Ngoài Tam Cốc – Bích Động, di sản Tràng An, chùa Bái Đính,… Ninh Bình còn hấp dẫn du khách với nhiều điểm đến tâm linh của vùng đất địa linh nhân kiệt. Một con đường hoa đẹp như trong phim Hàn cũng đang kéo khách tò mò đến check-in.
Tuần Du lịch Ninh Bình với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”, kéo dài từ 27/5-4/6, với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó có những điểm đến mới địa phương muốn giới thiệu, đưa vào khai thác trong thời gian tới.
Ngắm bức tranh lúa vàng rực rỡ
Mùa lúa chín ở Tam Cốc (Hoa Lư, Ninh Bình) thường bắt đầu vào tháng 5 hằng năm. Khi bức tranh Tam Cốc tô màu vàng rực rỡ, cũng là thời điểm diễn ra Tuần Du lịch Ninh Bình, với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”.
Điểm nhấn trên cánh đồng lúa Tam Cốc thơ mộng rộng hơn 9.500m2 năm nay là bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt”, còn có tên gọi cá chép chơi trăng, được khắc họa bằng chính cây lúa nước, qua đó gửi gắm ước vọng của người dân địa phương cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngày khai mạc, đoàn thuyền nối đuôi nhau đưa du khách trải nghiệm trên dòng sông Ngô Đồng, nhìn ngắm, chiêm ngưỡng một trong 5 cánh đồng đẹp nhất Việt Nam đúng vào mùa chín rộ. Khách được mãn nhãn với màn rước rồng, cờ hội; được thưởng thức các làn điệu chèo, dân ca, hát xẩm,… suốt hành trình.
Là vị khách lần đầu tiên được tham dự lễ hội, bà Nguyễn Hòa Thu (50 tuổi) đến từ Nam Định, thích thú vừa ngồi trên thuyền ngắm cảnh, vừa chụp ảnh và thi thoảng livestream giới thiệu để mọi người ở nhà cùng xem. “Chưa bao giờ tôi được xem rước rồng trên thuyền, lại được ngắm cảnh núi non sông nước lúa chín vàng đẹp như vậy”, bà trầm trồ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, việc phát triển du lịch gắn với thế mạnh của địa phương, đặc biệt là phát triển rất tốt loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, với cộng đồng, đã góp phần tạo nên hình ảnh và thương hiệu của du lịch Ninh Bình.
Hành trình chiêm bái tại vùng đất địa linh nhân kiệt
Đến Ninh Bình, du khách không thể bỏ qua các điểm đến tâm linh tại huyện Gia Viễn, bởi đây là vùng đất “sinh vương, sinh thánh”, nơi đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và thánh Nguyễn Minh Không (Lý Quốc Sư).
Đó là ngôi đền cổ Đức Thánh Nguyễn, được xây dựng trên nền ngôi chùa cách đây cả nghìn năm (1121) tại làng Điềm, thuộc hai xã Gia Thắng, Gia Tiến. Đền thờ thánh Nguyễn Minh Không. Ông là quốc sư thời Lý, sinh ra trên đất này.
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, cho biết, cả nước có 500 đền thờ ông, riêng Ninh Bình có 24 đền. Trong tại Gia Viễn có 17 đền, nằm dọc theo sông Hoàng Long, cũng là con sông cổ, gắn với tích cờ lau tập trận của vua Đinh, vùng đất địa linh nhân kiệt.
Tôn chỉ của ngài là tích thiện, mong mọi người sống thiện, yêu thương nhau. Bước vào đền với tâm thế thiện, thánh Nguyễn Minh Không đã truyền thụ và đưa du khách cảm nhận về một thế giới vua tôi đồng lòng, quần tụ thể hiện ở con nghê ngồi trên đầu rồng, họa tiết tiên, bức hoạt cảnh đời thường…
Trong hành trình chiêm bái, du khách còn được tham quan đền Văn Bòng, hay còn có tên là đền Đinh Bộ Lĩnh – một ngôi đền cổ khác trên địa bàn xã Gia Phương, thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là quê gốc, nơi đức vua sinh ra và cũng là quê hương của nhiều danh tướng triều Đinh.
Đoàn khách chúng tôi may mắn được chứng kiến và cùng tham gia Lễ báo công học sinh tiêu biểu năm học 2022-2023 của một trường tiểu học trên địa bàn. Trong tiếng trống và tiếng đọc trang trọng của bậc bô lão, cả cô trò và du khách đều cảm nhận được không khí linh thiêng và tự hào.
Check-in con đường hoa đẹp như phim Hàn
Điểm ấn tượng với du khách lần đầu đến với Khánh Thiện là không khí làng quê thanh bình, hạ tầng cơ sở phát triển, đường làng sạch đẹp. Là mô hình điểm nông thôn mới, với nhiều làng nghề truyền thống và người dân chăm chỉ, chịu khó đã mang đến cuộc sống no đủ tại vùng quê này.
Đặc biệt, con đường hoa dài 2km rực rỡ sắc màu hoa giấy, hoa ngũ sắc, hàng cây tỉa thẳng tắp,… được xây dựng từ năm 2019 nối hai xã Khánh Tiên và Khánh Thiện, khiến du khách hết lời khen ngợi.
Chị Hải, một du khách đến từ Hà Nội, nhận xét, nếu đạp xe đi dạo trên con đường này vào buổi sớm, chiều mát thì thật tuyệt.
Nhưng, Khánh Thiện không chỉ có đường hoa. Nơi đây còn có rất nhiều điểm có thể kết hợp làm du lịch, với các di tích lịch sử văn hóa có giá trị, tuổi đời hàng trăm năm như Chùa Đọ, đền Quan Thám, đình Hàng Tổng; hay các điểm tham quan cầu Âu Xanh, bến đò Xanh nối với tỉnh Nam Định ở bờ bên kia sông Đáy, kho dự trữ lương thực quốc gia,…
Nơi đây còn được biết đến với văn hóa ẩm thực độc đáo và đa dạng, những món ngon làm say lòng du khách. Trong đó, bánh đa vừng, chạo chân giò và chả đa vuông của xã Khánh Thiện là ba món ngon tiêu biểu từ 18 đặc sản của xã và là những món ăn truyền thống, được người dân nơi đây lưu giữ và truyền đến nay.
Cùng với làng nghề ẩm thực Phong An, xã Khánh Thiện còn có làng nghề cây cảnh, làng nghề đan lát (bèo, cói, đay, rơm rạ), trồng rau hữu cơ…
Với nhiều tiềm năng như vậy, Khánh Thiện hướng tới phát triển du lịch nông nghiệp. Đề án cho mô hình này đang trong quá trình xây dựng, dự kiến triển khai từ các năm 2023-2030, tầm nhìn 2040 với tổng mức đầu tư gần 52 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Toàn, Phó Bí thư xã Khánh Thiện, chia sẻ, người dân nơi đây đã sẵn sàng tham gia cùng địa phương, như chỉnh trang nhà cửa, đảm bảo trang thiết bị để sản xuất bún bánh, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, các đơn vị lữ hành cho rằng, địa phương cần sớm hoàn thiện hệ thống sản phẩm, có những hoạt động cụ thể để tăng trải nghiệm cho khách, đóng gói sản phẩm nông nghiệp hấp dẫn hơn mới có thể đưa vào chương trình tham quan của khách.