Ở độ tuổi lên 6, trẻ đã có những nhận thức về thế giới xung quanh. Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ càng sớm càng tốt giúp con có những kỹ năng để có thể tự chủ động, tự tin trong giao tiếp. Cha mẹ cần dạy kỹ năng sống cho bé 6 tuổi như thế nào để con có thể có được nhiều kiến thức hơn.
Kỹ năng giao tiếp giúp trẻ tự tin
5 tuổi trẻ đã có khả năng nói chuyện trao đổi khá tốt, bé cũng thích ca hát và kể chuyện. Cha mẹ cần dạy cho bé kỹ năng giao tiếp để bé có thể cư xử một cách khéo léo, giúp mọi người đều vui vẻ, hài lòng. Bé cần được học cách nói chuyện một cách rõ ràng mạch lạc, nói chậm rãi, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ.
Dạy bé luôn nhớ luôn chủ động chào hỏi mọi người, với người lớn tuổi cần ngoan ngoãn, lễ phép, với bạn bè cần sự lịch sự, chân thành. Con nên nói chuyện với âm lượng vừa phải, đủ nghe, không hét to hay vừa cười vừa nói gây bất lịch sự.
Phép lịch sự biết xin lỗi, cảm ơn là những điều vô cùng quan trọng trong giao tiếp ứng xử. Khi được người khác giúp đỡ hay nhận quà từ người khác con cần nói ra lời cảm ơn để bày tỏ lòng biết ơn với họ. Và khi mắc lỗi sai, con nên dũng cảm nói ra lời xin lỗi để được người khác tha thứ, ai cũng có thể mắc sai lầm, tuy nhiên cách mà người đó đối diện ra sao mới là điều quan trọng nhất.
Sự tôn trọng và thái độ chân thành khi giao tiếp với người khác cũng là điều con cần học hỏi trong giao tiếp. Luôn chú ý lắng nghe ý kiến của người khác, không xen ngang hay cắt lời, chỉ đưa ra lời phản biện sau khi người khác đã nói xong.
Những kỹ năng này sẽ đồng hành cùng bé trong suốt một chặng đường dài, cư xử khéo léo chuẩn mực sẽ giúp bé được mọi người tôn trọng, yêu mến, có được nhiều mối quan hệ tốt và là bước đệm trên con đường thành công ở tương lai.
Ghi nhớ thông tin liên lạc của cha mẹ phòng khi đi lạc
Một kỹ năng quan trọng không kém cha mẹ nên dạy cho các bé 5 tuổi chính là kỹ năng ghi nhớ thông tin. Để phòng trường hợp bé đi lạc hay bị bắt cóc, cha mẹ cần dạy cho bé ghi nhớ thông tin địa chỉ của gia đình, họ tên cha mẹ, của chính bé và số điện thoại cha mẹ. Bé còn nhỏ rất hiếu động, luôn tò mò với thế giới bên ngoài và không nhận thức được sự nguy hiểm xung quanh. Vì thế cha mẹ cần dạy cho con nắm chắc và ghi nhớ những thông tin này để bé có thể được giúp đỡ khi cần thiết.
Nếu trẻ không may đi lạc sẽ dễ dàng cho việc tìm kiếm hơn, đảm bảo sự an toàn cho bé. Cha mẹ có thể ghi thông tin liên lạc của gia đình cho vào balo của bé, dặn bé lấy ra khi cần sự giúp đỡ để cha mẹ có thể tìm đến sớm nhất có thể.
Kỹ năng tự bảo đảm an toàn khi ở nhà một mình
Với bé 5 tuổi cha mẹ cũng rất hiếm khi để bé ở nhà một mình tuy nhiên trong một số trường hợp bắt buộc bé vẫn phải ở nhà mà không có cha mẹ kề bên. Kỹ năng cần dạy cho bé đó là cách tự lo cho mình ở nhà, tuyệt đối không mở cửa cho người lạ cho dù họ nói bất kì điều gì.
Có rất nhiều đối tượng nguy hiểm giả làm đối tượng thân quen của gia đình để dụ bé cho vào nhà hay đưa quà, bánh kẹo cho bé. Nếu bé mở cửa sẽ có rất nhiều nguy hiểm xảy ra mà cha mẹ không thể lường trước được.
Luôn dặn bé chỉ mở cửa cho ba mẹ, ông bà, anh chị em và những người ruột thịt thân thiết. Tuyệt đối không mở cửa cho người lạ dù họ có nói như thế nào. Có thể dạy cho bé bằng cách đóng vai nhân vật để xem cách phản ứng của con, cho bé xem những bài học, những video clip nói về tác hại khi cho người lạ mặt vào nhà để bé nhớ tốt hơn.
Phòng chống bị xâm hại thân thể
Bất kể bé trai hay bé gái cũng cần được học cách phòng vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại. Vấn nạn này đang khiến cha mẹ rất lo lắng bởi chúng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ nhỏ. Con cần học cách phân biệt các bộ phận trên cơ thể, không đụng chạm bạn khác giới cũng không cho người lạ chạm vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể.
