toan canh chua ong hoi an

Hội An được du khách biết đến với những ngôi nhà cổ kính, mang đậm dấu ấn lịch sử. Cùng với đó, nơi đây còn sở hữu nhiều công trình tâm linh, có giá trị văn hóa đặc biệt, trong đó phải kể tới chùa Ông. Vậy chùa Ông Hội An có gì độc đáo? Hãy cùng Halo khám phá ngay trong bài viết này nhé. 

1. Đôi nét về chùa Ông Hội An

Chùa Ông ở đâu?

  • Địa chỉ: Số 24 đường Trần Phú, Hội An, Quảng Nam
  • Giờ mở cửa: 06:00 – 17:00

Chùa Ông hay còn có tên gọi khác là Quan Công Miếu. Chùa tọa lạc trên con đường Trần Phú, ngay tại trung tâm của phố cổ Hội An. Chùa Ông Hội An thờ Quan Vân Trường (hay Quan Vũ). Đây là một vị tướng tài ba, nổi tiếng thời Tam Quốc. Ông đã góp công lớn trong quá trình thành lập nhà Thục Hán.

toan canh chua ong hoi an

Ảnh: @hwany_story

Quan Vân Trường là hình mẫu tiêu biểu về một vị tướng hội tụ đầy đủ các phẩm chất Nghĩa – Tín – Trung – Dũng. Cũng chính vì vậy, Quan Vũ được thờ cúng ở nhiều nơi, trong đó bao gồm cả chùa Ông Hội An.

Sơ lược lịch sử hình thành chùa Ông Hội An

Vào thế kỷ XVII, Hội An là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của các thuyền buôn đến từ những quốc gia khác nhau trên thế giới. Rất nhiều thương nhân đã lựa chọn ở lại và sinh sống tại nơi đây để phát triển việc làm ăn của mình, đặc biệt là những thương nhân người Hoa.

Cũng chính vì vậy, họ đã xây dựng các đền thờ, chùa, miếu,… để phục vụ đời sống văn hóa, tâm linh của mình. Và chùa Ông là một trong những công trình tiêu biểu, mang đậm dấu ấn của người Hoa cổ ở Hội An.

tien dinh

Ảnh: phuot3mien.com

Chùa Ông Hội An được xây dựng vào năm 1653. Tính tới nay, chùa đã trùng tu 6 lần vào năm: 1753, 1783, 1827, 1864, 1904, 1966. Trước kia, đây là địa điểm mà các thương nhân thường ghé tới để xin buôn may bán đắt, cam kết những việc vay nợ, làm ăn của mình. Ngày 29 tháng 11 năm 1991, chùa Ông đã được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia.

Ngày nay, khi Hội An đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, thì chùa Ông chính là điểm tham quan mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến với phố Hội.

2. Di chuyển tới chùa Ông Hội An như thế nào?

Vì chùa Ông nằm ngay ở trong trung tâm phố cổ Hội An nên việc di chuyển tới đây khá dễ dàng. Khi đã ở khu vực phố cổ, bạn di chuyển tới đường Cửa Đại, sau đó đi về hướng đường Trần Hưng Đạo, rồi rẽ trái vào đường Nguyễn Huệ. Bạn đi tiếp khoảng 240m sẽ thấy chùa Ông Hội An nằm ở phía bên trái. Quãng đường này khá gần chỉ tầm 1km. Du khách có thể lựa chọn tản bộ hoặc thuê xe đạp để vừa có thể di chuyển, vừa cảm nhận vẻ đẹp phố Hội.

  • Xem chi tiết đường đi tới chùa Ông trên Google maps

duong di toi chua ong hoi an

Ảnh: Google maps

3. Khám phá nét kiến trúc độc đáo của chùa Ông Hội An

Chùa Ông Hội An là công trình mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Trung Hoa cổ điển. Tổng thể chùa gồm 4 tòa nhà: tiền đình, chính điện, hai tả, hữu vu. Chùa xây dựng theo kiểu chữ khẩu, mái lợp ngói ống, trang trí Rồng, Giao khác biệt so với những ngôi chùa khác ở phố cổ Hội An.

