Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh góp phần hỗ trợ con tự phục vụ nhu cầu cá nhân một cách dễ dàng. Bài viết này sẽ giúp ba mẹ nhận biết dấu hiệu các bé tự kỷ đã sẵn sàng đi vệ sinh & phương pháp rèn luyện đúng để con đi sạch sẽ.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ đã sẵn sàng rèn luyện đi vệ sinh
Tương tự các bé bình thường, trẻ tự kỷ cũng có những dấu hiệu để người lớn nhận biết rằng con đã sẵn sàng tự vệ sinh cá nhân. Dưới đây là một vài dấu hiệu điển hình:
-
Biết thông báo cho người lớn: Khi con bắt đầu biết gọi hoặc ra tín hiệu cho người lớn bằng hành động thì lúc đó con đã sẵn sàng để ba mẹ hướng dẫn tự đi vệ sinh. Vì bé tự kỷ thường hạn chế giao tiếp nên đa số sẽ ra tín hiệu bằng động chạm vào vùng nhạy cảm.
-
Có khả năng làm theo những chỉ dẫn đơn giản: Tuy bé tự kỷ hạn chế giao tiếp, có thể không nghe lời nhưng nếu trẻ đã được ba mẹ cho can thiệp từ trước thì con sẽ có khả năng làm theo chỉ dẫn đơn giản khi đi vệ sinh như “ngồi xuống bồn”, “ngồi vào bô”, “tự kéo quần lên/ xuống”.
-
Đi vệ sinh đều đặn: Bằng cách theo dõi thời gian giữa các lần đi vệ sinh của trẻ trong 1 vài ngày, bạn có thể nắm được tần suất đi tiểu của con. Nếu con đi đều đặn, bạn hãy tính toán khoảng thời gian phù hợp để hỏi và dẫn bé đi vệ sinh nếu con có nhu cầu. Thực hiện nhiều lần con sẽ bớt e ngại và sẽ nói với bạn khi con muốn đi tiểu.
-
Tiểu tiện tự chủ: Nếu con có khả năng nhịn tiểu ít nhất 1h vào ban ngày thì đây là lúc bạn có thể cho trẻ tự đi vệ sinh. Bởi thông thường những bé chưa sẵn sàng, con mải chơi và cũng chưa nhận biết được cảm giác buồn đi vệ sinh như thế nào, vì thế con vẫn chăm chú vào trò chơi mà không gọi người lớn để đi tiểu.
Các bước rèn luyện trẻ tự kỷ đi vệ sinh sạch sẽ đúng cách
Trước hết, cha mẹ cần hiểu rằng vấn đề cốt lõi trong việc dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh là giao tiếp và tập luyện thường xuyên cùng con, vì vậy với các bước hướng dẫn dưới đây, bạn hãy luôn đồng hành cùng bé cho đến khi bản thân con có thể tự chủ cả quá trình.
Dạy con nhận biết cảm giác “buồn đi vệ sinh”
Hãy hướng dẫn con khi vùng kín có cảm giác buồn thì lúc đó con có thể cần đi vệ sinh. Lúc đó, hãy gọi ba mẹ trợ giúp hoặc ra tín hiệu bằng cách sờ vào quần để người lớn biết được nhu cầu của con.
Giúp con nhận thức về việc đi vệ sinh đúng chỗ
Khi con đã tự cảm nhận “buồn tè” là như thế nào, bạn hãy dạy con cần đi đến đúng chỗ để đi vệ sinh, kể cả ở nhà hay nơi công cộng. Đây là trách nhiệm của cha mẹ và cũng là trách nhiệm của con trong việc thực hiện giữ gìn vệ sinh trong nhà và môi trường an toàn, sạch đẹp.
Thiết kế không gian “nhà vệ sinh” thuận tiện cho bé
Song song với chỉ dẫn bằng lời nói, bạn nên tạo không gian thú vị cho các con tự kỷ bằng cách dán tranh hướng dẫn cách đi với đầy đủ các bước từ việc ngồi bồn cầu, kéo quần, lấy giấy lau, cho đến vệ sinh tay hoặc dán giấy hướng dẫn lên các đồ vật liên quan như giấy vệ sinh, nút xả, bồn rửa,… để con biết được chức năng của chúng.