Nếu cảm thấy nguy hiểm hãy hét thật lớn, chạy ra chỗ đông người để tìm sự giúp đỡ, tuyệt đối không được sợ hãi hay nín nhịn. Con cần cảnh báo người xấu bằng lời nói, bày tỏ thái độ khó chịu và bỏ chạy khi cần thiết để đảm bảo an toàn. Và báo ngay với người nhà khi có dấu hiệu bị xâm hại như đụng chạm cơ thể, cho xem những hình ảnh đồi trụy.
Dạy trẻ cách cư xử khi gặp người lạ mặt
Khi gặp người lạ con vẫn nên giữ phép lịch sự cơ bản, trả lời đúng mực trong giao tiếp. Tuy nhiên dạy con cần giữ khoảng cách tối thiểu là 2m, không nên tự ý đi theo người lạ hay nhận bất kỳ món đồ nào. Trẻ nhỏ rất dễ bị thu hút bởi các món đồ chơi, các loại bánh kẹo, và dễ nhận của người lạ do thích thú. Đây là điểm yếu của trẻ khiến trẻ dễ bị người xấu dụ dỗ, lôi kéo.
Dạy cho bé cách từ chối người lạ, không đi theo họ dù bất cứ lý do nào. Chỉ cần trao đổi một chút thông tin rồi chủ động rời đi. Nên ra chỗ đông người để tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết và có thể nhờ sự giúp đỡ từ đám đông nếu con cảm thấy nguy hiểm.
Xử lý các tình huống bất ngờ
Đối với các tình huống bất ngờ, cha mẹ nên chỉ cho con cách giữ bình tĩnh, nếu tự xử lý được con có thể xử lý nhanh chóng mà không cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Với những việc trẻ bị vượt quá khả năng, hãy chỉ cho con cách tìm kiếm sự giúp đỡ của người lớn, nó một cách rõ ràng, mạch lạc để người khác hiểu ra vấn đề để có thể giúp đỡ cho con.
Xem thêm: Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ lớp 4: 7 điều cha mẹ không nên bỏ qua
Tư duy phản biện bảo vệ ý kiến cá nhân
Kỹ năng phản biện rất cần cho các bé, ở tuổi này bé hoàn toàn có những ý kiến cá nhân riêng, cha mẹ nên dạy cho con cách bày tỏ những quan điểm riêng của mình. Khi không cùng quan điểm với người khác con cần học cách lắng nghe đầy đủ, sau đó nói ra ý kiến của mình một cách đầy đủ, rõ ràng. Hãy dạy con cách thể hiện ý kiến, quan điểm bản thân sao cho phù hợp.
Dù là bất đồng quan điểm con vẫn nên thể hiện thái độ tôn trọng người khác, không được cắt lời, sau đó đưa ra sự phản biện với thông tin hoàn toàn chính xác. Sử dụng từ ngữ, ngữ điệu và cử chỉ để tăng sức thuyết phục.
Dạy trẻ kỹ năng biểu đạt cảm xúc
Giao tiếp sẽ thành công hơn nếu như con đặt thêm cảm xúc của mình vào và biểu đạt nó một cách rõ ràng. Các biểu hiện của ánh mắt, khuôn mặt hay ngôn ngữ hình thể sẽ giúp câu chuyện bé nói trở nên có cảm xúc và thu hút hơn.
Bé có thể thể hiện sự yêu mến với với mọi người bằng nụ cười, bằng những cái ôm gắn kết. Hay thể hiện sự lo lắng và buồn qua ánh mắt, biểu cảm gương mặt. Tuy nhiên con không nên thể hiện cảm xúc một cách thái quá, không cười nó, la hét quá to khi phấn khích, đặc biệt là ở những nơi đông người.
Dạy trẻ cách phân biệt đúng sai
Ngày nay có rất nhiều phương tiện thông tin truyền thông khiến việc bé tiếp cận các thông tin một cách dễ dàng. Tuy nhiên đây cũng là mối lo ngại của cha mẹ do có rất nhiều thông tin chưa được qua kiểm duyệt, rất dễ ảnh hưởng đến trẻ. Cha mẹ cần dạy cho bé cách phân biệt các thông tin đúng sai để con có thể ghi nhớ và thực hiện đúng nhất.
Dành thời gian cho con và dạy con những điều con điều hay lẽ phải, chỉ cho con như nào là đúng, như nào là sai. Có thể đặt ra các tình huống và đặt câu hỏi để con có thể trả lời sau đó giải thích lại cho con hiểu.
Cũng không nên quá chiều con mà bỏ qua cho con các việc con làm sai, cần có thái độ nghiêm khắc khi trẻ làm sai, chỉ cho con cách khắc phục và làm thế nào cho đúng để bé ghi nhớ và không mắc lại lỗi.
