Quản lý thời gian là một khái niệm quen thuộc và dường như ai cũng hiểu đó là điều nên có. Tuy nhiên, khi bắt tay vào lên kế hoạch, sắp xếp công việc và lịch trình thì đa số đều gặp khó khăn. Vậy hãy để 5+ cuốn sách quản lý thời gian dưới đây giúp bạn có một khởi đầu thuận lợi.
Chuẩn bị gì để đọc sách & ứng dụng quản lý thời gian tốt nhất?
Nói tới đọc sách, có thể đây là lần đầu bạn đọc một cuốn sách ở lĩnh vực mới. Vì thế, bạn cần chuẩn bị để việc đọc và ứng dụng được hiệu quả như mong muốn.
-
Sắp xếp công việc hợp lý: Để việc đọc sách không bị phân tâm bởi những công việc khác, bạn hãy sắp xếp danh sách việc cần làm sao cho hợp lý. Mục đích của việc này chính là để trong khoảng thời gian đó, bạn không phải bỏ sách xuống để đi giải quyết 1 việc khác và trì hoãn kế hoạch đọc của mình.
-
Cân nhắc thời gian phù hợp: Tiếp đến, hãy cân nhắc một khoảng trống tốt để bạn thoải mái đọc, dễ tiếp thu những điều trong sách. Bởi ngoài yếu tố công việc thì tâm trạng, sức khỏe của bạn cũng ảnh hưởng đến việc này.
-
Chuẩn bị giấy bút ghi chép những điều hay: Đây có lẽ là một phương pháp tốt để bạn tập trung cao độ cho việc đọc sách. Hơn nữa, việc ghi chép cũng sẽ giúp bạn ghi nhớ mọi thứ đọc được tốt hơn để khi áp dụng đạt hiệu quả tốt.
-
Lựa chọn không gian thoải mái nhất: Thông thường, những quán cà phê yên tĩnh, thư viện sách là nơi lý tưởng để làm việc này. Tuy nhiên, nếu bạn muốn riêng tư hơn, hãy tự sáng tạo cho mình một không gian đọc của chính mình. Điều này cũng có thể là động lực đầu tiên giúp bạn hình thành thêm thói quen đọc sách hữu ích.
5+ Cuốn sách quản lý thời gian nên đọc để có 24h trọn vẹn
Dưới đây là những cuốn sách hay về quản lý thời gian giúp bạn thoải mái và dễ dàng khi bắt đầu lên kế hoạch cho mọi thứ.
20 Giờ đầu tiên
Link đọc sách: Link
Tác giả: Josh Kaufman
Nội dung chính:
Quyển sách này được đề cập tới đầu tiên vì nó sẽ giúp bạn cách học kỹ năng nhanh, rất phù hợp để hiểu được cách xây dựng và rèn luyện thói quen lên kế hoạch quản trị thời gian.
Nội dung sách bao gồm các ý tưởng và bài tập thực hành đơn giản nên bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để đọc. Đằng sau bài tập, tác giả sẽ giải thích cách dùng những nguyên tắc này trong thực tế bằng cách chỉ cho bạn biết học các kỹ năng mới dưới đây trong vòng chưa tới 20h mỗi kỹ năng, không quá 90 phút thực hành/ngày như thế nào.
-
Phát triển bài tập yoga cá nhân
-
Viết chương trình máy tính dựa trên web
-
Học lại cách gõ 10 ngón
-
Khám phá boardgame cổ nhất và phức tạp nhất trong lịch sử
-
Chơi được một nhạc cụ
-
Lướt ván
Kiểm soát thời gian – Chu toàn mọi việc
Link đọc sách: Link
Tác giả: Alec Mckenzie và Patricia Nickerson
Nội dung chính:
Trong quản trị thời gian, có một thứ luôn làm hỏng kế hoạch mà các chuyên gia gọi là “Cạm bẫy thời gian”. Nó khiến con người cảm giác như thời gian của họ bị tắc lại trong dòng chảy vô tận của công việc và trách nhiệm, và cuộc sống trở nên khó khăn và mất kiểm soát hơn cho dù họ đã cố gắng hết sức.
