Bắt đầu từ dịp Quốc khánh 2/9/2023, Trụ sở Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân TP.HCM sẽ mở cửa đón du khách và sau đó sẽ mở định kỳ vào hai ngày cuối tuần của cuối tháng. Đây là chương trình tham quan không thu phí.
Sở Du lịch TP.HCM vừa có thông báo về Chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân dân TP.HCM vào ngày Quốc khánh 2/9 tới đây.
Theo kế hoạch, bắt đầu trong dịp Quốc khánh 2/9/2023 Trụ sở Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân thành phố sẽ mở cửa đón khách đến tham quan và tiếp sau đó sẽ mở định kỳ vào hai ngày cuối tuần của cuối tháng.
Cụ thể chương trình tham quan Trụ sở Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân TP.HCM đến cuối năm 2023 sẽ được tổ chức 5 đợt tham quan như sau:
-Dịp lễ Quốc khánh 2/9/2023: thứ Sáu (ngày 1/9) và thứ Bảy (ngày 2/9)
-Tháng 9: Thứ Bảy (ngày 30/9) và Chủ nhật (ngày 1/10)
-Tháng 10: Thứ Bảy (ngày 28/10) và Chủ nhật (ngày 29/10)
-Tháng 11: Thứ Bảy (ngày 25/11) và Chủ nhật (ngày 26/11)
-Tháng 12: Thứ Bảy (ngày 30/12) và Chủ nhật (ngày 31/12)
Về lộ trình tham quan: Mỗi đoàn khách gồm 30 người tham quan Trụ sở trong khoảng thời gian 60 phút, theo lộ trình như sau:
-Tại tầng trệt: Du khách được giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển và phong cách kiến trúc của Trụ sở Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố; các thiết kế điểm nhấn của khu vực sảnh và phòng tiếp khách quốc tế số 1.
Du khách di chuyển theo cầu thang chính lên tầng một tham quan các phòng tiếp khách quốc tế và bản đồ TP.HCM được chế tác từ thời Pháp. Tại sảnh chính tầng một: du khách tham quan sảnh chính với ban công nhìn ra đường Nguyễn Huệ và công viên Bạch Đằng; du khách tham quan phòng họp số 5, sau đó di chuyển theo lối ra cổng chính ghi cảm tưởng hoặc tham quan khu trưng bày giới thiệu quà lưu niệm du lịch.
Các quy định cần biết khi tham quan Trụ sở Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân TP.HCM
Người dân và du khách cần tuân thủ các hướng dẫn sau trong quá trình tham quan:
-Phải đăng ký trước để vào tham quan. Có mặt tại địa điểm tham quan trước 15 phút so với khung giờ tham quan đã đăng kí để làm thủ tục an ninh. Khi tham quan vui lòng mang theo Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu để đối chiếu thông tin.
-Quý khách không mang theo hành lý, túi xách, ba lô, giỏ xách, máy ảnh, máy quay phim, vũ khí, chất độc, chất cấm, chất dễ cháy/nổ vào trong khu vực tham quan. Ban Tổ chức không nhận giữ vật dụng cá nhân.
-Quý khách không hút thuốc; không viết hoặc vẽ lên tường Di tích. Không ghi âm, không quay phim, không phát hình trực tiếp (livestream) tại các khu vực không được phép tham quan. Không được phép tổ chức các hoạt động khác ngoài hoạt động tham quan.
–Trang phục lịch sự (không mặc quần ngắn, không mặc áo không tay); mang giày hoặc dép có quai hậu.
-Tham quan theo đúng lộ trình quy định; giữ gìn trật tự, vệ sinh và cư xử đúng mực. Tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên và các bảng hướng dẫn trong Di tích. Vui lòng liên hệ thuyết minh viên hoặc Ban Tổ chức để được hỗ trợ khi có thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu khác.
–Chịu trách nhiệm bồi thường nếu gây ra bất cứ tổn thất nào cho Di tích.
-Quý khách có thể sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển đến điểm tham quan, xe cá nhân vui lòng gửi tại các khu vực lân cận như Trung tâm Thương mại Vincom Đồng Khởi, Nhà hát Thành phố,…
Trường hợp quý khách không tuân thủ các hướng dẫn nêu trên, Ban Tổ chức được phép từ chối quý khách vào tham quan.
Trước đó, trong 2 ngày (29, 30/4), khi thành phố lần đầu tiên tổ chức Chương trình tham quan Di tích, đã có khoảng 1.500 khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan.
Công trình trụ sở HĐND-UBND TP.HCM do Kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế và xây dựng từ năm 1889 đến 1909. Thời Pháp thuộc, tòa nhà có tên là Hôtel de ville (hay còn gọi là Dinh xã Tây), đến năm 1954 đổi tên thành Tòa đô chánh Sài Gòn và kể từ sau năm 1975 được mang tên như hiện nay.
Trụ sở UBND – HĐND thành phố có tuổi đời hơn 110 năm, là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của TP.HCM, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp.
Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận công trình này là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.