Chợ nổi Cái Răng không chỉ là nơi buôn bán của bà con Cần Thơ mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khu chợ ngày nay không còn nhộn nhịp hàng trăm ghe, thuyền đầy ắp trái cây, lúa gạo, nối đuôi như xưa.
Du khách khi tới Cần Thơ thường không bỏ lỡ cơ hội ghé thăm Chợ nổi Cái Răng. Hình thành từ đầu thế kỷ 20 để phục vụ nhu cầu mua bán trong vùng, ngày nay, Cái Răng là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Đầu năm 2023, chợ nổi Cái Răng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố nằm trong Top 50 Tour du lịch độc đáo mang lại trải nghiệm thú vị tại Việt Nam.
Chợ nổi Cái Răng nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km. Du khách có thể di chuyển bằng thuyền từ bến Ninh Kiều trong khoảng 30 phút hoặc lái xe trong khoảng 20 phút.
Chợ nằm ở khu đắc địa ngã ba sông (nhánh sông Hậu và sông Cái Răng) và là vùng nước nông, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu. Từ nhiều năm nay, khu chợ này không chỉ là nơi buôn bán trái cây, lúa gạo của bà con mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Chợ Cái Răng thường họp từ 5 giờ sáng, nhộp nhịp nhất là khoảng 6 – 8 giờ. Du khách tham quan chợ nổi thường thức dậy rất sớm, lênh đênh trên thuyền để ngắm bình minh, từ từ chiêm ngưỡng “khu chợ” thức giấc, bắt đầu ngày mới.
Những ngày cuối tháng 5, Cần Thơ bắt đầu mùa trái cây với cam, xoài, dứa, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, dưa hấu… Đây là thời điểm du khách háo hức tới chợ nổi ngắm những ghe thuyền đầy ắp trái cây, tự tay chọn mua và thưởng thức.
Tuy nhiên, trên thực tế, lượng ghe thuyền bày bán số lượng lớn trái cây đặc trưng của vùng sông nước miền Tây không còn nhiều. Tại khu chợ chủ yếu là các ghe, thuyền chở khách và buôn bán nhỏ, lẻ trái cây, đồ ăn phục vụ du khách.
Hình thức chào hàng của những chợ nổi ở miền Tây là sử dụng cây bẹo. Ghe bán gì thì treo thứ đó lên cây sào cao 3 – 5 m để người mua có thể nhận biết từ xa.
Hiện nay, nhiều tiểu thương cũng bỏ dần cách chào hàng bằng cây bẹo, trực tiếp lái xuồng máy, áp sát thuyền chở khách để chào mời. Khảo sát thực tế, giá trái cây tại chợ không chênh lệch so với các chợ dân sinh trên bờ ở Cần Thơ. Thậm chí, có những tiểu thương chào giá khá cao, khách phải mặc cả.
Du khách tới chợ nổi Cái Răng thường thuê ghe, xuồng máy với mức giá từ 200.000 – 350.000 đồng để tham quan chợ nổi, ghé một vài điểm ăn uống, check-in, nhà vườn. “Cò” bán vé, tour tham quan chợ nổi hoạt động rất đông ở bến Ninh Kiều hay khu vực ven bến đậu tàu thuyền. “Tôi được người bạn tại Cần Thơ giới thiệu chủ thuyền nên chi phí 100.000 đồng/người đi xuồng máy thăm chợ 2 tiếng. Trên xuồng có hai mẹ con vị khách từ TP.HCM, do đặt qua “cò” vé nên giá lên tới 250.000 đồng/người”, một du khách cho biết.
Khách tới khu chợ vào buổi sáng thường thưởng thức các món ăn đặc sản như bún riêu, hủ tiếu… Một phần ăn sáng đầy đủ thường có giá 40.000 – 50.000 đồng. Các ghe, thuyền lênh đênh trong chợ cũng bán nước giải khát, nước trái cây, cà phê với mức giá 10.000 – 15.000 đồng/trái dừa, 15.000 đồng/ly cà phê đá… Thông thường, hướng dẫn viên hay lái thuyền sẽ dẫn du khách vào ăn sáng tại các nhà bè. Tại đây thường có chỗ ngồi rộng rãi hơn nhưng so với ghe thuyền trên sông thì hương vị không đặc sắc hơn là mấy.
Ông Đức (58 tuổi) vừa lái chiếc xuồng máy chở khách vừa kể, khoảng 20 năm về trước, cảnh buôn bán trên sông tấp nập, nhộn nhịp hơn hẳn chợ trên bờ. “Ngày ấy nhà nào cũng có ít nhất một cái ghe. Nhà khó thì ghe nhỏ, nhà có điều kiện hơn thì ghe lớn. Hồi ấy tôi chở ghe dưa hấu. Thỉnh thoảng lắm mới gặp khách du lịch, mà chủ yếu là khách Tây họ tò mò nên tìm tới”, ông Đức kể.