Bởi vậy, việc ra đời cuốn sách này là quá trình nghiên cứu hơn 1 thập kỷ giữa 2 tác giả và nhiều doanh nhân trên khắp thế giới. Nó sẽ tiết lộ những cách thức tối ưu giúp bạn kiểm soát thời gian một cách hiệu quả nhất.
Theo đó, với các chiến thuật thông minh, những kinh nghiệm được rút ra từ các bài phỏng vấn chuyên sâu cùng nhiều công cụ quản lý thời gian hiệu quả được sắp xếp hợp lý và logic, cuốn sách sẽ hỗ trợ bạn:
-
Tránh những cách “tiết kiệm thời gian” không hiệu quả
-
Xây dựng và theo đuổi mục tiêu đã đặt ra đến phút chót
-
Tính toán thời gian hợp lý cho từng nhiệm vụ
-
Xác định nguyên nhân và tránh lãng phí thời gian
-
Giúp bản thân trở nên năng động và chuyên nghiệp hơn
Sách quản lý thời gian – 18 Phút
Link đọc sách: Link
Tác giả: Peter Bregman
Nội dung chính:
Tại sao lại là 18 phút? Vốn đơn giản chỉ là 1 khoảng thời gian nhỏ trong 24h mỗi ngày của chúng ta. Tuy nhiên, tiêu đề cuốn sách muốn nhấn mạnh với bạn về cách thức làm chủ một năm, một ngày và cả một thời điểm ngắn ngủi toàn diện, để chúng ta có thể tập trung thực hiện những gì chúng ta cho là quan trọng nhất.
Song song với những điều quan trọng, khẩn cấp, bạn cũng dễ dàng đưa ra quyết định thông minh và đúng đắn về những gì đáng và không đáng làm đồng thời cung cấp công cụ và kỹ năng đơn giản để theo đuổi những quyết định đó.
Tuần làm việc 4 giờ
Link đọc sách: Link
Tác giả: Timothy Ferriss
Nội dung chính:
Chỉ làm việc trong 4H mà thu nhập vẫn như 8H hay 10H,… Bí quyết sẽ được tiết lộ khi bạn có trong tay tập sách này. Tác giả sẽ hướng dẫn bạn cách quản lý thời gian, các mục tiêu cũng như thứ tự ưu tiên các công việc một cách hợp lý.
Cuốn sách này từng làm dấy lên một làn sóng tư tưởng mới mẻ tại thung lũng Silicon. Marc Andreessen – chuyên gia về tối ưu hóa năng suất làm việc cá nhân đồng thời là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất ở trung tâm công nghệ cao của thế giới trong một bài phỏng vấn cho biết: “Về cơ bản, việc Tim đã làm là tập hợp và chắt lọc những học thuyết về quản lý thời gian cùng năng suất lao động trong vòng 2, 3 thập kỷ vừa qua, sau đó tối ưu hoá nó và đưa ra những khái niệm mới, rất hữu dụng”.
Sức mạnh của thói quen
Link đọc sách: Link
Tác giả: Charles Duhigg
Nội dung chính:
Xây dựng & phát triển thói quen mới là cả 1 quá trình nhưng bạn cần phân biệt thói quen nào là tốt, thói quen nào là xấu để chúng trở thành chìa khóa thành công cho cuộc sống của chúng ta.
Với ba phần khá đầy đủ, Sức mạnh của thói quen cho bạn cái nhìn toàn diện không chỉ về thói quen cá nhân, của tổ chức mà còn là của toàn xã hội, cùng với lời khuyên để vận dụng các thói quen đó. Muốn thay đổi thói quen, bạn phải phá vỡ những việc làm tuỳ hứng hàng ngày – câu “thần chú” này chỉ đường cho bạn tới thành công.