Điểm gây tượng với du khách chính là khu vực chính điện. Ở đây đặt pho tượng Quan Vân Trường uy nghi, nét mặt oai nghiêm, đôi mắt sắc sảo nhìn về phía trước. Quan Vũ khoác trên mình một thanh bào thêu rồng nối kim tuyến. Bên cạnh tượng Quan Vân Trường là 2 pho tượng Châu Thương và Quan Bình. Đây đều là những người trung thành với Quan Công.

Đứng trước bức tượng của Quan Vũ, du khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn khí chất của vị tướng tài ba. Cùng với đó, bạn cũng thấy được sự điêu luyện của những người nghệ nhân xưa đã tạo nên tác phẩm này.

khu vuc chinh dien

Ảnh: phuot3mien.com

Hai bên tả, hữu trong chùa mỗi bên để một con ngựa. Bên tả là con bạch mã, bên hữu là con ngựa xích thố màu đen yêu thích của Vân Trường được Tào Tháo ban cho. Bên trong chùa còn có nhiều bia đá, sắc phong, các hiện vật cổ.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ bài thơ đề vịnh của Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm (thân phụ của Nguyễn Du) và 2 bài họa của Uông Sĩ Cư và Nguyễn Lệnh Tân. Đây là những di tích lịch sử từ thế kỷ XVIII trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh còn lại tới ngày nay.

co vat tai chua ong

Ảnh: @liiviileii

  • Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hội An siêu tiết kiệm

4. Những hoạt động tại chùa Ông hấp dẫn du khách

Hàng năm, chùa Ông Hội An có nhiều hoạt động, lễ hội thú vị thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế ghé tới. Vào dịp đầu năm, người dân địa phương và khách du lịch thường đến đây để cầu bình an, may mắn đặc biệt trong việc làm ăn của mình. Bạn có thể xin những tờ Xuân liên cầu an, cầu may. Hoặc bạn hãy viết lời cầu nguyện của mình lên một tờ giấy nhỏ và treo vào giữa những khoanh hương to, tròn ở chùa.

di le chua ong

Ảnh: @emiyang_31

Ngoài ra, vào ngày 16 tháng giêng âm lịch ở đây sẽ tổ chức lễ hội Vía Ông, hay ngày 24 tháng 6 âm lịch có lễ hội Vía Quan Hiển Thành. Đây đều là những lễ hội lớn, mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc của người dân phố Hội.

5. Lưu ý khi tới chùa Ông Hội An

Dưới đây là một số lưu ý bạn cần biết khi tham quan chùa Ông Hội An:

  • Bạn nên lựa chọn trang phục lịch sự khi tham quan chùa Ông bởi đây là một địa điểm linh thiêng.
  • Không nên chạm vào các hiện vật có trong chùa, tránh gây hư hỏng.
  • Khi vào chùa không nên nói to, gây ồn ào.
  • Chùa Ông là một điểm du lịch nổi tiếng và thường có nhiều du khách ghé tới viếng thăm. Vì vậy, bạn cũng nên lưu ý đồ dùng của mình, tránh trường hợp gặp kẻ gian.

6. Một số điểm tham quan gần chùa Ông

Trong hành trình tham quan chùa Ông, bạn cũng đừng quên ghé tới các điểm tham quan nổi tiếng khác ở phố cố Hội An như:

Điểm tham quan Khoảng cách
Chợ Hội An 8m
Hội quán Phúc Kiến 160m
Hội quán Trung Hoa 350m
Nhà cổ Quân Thắng 500m
Bảo tàng Văn hóa Dân gian 500m
Chùa Cầu 1km

Với những thông tin về chùa Ông Hội An trên đây, hy vọng bạn đã có thêm nhiều kinh nghiệm du lịch hữu ích cho mình. Nếu có dịp ghé tới phố Hội hãy ghé đến ngôi chùa cổ kính, linh thiêng này nhé!

Khám phá thêm các điểm du lịch thú vị tại Hội An:

  • Khám phá chùa Phúc Kiến Hội An
  • Làng gốm Thanh Hà

Tổng hợp từ: Halo Travel

Bài viết có hữu ích?