Theo ông Đức, từ khi phải dời công việc làm ăn lên trên bờ, nhiều gia đình xung quanh hay bạn hàng của ông bỏ ghe, chuyển làm nghề khác. Cũng từ đó, ông chuyển sang lái xuồng máy chở du khách.
Ông Đức thừa nhận, khách du lịch giúp tăng doanh thu cho những người bán rong, bán lẻ, hay mang tới công việc chở ghe thu nhập khá tốt cho một số bà con địa phương như ông nhưng không có lợi nhiều với thương hồ vốn bán sỉ. Cũng vì đó, chợ nổi “càng nổi với du khách thì càng chìm với thương hồ”.
Bà Phạm Thị Ngọc lênh đênh mưu sinh 25 năm trên chợ nổi với ghe thuyền bán bún riêu, bún mắm, hủ tiếu, bánh canh. Trước đây, bà Ngọc bán đồ ăn sáng cho thương hồ nhưng nay, khách hàng chính của bà là du khách thập phương. Bà Ngọc thừa nhận, bây giờ, giữa chợ nổi Cái Răng, “tìm thương hồ khó hơn tìm du khách”.
Anh Vũ Quang Hưng (du khách từ Đồng Nai) từng tới thăm chợ nổi Cái Răng vài năm trước. Tháng 5/2023, anh đưa gia đình trở lại đây. Anh Hưng cho biết, so với những năm 2018, 2019, chợ nổi Cái Răng đang mất dần “nét riêng vốn có”. “Khu chợ inh ỏi những tiếng xuồng máy, thuyền máy. Nơi đây tấp nập du khách nhưng vắng bóng thương hồ, lượng ghe thuyền chở nông sản, trái cây giảm hẳn, du khách khó có thể nhìn thấy hình ảnh bà con giao thương buôn bán như trước. Điều này làm tôi thấy tiếc nuối”, anh Hưng cho hay.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chợ nổi Cái Răng vắng bóng những ghe thuyền của thương hồ. Ngày nay giao thông đường bộ đã phát triển, nhà vườn bán trái cây, nông sản có thương lái đưa xe đến tận nơi nên không dùng ghe chở trên sông. Cùng với đó là sự phát triển của các siêu thị hiện đại và tiện lợi, người dân cũng dần thay đổi cách mua sắm.
Vài năm trở lại đây, nhiều du khách, đơn vị lữ hành phản ánh, chợ nổi Cái Răng đang trở nên mờ nhạt nét truyền thống vốn có: Hàng hóa không còn nhiều; Tàu thuyền chở khách đông hơn tàu thuyền buôn bán của thương hồ; “Cò” chèo kéo du khách, “đội giá” lên cao; Chủ tàu hành xử, phát ngôn không đúng mực,…
Ông T.T, giám đốc một công ty du lịch chuyên cung cấp tour du lịch miền Tây cho biết: “Trước đây, trong tour khám phá Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung, chợ nổi Cái Răng là điểm nhấn chính, được công ty tập trung giới thiệu và du khách rất yêu thích. Tuy nhiên hiện nay, khách nội địa gần như đều có tâm lý “đi một lần cho biết” và không muốn quay trở lại. Khách quốc tế tò mò về khu chợ này nhưng cũng không tìm ra lí do để trở lại nhiều lần”.
Trước nhận định chợ nổi Cái Răng có dấu hiệu “chìm” dần, TP. Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm “cứu” chợ nổi khỏi những tiêu cực đang hiện hữu. Tháng 5 vừa qua, UBND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chợ nổi Cái Răng.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường thẳng thắn nhận định: “Chợ nổi Cái Răng nếu cứ để tình trạng này xảy ra thì khó mà tồn tại. Bởi các chợ đều có ban quản lý, riêng chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch nổi tiếng của Cần Thơ và cả nước thì lại không. Do đó, tình trạng thuyền bè chở khách không có quản lý chặt chẽ, còn tình trạng chèo kéo khách. Du khách đến Cần Thơ và nghĩ rằng Cần Thơ “luộm thuộm” rồi đăng tải video clip, tôi xem cũng thấy có phần đúng!”.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có giải pháp sớm xử lý bát nháo tại Chợ nổi Cái Răng; khắc phục ô nhiễm môi trường; tiếp tục đưa giải pháp để phục hồi, phát triển văn hóa, kinh tế, du lịch của địa phương; nhất là sớm thành lập ban quản lý chợ.
Hiện tại, Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ đang xây dựng hoàn thiện Đề cương Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch”.
Theo đó, đối tượng được xác định là thương hồ. Đề án sẽ nghiên cứu toàn bộ không gian của di sản văn hóa phi vật thể Chợ nổi Cái Răng và tuyến đường đưa khách từ Bến Ninh Kiều vào Chợ nổi. Tập trung vào nghiên cứu và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể Chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.