Ngay bây giờ hoặc không bao giờ
Link đọc sách: Link
Tác giả: S.J.Scott
Nội dung chính:
“Sự trì hoãn” có lẽ là mối nguy hiểm lớn nhất trong việc quản trị thời gian, nhất là với những người không tập trung, dễ phân tâm. Cuốn sách sẽ giúp bạn khám phá ra hàng loạt ý tưởng giúp bản thân vượt qua sự trì hoãn hằng ngày.
Hơn nữa, trong khi nhiều cuốn sách khác chỉ cung cấp những mẹo mực đơn giản thì với cuốn sách này, bạn sẽ biết được tại sao một chiến lược lại trở nên hiệu quả, nó loại bỏ những hạn chế và niềm tin nào và bằng cách nào chiến lược ấy có thể được ứng dụng tức thì vào cuộc sống của bạn…
Đặc biệt, trong cuốn sách này, S.J.Scott đã cung cấp chi tiết những kế hoạch hành động: Từ chăm sóc sức khỏe, thể dục, công việc cho tới các mối quan hệ cá nhân. Nội dung cuốn sách tập trung tối đa vào hai chữ “hành động”. Vì vậy, thay vì phải đọc những lời khuyên chung chung, bạn sẽ nhận được những phương pháp có thể được thực hiện ngay lập tức nhằm tạo lập những thói quen có thể đánh bại sự trì hoãn.
Bài học hay nhất “đúc kết” từ những cuốn sách quản lý thời gian
Thông qua phần giới thiệu và review chung về nội dung sách, bạn sẽ biết được mình nên chọn cuốn nào để đọc và làm thử. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ thêm cho bạn trong việc “đúc kết” lại một số bài học ý nghĩa nhất và đặt chúng ở phần này.
Cách để bắt đầu học kỹ năng mới nhanh & hiệu quả
Bài học này nằm trong cuốn 20 Giờ đầu tiên. Học tập nhanh chóng một kỹ năng là một quá trình chia nhỏ kỹ năng mà bạn muốn học và luyện tập từng phần nhỏ nhất đó một cách cẩn thận và chú tâm. Việc học tập này bao gồm 4 bước chính: Chia nhỏ – Học – Loại Bỏ – Luyện tập. Trong đó:
-
Chia nhỏ là bước chia một kỹ năng hay một kiến thức mà mình muốn học thành các hợp phần nhỏ hơn.
-
Học là quá trình tiếp thu các hợp phần nhỏ của một kỹ năng đã được chia nhỏ ở bước đầu tiên đến mức có thể hiểu một cách thông suốt và có khả năng tự điều chỉnh trong lúc luyện tập.
-
Loại bỏ là quá trình loại bỏ các rào cản về mặt thể chất, tinh thần, và tâm lý cho việc luyện tập kỹ năng đang học.
-
Luyện tập là dành tối thiểu 20 giờ để thực hành các hợp phần nhỏ, quan trọng của kỹ năng đang học.
Dựa vào 4 bước chính để học nhanh một kỹ năng nào đó, Josh Kaufman cũng chỉ cho người đọc thấy 10 nguyên tắc quan trọng cho việc tiếp thu kỹ năng nhanh chóng, bao gồm:
-
Lựa chọn một dự án hay mục tiêu nào đó mà bạn thực sự thích,
-
Lập trung toàn bộ năng lượng vào một phần nhỏ của kỹ năng cần học,
-
Xác định mức độ thành thạo kỹ năng mà bạn muốn,
-
Chia nhỏ kỹ năng thành các hợp phần nhỏ hơn,
-
Lựa chọn công cụ để học,
-
Loại bỏ rào cản để luyện tập,
-
Chuyên tâm,
-
Nhận những phản hồi từ mọi người xung quanh như người hướng dẫn, bạn bè hay người thân,
-
Luyện tập tính giờ,
-
Hướng đến sự thành thạo kỹ năng cả ở khía cạnh số lượng và tốc độ.
