Hơn 2.000 người dân huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) tay nắm tay kết thành điệu xòe mừng Quốc khánh 2/9. Hoạt động này thu hút rất đông người dân và du khách.
Từ lâu nay, Tết Độc lập đã trở thành ngày hội, ngày gặp gỡ, giao lưu và sum họp của người dân ở vùng cao Lai Châu. Đây cũng là dịp thu hút du khách về tham gia những hoạt động độc đáo của bà con.
Tối 1/9, UBND huyện Than Uyên tổ chức đêm hội mừng Tết Độc lập với nhiều hoạt động đặc sắc. Tham dự chương trình có ông Lê Văn Lương – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Lò Văn Hương – Bí thư Huyện ủy Than Uyên cùng đại diện các Sở, Ban, ngành tỉnh.
Theo đại diện Ban Tổ chức, Tết độc lập hằng năm là ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên và các địa phương lân cận. Ngày hội nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Đây cũng là dịp để huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Than Uyên tới bạn bè, du khách.
Năm nay, huyện Than Uyên tổ chức màn Xòe Thái lớn nhất từ trước đến nay với trên 2.000 người tham gia, màn xòe được tổ chức tại sân vận động huyện Than Uyên.
Ghi nhận của Timnhanh.com.vn cho thấy, hàng chục nghìn người dân là đồng bào các dân tộc địa phương và du khách đã về huyện Than Uyên chung vui với các hoạt động. Dưới đây là hình ảnh về màn Xòe Thái tại huyện Than Uyên tối 1/9:
Đoàn đại diện cho cộng đồng người Mông Than Uyên biểu diễn các điệu múa đặc trưng trước khán đài. Người dân và du khách hào hứng cổ vũ, dùng điện thoại ghi lại hình ảnh ấn tượng.
Cán bộ địa phương, du khách hòa vào điệu xòe cùng người dân bản địa. “Tôi rất bất ngờ với không khí ngày Tết Độc lập tại Than Uyên. Đây là trải nghiệm đáng nhớ với tôi trong kì nghỉ lễ này”, một du khách tới từ Hà Nội chia sẻ
Đến với Ngày Tết Độc lập và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Than Uyên, người dân và du khách còn được giao lưu những trò chơi dân gian tại không gian văn hóa các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú; Được tham quan không gian trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm văn hóa của 12 xã, thị trấn trong huyện và các huyện lân cận.