụng lời nói quyết đoán, trả lời vừa đủ, luôn giữ tâm trạng bình tĩnh, xác định khoảng cách an toàn, sẵn sàng hô lớn hoặc chạy thoát khi nhận thấy dấu hiệu xấu,… Có như vậy, trẻ sẽ hình thành kỹ năng tự vệ cho bản thân và tự tin ứng phó trong mọi hoàn cảnh.

Một số cách bảo vệ con an toàn trước người lạ

Không thể khẳng định ba mẹ có thể bảo vệ con 24/24 hoặc sẽ kịp thời có mặt bảo vệ con khi gặp người xấu, vì vậy hãy giúp con ghi nhớ thông tin và thực hiện 1 số việc hữu ích như ghi số điện thoại,… để bảo vệ con an toàn khi đi một mình.

Dạy con ghi nhớ thông tin hữu ích

Với những bé đã có khả năng ghi nhớ thông tin, hãy dạy con ghi nhớ số điện thoại cá nhân của ba mẹ, người thân hoặc địa chỉ nhà. Nếu gia đình ở riêng, hãy cung cấp thêm địa chỉ và số điện thoại của ông bà, cô chú, bác nếu họ ở gần.

Ghi tên số điện thoại người lớn lên cặp của con

Thông thường, các bé mẫu giáo chưa thể nhớ được thông tin của ba mẹ, vì vậy hãy chủ động ghi số điện thoại người lớn và địa chỉ nhà lên balo của con. Nếu sợ bị chú ý, bạn có thể ghi vào phía trong, nơi dễ quan sát nhất ngay khi mở cặp để những người con nhờ trợ giúp dễ dàng liên hệ.

Dạy trẻ nhớ thông tin hoặc ghi lên cặp sách của con. (Ảnh: Internet)

Không dùng “người lạ” dọa nạt con khi mắc lỗi

Cuối cùng, đây là thói quen không tốt của rất nhiều cha mẹ và nó cần được loại bỏ ngay. Nếu bạn thường xuyên nói với con những câu như: “Ăn đi không bác/ông này bắt đấy”, “Không được chạy ra chỗ kia, bác này bắt cóc”,… sẽ khiến con có ấn tượng xấu với tất cả mọi người, thậm chí trẻ không phân biệt được đâu là người lạ tốt, người lạ xấu để ứng phó kịp thời.

Có thể thấy, dạy trẻ kỹ năng giao tiếp với người lạ không dễ dàng, nhất là đối với trẻ chưa có khả năng tự vệ. Vì vậy, ba mẹ nên dạy con giao tiếp lịch sự và đối phó an toàn từ sớm để hình thành tư duy ứng phó khi gặp người lạ trong bất kỳ tình huống nào. Ba mẹ hãy tiếp tục theo dõi Blog Kỹ năng sống để cập nhật thêm nhiều kiến thức & phương pháp dạy kỹ năng giúp con trưởng thành, bảo vệ an toàn cho bản thân!

Nguồn: Tổng hợp Internet

Bài viết có hữu ích?