Cách sử dụng đồ đạc trong nhà
Trẻ 5 tuổi đã có thể sử dụng một số đồ đạc trong nhà. Dạy bé cách sử dụng quạt, điều hòa, tivi, tủ lạnh để bé có thể tự dùng khi không có người lớn. Tuy nhiên cũng cần dạy cho bé cách sử dụng các thiết bị điện này một cách an toàn, không cho tay vào ổ điện, cánh quạt đang quay, điều này sẽ rất nguy hiểm.
Chỉ cho con không nghịch các vật sắc nhọn như dao kéo, hay tránh xa bếp núc tránh nguy cơ bị bỏng. Nếu các thiết bị này không hoạt động hãy nhờ sự giúp đỡ của người lớn, không tự ý sửa chữa để phòng tai nạn không đáng có.
Dạy trẻ nếp sống sạch sẽ
Thói quen sống gọn gàng, ngăn nắp cũng cần dạy cho bé ngay từ khi còn nhỏ. Dạy con tự xếp đồ chơi sau khi chơi xong, để đồ vật đúng nơi quy định, lau dọn nhà cửa và gấp gọn quần áo. Cách sống này giúp con trở thành người có quy củ, sống ngăn nắp, sạch sẽ.
Dạy trẻ vứt rác đúng nơi quy định, không bày bừa ở bất kì đâu, dùng khăn lau sạch các đồ vật nếu bị dây bẩn và luôn giữ cơ thể sạch sẽ, không nghịch bẩn. Hãy dạy cho bé cách tự tắm gội và thay đồ, có thói quen rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Có thể kể cho bé biết sự xuất hiện của vi khuẩn và bụi bẩn rất có hại cho sức khỏe, việc đảm bảo an toàn sạch sẽ là điều bé đặc biệt cần lưu tâm.
Học bơi lội đề phòng đuối nước
Kỹ năng bơi lội và cách phòng chống đuối nước vô cùng quan trọng ở bất kỳ độ tuổi nào. Cho trẻ tham gia các khóa học bơi để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân và tránh nguy cơ bị mất an toàn dưới nước. Không chỉ trẻ em ở khu vực sông nước mà trẻ em thành phố cũng cần học được kỹ năng này. Con có thể tự bảo vệ bản thân thậm chí là cứu người nếu cần thiết.
An toàn khi tham gia giao thông
Tham gia giao thông một cách an toàn cũng là kỹ năng vô cùng cần thiết cho trẻ. Dạy trẻ đi đúng phần đường cho người đi bộ, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, không chen lấn, xô đẩy. Khi sử dụng các phương tiện giao thông bé cần ngồi ngoan, giữ an toàn, không đưa tay ngoài, hay cho đầu ra ngoài cửa kính.
Cho bé xem các video hướng dẫn về an toàn giao thông để bé có thể nhận biết được sự nguy hiểm nếu không tham gia giao thông đúng cách. Cho con chơi các trò chơi về nhận biết đèn tín hiệu để có thể ghi nhớ, giúp bé có thể vừa học vừa chơi.
Dạy bé cách quản lý chi tiêu
Giáo dục bé cách quản lý chi tiêu, dạy bé cách tiết kiệm tiền ngay từ sớm để bé biết quý trọng đồng tiền. Có thể thưởng tiền cho bé khi nhờ bé làm việc để bé biết rằng kiếm tiền không hề dễ. Có thể chỉ cho bé cách tiết kiệm tiền bằng cách nuôi lợn đất, số tiền tiết kiệm này con có thể dùng để mua đồ dùng học tập, mua quà tặng hay dành tiền để ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Giáo dục giới tính cho trẻ 6 tuổi
Giáo dục giới tính cho trẻ ở độ tuổi 6 vô cùng quan trọng bởi đây là thời điểm bé bước vào giai đoạn tâm lý tính dục đặc biệt hay còn gọi là thời kỳ nụ hoa tính dục. Bé cần nhận biết đúng giới tính của mình và cư xử sao cho phù hợp.
Hãy dạy cho bé cách hành xử phù hợp với giới tính của mình, con trai nên lịch thiệp, tôn trọng các bạn nữ, con gái có thể điệu đà và nên dịu dàng. Cho bé tham gia các trò chơi phù hợp và làm các việc phù hợp với nhóm giới tính của mình để bé hiểu hơn và phân biệt được những điều nào dành cho con trai và những điều nào dành cho con gái. Tuy nhiên cha mẹ cũng không nên quá ép buộc bé, hãy để bé thể hiện cá tính riêng của mình.
Dạy kỹ năng sống cho bé 6 tuổi từ sớm giúp bé học được cách tự chăm sóc bản thân, tự lập và trưởng thành sớm hơn. Đây là một trong những bài học đầu đời vô cùng quan trọng giúp con có thể làm chủ bản thân, đồng hành cùng con đến khi trưởng thành. Hãy dành thời gian bên con, kiên nhẫn chỉ dạy và chính cha mẹ là một tấm gương sáng để con có thể học tập và noi theo.
Nguồn: Tổng hợp Internet