Tập cho bé ngồi bồn cầu
Tuy đây là một hành động nhỏ nhưng ba mẹ cần giải thích kỹ về cách dùng và công dụng các các bộ phận như nắp bồn, nút rửa để con biết cách đi đúng. Đối với bé trai, hãy dạy con đứng đúng chỗ để không bị văng ra ngoài, với bé gái hãy chỉ cho con cách ngồi đúng để không bị dính bẩn vào người.
Dạy con cách cởi và mặc đồ
Tiếp theo đó, bạn cần dạy cách cởi và mặc quần khi đi vệ sinh. Nếu đi nhẹ, hãy chỉ con cách kéo quần lên, xuống. Nếu đi nặng, hãy hướng dẫn bé cách cởi và mặc quần sao cho không bị mặc trái. Bước này cũng có thể áp dụng khi dạy trẻ mặc quần áo sau tắm hoặc bị ướt người do đi mưa,…
Hướng dẫn con rửa tay sau khi đi vệ sinh
Đây là bước quan trọng giúp con tự bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn trong quá trình đi vệ sinh. Thực hiện thường xuyên sẽ tạo thói quen tốt cho con sau này. Việc này có thể phức tạp nhưng ba mẹ hãy theo sát, giúp đỡ con bằng lời nói để con ghi nhớ và tự chủ vào những lần sau.
Những phương pháp dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh ba mẹ nên áp dụng ngay
Cùng với việc hướng dẫn những nội dung quan trọng trong quá trình cho trẻ đi vệ sinh, ba mẹ muốn đồng hành hiệu quả cần có phương pháp dạy đúng đắn. Đặc biệt với các bé tự kỷ, các con luôn cần ba mẹ ở bên, trò chuyện thật nhiều và luôn tạo không gian thoải mái nhất để con tiếp thu mọi điều một cách dễ dàng.
Thường xuyên trò chuyện cùng con
Điểm chung của các bé tự kỷ là con ngại giao tiếp, thường chậm phát triển ngôn ngữ & nhận thức, vì vậy cha mẹ cần quan tâm trẻ nhiều hơn để con tự mình cảm thấy an toàn & sẵn sàng chia sẻ.
Theo đó, bằng cách trò chuyện về những việc con làm hàng ngày, sở thích bí mật hoặc cùng nhau đọc, kể những câu chuyện ý nghĩa, chơi trò chơi vui nhộn hay làm theo các hành động con thích để con tương tác lại đã một thành công lớn.
Sử dụng tranh ảnh hướng dẫn
Theo nhiều nghiên cứu y khoa, trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ thường là đối tượng học nhanh hơn bằng hình ảnh, vì thế bạn có thể hỗ trợ việc học của bé bằng tranh ảnh. Thiết lập lịch trình bằng hình ảnh sinh động giúp con cải thiện thói quen sử dụng nhà vệ sinh và nhắc nhở việc luyện tập hằng ngày.
Ba mẹ hãy tạo & dán lịch trình lên tường gần bồn cầu hoặc gần bô đi vệ sinh của trẻ. Lặp lại lịch trình cho trẻ 2-3 lần/ ngày. Bất kỳ ai hướng dẫn bé đi vệ sinh đều phải tuân theo thói quen này. Có như vậy, việc luyện tập mới được nhất quán và trẻ sẽ nhanh chóng làm quen hơn.
Kể chuyện kết hợp tình huống cụ thể
Kể chuyện giúp trẻ mắc tự kỷ phát triển hành vi và phản ứng phù hợp. Những câu chuyện này cũng có thể hỗ trợ con vượt qua những tình huống thử thách như đi vệ sinh.
Về nội dung truyện, ba mẹ nên chọn truyện được xây dựng từ góc nhìn của bé tự kỷ, cốt truyện mô tả các tình huống như: Đi vệ sinh ở nơi công cộng, bắt đầu đi vệ sinh như thế nào. Các câu chuyện cần sử dụng câu từ đơn giản kèm ảnh minh họa rõ ràng giúp con dễ tưởng tượng.