Tìm hiểu nguyên nhân và tránh lãng phí thời gian
Đề cập trong cuốn Kiểm Soát Thời Gian – Chu Toàn Mọi Việc, đặt vấn đề tại sao chúng ta có thể làm chủ thời gian của mình trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng lại không thể làm chủ được thời gian trong những ngày bình thường?
Chính bởi sự kết hợp của bộ ba “siêu bẫy” bao quát toàn diện, từ đó hình thành nên những chiếc bẫy thời gian. Đó là:
Những xao lãng tầm thường
Nếu bạn giống như hầu hết những người khác, thì ắt hẳn nhà cửa, ô tô, và văn phòng của bạn phải tràn ngập các thiết bị hiện đại. Có thể bạn sẽ cập nhật tình hình thế giới mỗi tích tắc, phản ứng kịp thời với bất cứ thách thức hay cơ hội nào xuất hiện. Nhưng liệu chúng ta có nên làm thế hay không?
Những kỳ vọng quá mức
Kỳ vọng về đa nhiệm như đọc tin nhắn hay trả lời điện thoại trong khi đang nhâm nhi ly cà phê hoặc trong khi di chuyển trên đường sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn liệu có đúng?
Thực tế, nếu có thể duy trì sự tập trung từ đầu đến cuối, giải quyết công việc nhanh gọn, rồi sau đó chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo, thì chúng ta có lẽ đã hoàn thành nhiều việc hơn.
Nếu liệt kê những nhiệm vụ tiếp theo ra giấy, lưu sẵn trên màn hình, giữ chúng trong tầm mắt, chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ. Nhưng cùng lúc, chúng ta cũng nên dành cho mỗi công việc sự tập trung toàn vẹn, chứ không phải là sự tập trung bị-phân-tán, để tiết kiệm thời gian tối ưu nhất.
Những vấn đề quan trọng khẩn cấp
Như đã nói, chỉ với 1 thiết bị thông minh, bạn có thể cập nhật và phản ứng với mọi thông tin bạn tiếp cận. Nhưng nếu dùng toàn thời gian xử trí với tất cả những điều đó thì liệu bạn có bỏ lỡ vấn đề quan trọng nhất đem lại hiệu quả tốt nhất mà mình cần tập trung không?
Sử dụng thời gian ưu tiên để tập trung cho việc quan trọng nhất
Trong cuốn 18 Phút, tác giả nhắc nhở độc giả điều gì đáng làm và không đáng làm – Đó là cách giải quyết trọn vẹn và thực sự hiệu quả dành cho: Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi thời khắc.
Theo đó, 5 phần của cuốn sách bao gồm:
-
Phần 1: Tạm Dừng – Nếu những quan niệm và thói quen cũ được làm khác đi thì kết quả sẽ vô cùng bất ngờ. Bạn đọc cũng sẽ biết cách tập trung vào những điều đúng đắn, đưa nó vào kế hoạch hằng ngày, thực hiện và theo sát nó.
-
Phần 2: Làm gì trong năm nay? – 4 yếu tố then chốt nhất của một năm và nguyên nhân để gạt bỏ sự mất tập trung.
-
Phần 3: Làm gì hôm nay? – Bạn cần đảm bảo hoàn thành kế hoạch hằng ngày một cách đều đặn, đúng hạn. Cho đến cuối năm bạn sẽ bất ngờ với thành quả bạn đạt được.
-
Phần 4: Làm gì bây giờ? – Với 3 phần nhỏ gồm: Làm chủ thế chủ động, Làm chủ những ranh giới và Làm chủ bản thân, tác giả chia sẻ những mẹo nhỏ, những nguyên tắc giúp bạn đi đúng hướng.
