Chùa Bà Thiên Hậu được coi là ngôi chùa cổ nhất của người Hoa tại Việt Nam, với niên đại khoảng 256 năm.
Được xây dựng từ khoảng năm 1760 và trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ được những dấu ấn kiến trúc độc đáo, chùa Bà Thiên Hậu (hay còn được gọi là Tuệ Thành hội quán, chùa Bà Chợ Lớn) nằm tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Những người Hoa gốc Quảng Châu (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam buôn bán, lập nghiệp đã xây dựng nên ngôi chùa để làm điểm đến tâm linh cầu bình an.
Tên chính xác của nơi này là Thiên Hậu Miếu, có nghĩa là miếu thờ bà Thiên Hậu. Tuy nhiên trong cách gọi của dân gian ở miền Nam, cứ nơi nào linh thiêng thì đều gọi là chùa. Vì thế cái tên chùa Bà Thiên Hậu đã ăn sâu vào thói quen và nhận thức của người dân đời này qua đời khác.
Theo lịch sử, bà Thiên Hậu có tên thật là Lâm Mặc Nương, người Mi Châu, Phúc Kiến. Đây là một nhân vật có thật vào đời nhà Tống tại Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng, không giống như những đứa trẻ khác sau 9 tháng 10 ngày sẽ chào đời, Bà Thiên Hậu lại được mẹ sinh ra vào tháng thứ 14. Càng lớn Lâm Mặc Nương càng bộc lộ những khả năng đặc biệt trong lĩnh vực thiên văn khi thường xuyên nhìn sao trời, đoán thời tiết, giúp đỡ dân chúng ngư phủ trong vùng. Từ đó bà trở thành vị nữ thần được ngư dân tôn sùng, thường xuyên khấn vái bà trong những lúc tàu thuyền gặp nguy nan.
Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng theo phong cách Á Đông thuần khiết. Từ lối kiến trúc tam quan, phần mái cách điệu lợp ngói âm dương, những phù điêu bằng gốm nung và hai hành lang hai bên… tất cả đều gợi nên những giá trị lâu đời và phồn vinh của văn hóa Trung Hoa.
Chùa có chiều dài 65m, rộng 27m. Mặt bằng được bố cục lần lượt từ ngoài vào là khoảng sân, cửa chính, tiền điện, thiên tỉnh, trung điện, nhà hương và chính điện.
Cửa vào chùa có chạm bốn chữ Hán: “Tuệ Thành hội quán”. Tiền điện có hai khám thờ, bên trái thờ Môn thần, bên phải thờ Thổ địa. Hai bên cửa ra vào là tranh vẽ bà Thiên Hậu hiển linh trên sóng nước. Trên tường tiền điện và dọc hai vách tường là tranh vẽ các điển tích cùng các bài thơ Đường của Lý Bạch, Vương Xương Linh…
Tại trung điện có một hương án lớn được đúc năm 1886. Kế tiếp là nhà hương với những khoanh nhang vòng treo dưới mái. Đi tiếp vào trong là chính điện, chia làm ba gian: Gian thờ Thiên Hậu Thánh mẫu ở chính giữa, bên trái thờ Long Mẫu nương nương, bên phải thờ Kim Hoa nương nương – vị thần phù hộ cho việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái.
Bên cạnh những nét độc đáo trong kiến trúc, chùa bà Thiên Hậu còn là nơi lưu giữ khoảng hơn 400 đồ cổ. Khắp nơi trong chùa là những bức phù điêu trang trí bằng gốm nung gắn trên tường hay những bức tượng khắc tỉ mỉ trên mái thể hiện những điển tích nổi tiếng của người Hoa như Lưỡng long tranh châu, Tây du ký, Bao Công xử án, Hán Sở tranh hùng…
Chùa Bà Thiên Hậu là nơi có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa đang sinh sống ở Sài Gòn. Toàn bộ vật liệu trong chùa đều được nhập từ Trung Quốc để có thể giữ được những nét văn hoá đặc trưng nhất. Năm 1993, chùa Bà Thiên Hậu được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và trở thành nơi thu hút rất nhiều du khách tới thăm quan, chiêm bái.
Mỗi dịp Tết đến, các dịp lễ như Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu hoặc vào các ngày mùng 1, ngày rằm hàng tháng, người dân cũng như nhiều khách du lịch thường tới chùa Bà Thiên Hậu để cầu mong được phù hộ cho sự an lành, bình yên. Ngoài ra, ngày vía Bà Thiên Hậu được tổ chức vào 23 tháng 3 Âm lịch cũng là một sự kiện lớn được nhiều người dân tham gia.
Ảnh: Trần Việt Đức