Kết hợp với kể chuyện, bạn hãy đưa ra thông tin cụ thể về những điều diễn ra trong truyện, giải thích lý do vì sao con nên phản ứng tương tự những nhân vật trong truyện một cách cụ thể. Giả sử nội dung đề cập đến việc bé đi vệ sinh ở nơi công cộng, ba mẹ hãy giải thích và cho trẻ tập luyện tình huống này. Có như vậy, con sẽ biết cách áp dụng câu chuyện để điều chỉnh hành vi.
Tạo không gian thoải mái & cảm giác an toàn
Đối với trẻ tự kỷ, tạo không gian thoải mái & cảm giác an toàn là cách tốt nhất để con mở lòng, tự mình chia sẻ và hứng thú với mọi hoạt động xung quanh. Vì vậy hãy luôn ở cạnh khi con cần và động viên con thật nhiều ba mẹ nhé!
Khuyến khích và khen thưởng
Trong quá trình từng bước dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh, ba mẹ nên khen thưởng và khuyến khích con thường xuyên để trẻ tự tin hơn về những điều mình đã làm được. Một số biện pháp như dùng lời nói khen ngợi hoặc cử chỉ vỗ tay hoan hô cũng đã giúp con phấn khởi hơn rất nhiều. Do đó, cha mẹ hãy thật kiên trì và giữ thái độ tích cực để con tự chủ thật tốt nhé!
Khó khăn thường gặp trong việc rèn luyện bé tự kỷ đi vệ sinh ba mẹ cần vượt qua
Nếu như với những bé bình thường bướng bỉnh đã khó thì với các con bị tự kỷ, việc rèn luyện càng khó khăn hơn. Dù vậy, ba mẹ cần hiểu rằng những khó khăn dưới đây là những điều chắc chắn bạn sẽ gặp phải, hãy cố gắng đồng hành cùng con vì mắc chứng tự kỷ vốn đã là thiệt thòi rất lớn.
Cảm giác sợ nhà vệ sinh
Đôi khi, trẻ tự kỷ có thái độ buồn bực, sợ hãi với việc đi vệ sinh & chúng thường cố né tránh bằng cách la hét, đánh người lớn. Tuy nhiên, ba mẹ nên kiên trì cho con tập ngồi bồn cầu mỗi ngày vài phút. Hãy chuẩn bị đệm bồn nếu con có cảm giác sợ bị rơi xuống bồn cầu đầy nước, hãy nói với con về tiếng xả bồn và giải thích tại sao lại có điều đó, v.v…
Chỉ đi vệ sinh khi ở nhà
Một số trẻ có cảm giác sợ hãi ở nơi công cộng vì vậy có những bé tự kỷ không dám đi vệ sinh khi ở trường hoặc nhà vệ sinh ở công viên, trung tâm thương mại. Điều này thật bất tiện nhưng ba mẹ cần giải thích cụ thể kết hợp động viên để con chủ động hơn trong tình huống này.
Các hành động lạ khi con đi vệ sinh
Với bé tự kỷ, các con có thể xuất hiện những hành động thể hiện sự quá tải cảm xúc như nhét giấy đầy bồn, giật nước liên tục, dây phân lên tường và những hành động khác không sạch sẽ. Trường hợp này, ba mẹ cần nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô can thiệp hoặc bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh hành vi & tâm lý của con.
Một số triệu chứng bệnh lý có thể xuất hiện
Các triệu chứng như táo bón, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xuất hiện khi con thường xuyên nhịn tiểu, không chịu đi tiểu, đi đại tiện vì sợ hãi. Để can thiệp, bạn cần đưa con đến bác sĩ để xác định chắc chắn nguyên nhân và có phương án điều trị kịp thời giúp con khỏe mạnh hơn.
Kiên trì, nhẫn nại và luôn đồng hành cùng con là cách dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh hiệu quả nhất. Việc không tự đi tiểu hầu hết xuất phát từ tâm lý e sợ hoặc thái độ bướng bỉnh tùy vào tâm lý từng đứa trẻ. Vì vậy, sự kết hợp giữa phương pháp rèn luyện đúng đắn của cha mẹ & sự can thiệp điều chỉnh hành vi của thầy cô, bác sĩ là yếu tố quan trọng để con cải thiện hơn mỗi ngày.
Nguồn: Tổng hợp Internet