Giữa khung cảnh Hoàng Su Phì (Hà Giang) đẹp đến kỳ diệu và huyền bí, Panhou Retreat là chốn an trú lý tưởng, mang đến những người yêu thiên nhiên không gian “nuôi dưỡng” thân – tâm – trí.
Cách Hà Nội khoảng 6 tiếng lái xe, đi qua những cung đường uốn lượn với khúc cua tay áo, Hoàng Su Phì sừng sững kiêu hãnh giữa đại ngàn với những thửa ruộng bậc thang hơn 400 năm tuổi đã được công nhận Di tích Quốc gia cùng những homestay xinh xắn ẩn hiện. Và giữa khung cảnh say lòng ấy, Panhou Retreat như viên ngọc xanh biếc mang đến cảm giác yên tĩnh, bình an.
Cảm hứng Panhou
Từ năm 1997, sau hành trình rong ruổi khắp Việt Nam, đôi vợ chồng đam mê du lịch người Pháp – Việt (Michel Galey và Lan Phương – 2 người sáng lập Panhou Retreat) đã đến Hoàng Su Phì và dừng chân nghỉ lại Thông Nguyên. Họ ngay lập tức “phải lòng” cảnh quan và khí hậu nơi đây cùng với sự đặc sắc của văn hoá dân tộc địa phương.
Yêu mến mảnh đất vùng cao xinh đẹp, nơi có tới 12 dân tộc sinh sống, anh Michel Galey và chị Lan Phương nỗ lực và quyết tâm tạo nên Panhou, duy trì tiêu chí quan trọng: Tuyệt đối tôn trọng thiên nhiên và các giá trị bền vững; tôn vinh văn hóa, hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế địa phương.
Cái tên Panhou cũng được đặc biệt chọn theo từ gốc của người Dao với khởi nguồn từ tên của vị vua trong truyền thuyết của người Dao là Long Khuyển Bàn Hồ (Bàn Vương).
Từ đó đến nay, Panhou luôn có sức hút đặc biệt với “khách Tây” và một bộ phận du khách Việt có gu, yêu thiên nhiên, yêu thích khám phá đặc trưng văn hóa bản địa.
Như nụ cười mộc mạc và hồn hậu của người dân địa phương, Panhou Retreat trìu mến “gieo duyên” du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không một mảng bê tông khô cứng, thay vào đó là hình ảnh một “bản nhỏ” xinh xắn của đồng bào người Dao.
Ngay từ giây phút đầu tiên khi bàn chân bước nhẹ trên cây cầu gỗ, du khách đã như “lạc” vào chốn an nhiên. Chẳng còn ai nhớ hành trình hơn 200km mới trải qua mà thả nhẹ tâm hồn cho mọi giác quan lên tiếng. Ánh mắt tự do tung tăng dõi theo tia nắng vàng ươm lấp ló chiếu qua tán lá rừng, thả đôi tai nghe tiếng suối róc rách thanh âm trong trẻo, mở căng lồng ngực hít thở mùi hương rừng thanh mát, căng tràn sinh khí…
Tại Panhou Retreat, các thiết kế đặc biệt tinh tế và tối giản, trân trọng sự hòa quyện với thiên nhiên như toàn bộ lối đi được sắp xếp uốn mềm để nhường chỗ cho những hàng cây mọc tự nhiên.
Nếu Hoàng Su Phì được biết tới là mảnh đất vùng cao với kho tàng văn hoá truyền thống phong phú của 12 dân tộc, thì tại Panhou Retreat, người ta dễ dàng cảm nhận được nét văn hoá đậm nét và đặc sắc của người Dao. Sắc đỏ đặc trưng trên họa tiết trang phục của đồng bào Dao được sử dụng làm sắc màu tạo điểm nhấn trong phong cách kiến trúc và nhiều thiết kế tại Panhou. Trên gam màu trầm ấm của gỗ, sắc vàng của phong cách Indochina chủ đạo và màu xanh ngút ngàn của thiên nhiên, thì sắc đỏ vẫn tạo ấn tượng mạnh để đi vào “vùng nhớ” của du khách.
Panhou Retreat mang đến các trải nghiệm mới lạ cùng những hoạt động nuôi dưỡng thân – tâm – trí gắn liền với khung cảnh thiên nhiên bình yên, tươi đẹp: Ngâm mình trong bồn ngâm lá thuốc người Dao theo công thức bí mật được truyền lại qua nhiều thế hệ; Massage trị liệu truyền thống giúp thư giãn; Thiền trà – Nghệ thuật của suy nghĩ; tập yoga bên bờ suối…
Quà tặng vô giá từ đại ngàn
Giữa thiên nhiên hoang sơ đại ngàn, đắm mình với không gian trong lành của vùng đất nguyên sinh – hít thở giữa rừng, ngâm mình trị liệu ở suối nước nóng…, chính là liệu pháp phục hồi sức khỏe và tái tạo năng lượng tốt nhất cho mỗi người.
Theo đại diện Panhou Retreat, khu nghỉ dưỡng luôn nỗ lực bảo tồn và gìn giữ tối đa vẻ đẹp của thiên nhiên bản địa nơi đây. Bởi sự thuần khiết của đất- nước- không khí là món quà vô giá mà ngay cả khi có thật nhiều tiền thì con người không dễ dàng có được.
“Vẻ đẹp nguyên sơ và nền văn hóa bản địa nơi này xứng đáng được bảo vệ, nuôi dưỡng, và chia sẻ với những người cùng chung tình yêu dành cho thiên nhiên”, đại diện Panhou Retreat chia sẻ.
Đáng chú ý, sau nhiều năm sưu tầm, Panhou Retreat đã trưng bày một bộ sưu tập các trang phục dân tộc, tôn vinh nét đẹp văn hoá – lịch sử của các đồng bào dân tộc tại Hoàng Su Phì. Có hơn 90% nhân viên tại khu nghỉ là người dân tộc địa phương, họ được đào tạo nghiệp vụ du lịch, học tiếng Anh, nâng cao trình độ văn hóa… Họ cũng là những “đại sứ” Panhou truyền cảm hứng và tình yêu Hoàng Su Phì tới mỗi du khách.
“Chúng tôi tự hào và kiên trì mục tiêu cùng với chính những người dân địa phương mang đến cho du khách những dịch vụ tận tâm và tạo nên những giá trị tích cực cho cộng đồng”, đại diện Panhou Retreat cho biết.
Thiên Bình