Chế độ dinh dưỡng hợp lý không những cải thiện được tình trạng của bệnh nhân xơ gan mà còn có vai trò quan trọng giúp cải thiện tình trạng xơ gan cũng như phòng ngừa biến chứng trong xơ gan mất bù. Vậy dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan như thế nào là hợp lý? Cùng Blog An Choi tìm hiểu ngay thôi nào!
Xơ gan là gì?
Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh lý viêm gan mạn. Nhu mô gan bình thường bị thay thế bởi các mô sẹo và các nốt, dẫn đến suy giảm chức năng gan (suy gan).
Ai có nguy cơ cao bị xơ gan?
- Nhiễm virus viêm gan B, C.
- Nghiện rượu. Nghiên cứu cho thấy nếu mỗi ngày uống 1 xị rượu (250ml) hoặc 500ml bia thì trong vòng 10 năm có thể sẽ dẫn đến xơ gan, đặc biệt trên cơ địa người bị viêm gan virus B, C hoặc những người có sẵn các bệnh về gan thì xơ gan sẽ tiến triển nhanh hơn.
- Bệnh lý gan: Gan nhiễm mỡ, bệnh đường mật kéo dài, viêm gan tự miễn, ung thư gan,…
- Gan bị tích tụ sắt (haemochromatosis), đồng (bệnh wilson).
- Nguyên nhân khác: Nhiễm ký sinh trùng (sán lá gan), thuốc (Methotrexate, Amiodarone), bệnh tắc nghẽn tĩnh mạch gan (hội chứng Budd – chiari), suy tim phải,…
Chẩn đoán bệnh xơ gan bằng cách nào?
Thường không có hoặc có biển hiện không rõ và bệnh diễn tiến âm thầm. Các biển hiện ban đầu có thể là:
- Mệt mỏi
- Cảm giác khó tiêu
- Biếng ăn và sụt cân
- Buồn ói, đau bụng
- Trên da có những vết mạch máu hình giống “con nhện nhỏ màu đỏ” (dấu sao mạch)
Khi chức năng gan bị suy trầm trọng (giai đoạn muộn) sẽ có những biển hiện như:
- Phù chân hay báng bụng (cổ trướng)
- Sạm và vàng da, vàng mắt
- Lòng bàn tay son
- Dấu sao mạch trên da
- Dễ chảy máu (răng, mũi, dạ dày, ruột)
- Rối loạn tâm thần kinh
- Ở nam: Giảm ham muốn tình dục, vú to
Chẩn đoán bệnh sẽ được dựa vào:
- Khai thác tiền sử (như uống rượu bia, dùng thuốc hại gan, viêm gan, truyền máu, gia đình có người bị bệnh gan,…)
- Những biểu hiện của bệnh nguyên hay những biểu hiện rõ ràng của bệnh giai đoạn muộn.
- Xét nghiệm máu, siêu âm bụng, nội soi tiêu hóa hay CT – scan cắt lớp hoặc sinh thiết gan. Trong đó, sinh thiết gan là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh xơ gan.
Phương thức điều trị bệnh xơ gan như thế nào?
Nếu bệnh được phát hiện sớm thì điều trị có thể làm chậm diễn tiến đến xơ gan nặng. Điều trị sẽ theo nguyên nhân gây bệnh như:
- Chương trình điều trị nghiện rượu cho người nghiện rượu vì những người nghiện rượu không thể bắt họ ngưng uống rượu ngay.
- Điều trị bằng thuốc cho người viêm gan siêu vi B, C để gan không bị tổn thương thêm.
- Phương thức điều trị khác tùy theo nguyên nhân gây bệnh xơ gan.
- Khi bệnh có biến chứng nặng, điều trị lúc đó chủ yếu là điều trị biến chứng như báng bụng, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng hay hôn mê gan.
- Ghép gan là giải pháp cuối cùng cho người xơ gan giai đoạn cuối.
Bệnh xơ gan ảnh hưởng như thế nào lên tình trạng dinh dưỡng?
Gan được xem là nhà máy để chế biến và tổng hợp (chuyển hóa), dự trữ các chất dinh dưỡng và thải độc để duy trì hoạt động sống của cơ thể. Các chất dinh dưỡng (đường, đạm, béo, chất khoáng và vitamin) từ thức ăn sau khi được tiêu hóa và hấp thu vào máu sẽ được chuyển đến gan để được chuyển hóa, dự trữ và đào thải. Bên cạnh đó, gan còn có chức năng chuyển hóa và đào thải rượu, một số thuốc.
Vì gan có vai trò quan trọng trong chuyển hóa các chất dinh dưỡng như vậy nên một khi xơ gan, suy gan sẽ dẫn đến ăn không tiêu, cảm giác mau no, ăn không ngon miệng hoặc có cảm giác buồn nôn,… dẫn đến người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng. Suy gan càng nặng thì tần suất và mức độ suy dinh dưỡng càng nhiều và càng nặng.
Suy dinh dưỡng có những biểu hiện sau:
- Biếng ăn hay ăn uống kém (dưới 50% so với bình thường).
- Sụt cân nhiều không chủ ý (trong trường hợp bệnh nhân không có phù, không báng bụng). Ngược lại, tăng cân nhanh trong thời gian ngắn có thể là dấu hiệu của báng bụng hay phù.
- Teo cơ hay mất lớp mỡ dưới da.
- Giảm sức cơ, đi lại yếu, mệt mỏi.
Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về dinh dưỡng:
- Dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng thận hư, cần lưu ý những gì?
- Hướng dẫn lựa chọn thực phẩm và thay đổi lối sống trong bệnh đái tháo đường type 2
Hãy tiếp tục theo dõi Timnhanh.com.vn để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
Tài liệu tham khảo:
Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy,Dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan