Tổng số cơ sở lưu trú hạng từ 1-5 sao đã giảm 1.342 cơ sở so với năm 2019, chủ yếu là các khách sạn 1-2 sao.Nhiều chủ khách sạn đã đóng cửa hoặc chuyển sang bán rượu.
Chiều 23/3, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố”.
Tại sự kiện, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thành phố hiện có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch, tương ứng hơn 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh; trong đó, có 325 khách sạn xếp hạng từ 1-5 sao, tương ứng 17.613 buồng phòng đạt tiêu chuẩn; có 2.902 khách sạn đạt tiêu chí tối thiểu cơ sở vật chất và kỹ thuật dịch vụ, tương ứng hơn 48.000 buồng phòng đạt tiêu chuẩn.
Đáng chú ý, so với cuối năm 2019, tổng số cơ sở lưu trú hạng từ 1-5 sao đã giảm 1.342 cơ sở, chỉ còn khoảng 325 cơ sở, tương đương giảm 312% so với cùng kỳ năm 2019, số lượng giảm mạnh tập trung vào đối tượng khách sạn 1-2 sao. Theo bà Hiếu, nguyên nhân chính, Luật Du lịch 2017 quy định cơ sở lưu trú du lịch tự nguyện xếp hạng sao, không bắt buộc xếp hạng sao như Luật Du lịch 2005. Do vậy, xuất hiện một lượng lớn các khách sạn không có nhu cầu xếp hạng sao tại TP.HCM, số khách sạn từ 1-2 sao giảm mạnh.
Về công suất bán phòng, năm 2022, các khách sạn xếp hạng từ 4-5 đạt bình quân khoảng 75%. Trong khi đó, các khách sạn từ 0-3 sao đang đối mặt nhiều khó khăn do nguồn khách quốc tế chưa kịp hồi phục; sức mua thị trường giảm; nhiều nhân sự có trình độ chuyên môn đã bỏ nghề, không quay lại ngành khách sạn.
“Phần lớn khách sạn vừa và nhỏ chưa đáp ứng tiêu chí về an ninh trật tự, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Điều kiện vật chất của một số cơ sở lưu trú xuống cấp, cần sửa chữa, thay mới trang thiết bị. Tuy nhiên, chủ khách sạn gặp khó khăn về kinh tế nên chấp nhận đóng cửa, tạm dừng kinh doanh hoặc chuyển loại hình kinh doanh để bán rượu”, bà Hiếu nói.
Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Văn hóa thông tin (quận 1) cho hay, nhiều cơ sở lưu trú du lịch tại quận gặp khó về thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy (do cơ sở xuống cấp, không đáp ứng tiêu chí về điều kiện phòng cháy). Khi cơ sở lưu trú không đáp ứng các điều kiện phòng cháy, chữa cháy thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận về an ninh trật tự… Đây là điều kiện tối thiểu cần đảm bảo, trước khi hoạt động kinh doanh.
Nói về khó khăn, bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện hệ thống Khách sạn A25 cho biết, trong 3 năm, hệ thống lưu trú của đơn vị đã đóng cửa ít nhất 2 năm do dịch bệnh. Các khách sạn A25 mới mở lại 1 năm qua, nên cơ sở vật chất bị xuống cấp theo thời gian. Ở chiều ngược lại, doanh thu của hệ thống khách sạn sụt giảm; Nhà nước chỉ hỗ trợ chi phí điện nước, vốn vay trong thời gian dịch nặng nề nhất; chủ nhà cũng chỉ hỗ trợ ở mức cho phép, nên A25 hầu như không còn nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất.
“Đầu tư cái gì, mua sắm cái gì, chúng tôi cũng phải đắn đo, cân nhắc nhiều phương án và chọn phương án tối ưu nhất để thực hiện. Như vậy, mất nhiều thời gian, khó làm hài lòng du khách khó tính”, bà Loan thông tin.