Sau hơn 100 năm phát triển của ngành hàng không thế giới, nhiều người vẫn tưởng máy bay có thể đưa ta tới bất kỳ đâu. Nhưng sự thật lại không phải như vậy.
Có một số nơi mà máy bay không thể bay qua vì nhiều lý do và nhiều nơi trong số này được gọi là những khu vực cấm bay. Vùng cấm bay có thể được thiết lập bởi vô số lý do đặc biệt từ tôn giáo, môi trường đến lịch sử hay thậm chí là chính trị. Hãy cùng khám phá những địa điểm này và lý do tại sao bạn không thể bay qua đó.
Công viên Disneyland, Mỹ
Sẽ thật tuyệt vời nếu được nhìn những những tòa lâu đài cổ tích huyền diệu của Disneyland từ trên cao nhưng thật không may, điều đó sẽ không bao giờ thực hiện được. Sau vụ khủng bố 11/9, một số điểm du lịch ở Mỹ đã được tăng cường an ninh để đảm bảo an toàn cho du khách, trong đó có tổ hợp giải trí Disneyland. Không máy bay nào có thể bay trong phạm vi hơn 900 mét từ Thế giới Walt Disney ở Florida hay Disneyland ở California. Ban đầu, đây là một lệnh cấm tạm thời, nhưng đã trở thành lệnh cấm vĩnh viễn vào năm 2003.
Phố Downing, Vương quốc Anh
Được biết đến là nơi đặt ngôi nhà của những người giữ chức vụ Thủ tướng Anh, phố Downing là một trong những con phố quan trọng nhất ‘xứ sở sương mù’. Cần có sự cho phép đặc biệt để tiếp cận con phố này ngay cả trên mặt đất, nên tất nhiên máy bay cũng bị cấm bay dọc theo chiều dài con phố. Ba địa điểm khác ở Anh cũng là những khu vực cấm bay là tòa nhà Quốc hội Anh, cung điện Buckingham và lâu đài Windsor.
Machu Picchu, Peru
Ý nghĩa văn hóa và lịch sử của thành phố cổ này ở Peru là điều không cần phải bàn cãi. Một sân bay hiện vẫn đang được xây dựng tại đây có tên là sân bay Chinchero nhưng bị các nhà sử học cũng như các nhà hoạt động phản đối gay gắt vì có thể phá hủy hệ sinh thái mong manh và tàn tích của người Inca ở đây.
Hiện tại, máy bay bị cấm bay qua khu vực này để giữ cho môi trường không bị ô nhiễm. Ngoài ra, nếu một vụ tai nạn máy bay hoặc yêu cầu hạ cánh khẩn cấp, thì sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho hệ sinh thái.
Parthenon, Hy Lạp
Để bảo vệ đền thờ thần Athena nổi tiếng, máy bay sẽ không được phép bay thấp hơn 1.500 mét khi bay ngang qua đây. Bằng cách này, kỳ quan lịch sử nổi tiếng nhất của Hy Lạp được bảo vệ khỏi mọi trường hợp không xác định có thể ảnh hưởng đến cấu trúc.
Thánh địa Mecca, Saudi Arabia
Là một di tích lịch sử và tôn giáo cực kỳ quan trọng, không máy bay chở khách nào được phép bay qua khu vực của thánh địa Mecca, đặc biệt là tòa thánh Kaaba. Đây là điểm đến cuối cùng của cuộc hành hương Hajj và là trung tâm của đức tin Hồi giáo.
Taj Mahal, Ấn Độ
Là một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Ấn Độ, cung điện Taj Mahal được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1983. Để bảo vệ kiệt tác này, chính quyền Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm bay qua đây từ năm 2006. Bên cạnh lý do an ninh, lệnh cấm bay còn giúp cung điện màu trắng ngà này trắng khỏi ô nhiễm.
Đỗ An(Tổnghợp)