-
Phần 5: Bây giờ làm sao? – Cung cấp cho bạn đọc những phương pháp tạo đà cơ bản để bạn bắt đầu kế hoạch 18 Phút mỗi ngày.
Chỉ với 18 Phút đủ để bạn tập trung cho tất cả những việc cần ưu tiên trong ngày, với kế hoạch 3 bước:
Bước 1: (5 phút) – Buổi sáng của bạn. Bạn cần dành 5 phút đầu ngày nên kế hoạch những việc phải làm. Cho những việc ưu tiên lên hàng đầu. Thực hiện trong 3 ngày liên tục để xem xét loại bỏ và giữ lại những việc gì quan trọng nhất. Sau đó bạn cứ thực hiện đều đặn những việc đúng đắn hằng ngày.
Bước 2: (1 phút mỗi giờ) – Tái tập trung. Cứ mỗi 1 tiếng đồng hồ qua đi, bạn hãy dành 1 phút để kiểm tra lại: Mình đã làm việc tập trung trong giờ vừa rồi hay chưa? Quản lý thời gian theo từng giờ sẽ giúp bạn tái tập trung và tránh xao nhãng tốt nhất.
Bước 3: (5 phút) – Kết thúc một ngày. Vào cuối ngày bạn hãy dành ra 5 phút trả lời 3 câu hỏi sau:
-
Ngày hôm nay đã trôi qua thế nào? Tôi đã đạt được thành công nào? Tôi đã trải qua thử thách nào?
-
Tôi đã học được gì hôm nay? Về bản thân tôi? Về những người khác? Tôi dự định làm điều gì – tương tự hoặc khác biệt – vào ngày mai?
-
Tôi đã gặp gỡ những ai? tôi có cần cập nhật thông tin về ai không? Hay cảm ơn ai đó? Hỏi thăm? Chia sẻ phản hồi?
Phân biệt thói quen “TỐT” – “XẤU”
Hãy tưởng tượng kịch bản này: mỗi buổi chiều trong năm vừa qua, bạn đã mua và ăn chiếc bánh quy có vụn sô-cô-la nhiều đường ngon tuyệt từ các quán cà phê tại nơi làm việc của bạn. Gọi nó chỉ là một phần thưởng cho một ngày làm việc vất vả.
Thật không may, như một vài người bạn đã chỉ ra, bạn đã bắt đầu tăng cân, vì vậy bạn quyết định từ bỏ thói quen. Nhưng bạn có hình dung được bạn sẽ cảm thấy muốn làm như vậy vào buổi chiều đầu tiên, đi ngang qua quán cà phê? Dám cá rằng, bạn có sẽ ăn “thêm chỉ một cái bánh quy nữa” – Đây chính là thói quen “XẤU”.
Trái lại, một nghiên cứu chỉ ra rằng những người dự định tập thể dục thường xuyên luôn thèm khát một cái gì đó từ việc tập luyện, Họ nhận được lời khen và một thân hình đẹp, sức khỏe tốt và coi nó là phần thưởng – Đó là thói quen “TỐT”.
Như vậy, điểm chung giữa 2 loại thói quen là sự ham muốn cá nhân. Để giảm bớt thói quen xấu, bạn phải rèn luyện ý chí để loại bỏ ham muốn về việc ăn bánh ngọt mỗi buổi chiều, thay vào đó hãy tăng ham muốn tập luyện bằng cách không rẽ vào quán cà phê để mua bánh mà đi thật nhanh về nhà để tập luyện được nhiều thời gian hơn.
5+ Cuốn sách quản lý thời gian với những kiến thức, bài tập và dẫn chứng thực tế đã phần nào giúp bạn hình thành quá trình bắt đầu quản trị thời gian của mình. Hãy áp dụng và chia sẻ cho chúng tôi biết nếu bạn đã thay đổi nhờ những cuốn sách này nhé!
Nguồn: Tổng hợp Internet