Dù thời đại hoàng kim của ngành đường sắt đã qua, những nhà ga này vẫn tồn tại qua bao thử thách, được coi là biểu tượng kiến trúc tiêu biểu của một thành phố.
Grand Central Terminal (New York, Mỹ): Đây là nhà ga đường sắt lớn nhất thế giới, với 44 sân ga và 67 đường ray. Thuộc top những điểm đến được ghé thăm nhiều nhất thế giới, hơn 26 triệu lượt khách đã đến đây chiêm ngưỡng kiến trúc Beaux-Arts của nhà ga và chiếc đồng hồ biểu tượng trong phòng chờ chính – một thiết kế cổ điển của Henry Edward Bedford từ thế kỷ 20.
Liège-Guillemins (Bỉ): Mở cửa năm 2009, nhà ga này như phủ định quan điểm “thời hoàng kim của ngành đường sắt đã chết”. Được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha Santiago Calatrava, nhà ga có cấu trúc tuyệt đẹp bằng sự pha trộn hiện đại của thép, thủy tinh và bê tông trắng, nhằm phản ánh sự thay đổi của ngành du lịch bằng đường sắt cao tốc hiện nay.
Chhatrapati Shivaji Terminus (Mumbai, Ấn Độ): Từng được gọi là ga Victoria, theo tên Nữ hoàng Anh, nhà ga đông đúc nhất và cũng tráng lệ nhất ở Ấn Độ này được thiết kế bởi Frederick William Stevens vào năm 1997. Là sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách Phục hưng Gothic thời Victoria và Mughal truyền thống Ấn Độ, công trình đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Caminho de Ferro de Moçambique (Maputo, Mozambique): Tọa lạc tại thủ đô Maputo náo nhiệt của Mozambique, ga đường sắt này được thiết kế bởi một tên tuổi rất quen thuộc – Gustave Eiffel, “cha đẻ” của tháp Eiffel nổi tiếng. Dù trong nhiều năm rơi vào tình trạng hư hỏng, nay công trình đang thực sự hồi sinh, trở thành một không gian nghệ thuật công cộng độc đáo.
St. Pancras International (London, Anh): Từng là một vùng đất hoang với các tòa nhà công nghiệp và nhà kho bị bỏ hoang, ga St. Pancras hiện là một khu vực nhộn nhịp của các quán cà phê, nhà hàng và các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhờ phong cách Phục hưng Gothic, nhà ga được mệnh danh là “nhà thờ của ngành đường sắt”.
Dunedin Station (New Zealand): Ga đường sắt này được thiết kế theo phong cách Phục hưng Flemish. Để góp phần duy trì hoạt động của mình, ga theo trường phái “chủ nghĩa đa chức năng”. Ngoài vai trò là ga xe lửa của thị trấn, tầng trên của công trình cũng là Đại sảnh Vinh danh Thể thao của New Zealand, đồng thời có cả Hội Nghệ thuật Otago.
Antwerp Centraal (Bỉ): Được đưa vào hoạt động vào năm 1905, cho đến nay Antwerp Central vẫn là một trong những nhà ga đẹp nhất thế giới bởi sự tổng hòa của nhiều phong cách kiến trúc, chủ yếu do Louis Delacenserie thiết kế. Mái vòm đồ sộ trên tiền sảnh là đứa con tinh thần lớn nhất của Delacenserie.
Helsinki Central (Phần Lan): Được xây dựng theo phong cách hiện đại, nhà ga trung tâm của Helsinki hoạt động từ năm 1919 này gây ấn tượng mạnh bởi những tượng người bảo vệ cầm đèn khổng lồ bằng đá – trông giống như đang bảo vệ “lối vào Asgard” theo thần thoại Bắc Âu. Đây là nỗ lực của kiến trúc sư Eliel Saarinen, vì thiết kế nhà ga trước đó của ông bị chê là quá truyền thống. Ở đây có một phòng chờ dành riêng cho tổng thống Phần Lan.
Kuala Lumpur Railway Station (Malaysia): Là sự pha trộn tuyệt đẹp giữa phong cách kiến trúc thuộc địa và địa phương, ga Kuala Lumpur “hút mọi ánh nhìn” với mặt tiền tráng lệ. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Arthur Benison Hubback, tòa nhà này được hoàn thành vào năm 1917. Đáng tiếc rằng việc di chuyển vị trí các tuyến đường sắt ở đây đã khiến nơi này trở nên “lạc lõng”.