Tháng 3, những cây hoa gạo trổ hoa rực rỡ, khoe vẻ đẹp ở ngôi chùa ngàn năm tuổi – chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội), thu hút người dân và du khách tới chiêm ngưỡng.
Hoa gạo (còn gọi là hoa mộc miên) thường nở vào tháng 3, gợi nhớ về những miền quê thanh bình với con sông, triền đê, mái đình, cổng làng…
Trung tuần tháng ba, cây hoa gạo ở chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) nở hoa đỏ rực, thu hút khách du lịch tìm tới ngôi chùa cổ kính ngàn năm tuổi chiêm ngưỡng
Vào mùa hoa, lá cây rụng hết, nhường chỗ cho những bông hoa đỏ rực thỏa sức khoe sắc trên cành, tạo thành điểm nhấn nổi bật giữa không gian hồ, núi, chùa cổ…
Hoa gạo cánh dày, màu đỏ cam rực rỡ như những đốm lửa. Dẫu cả khi rụng xuống, hoa vẫn giữ nguyên 5 cánh như lúc chớm nở
Trước đây, sân Chùa Cả (chùa chính dưới chân núi) có 5 cây hoa gạo cổ thụ, chẳng ai đếm được đã tồn tại bao nhiêu năm tuổi. Sau thăng trầm của thời gian, 4 cây gạo đã chết, chỉ còn một cây nằm mé bên trái chùa, gần cầu “Nhật Tiên Kiều” còn sống. Cây gạo cổ thụ sót lại cao khoảng 30m, với đường kính gốc cỡ 3 người ôm
Cành hoa gạo rủ xuống cầu “Nhật Tiên Kiều” cổ kính
Mùa hoa gạo nở là thời điểm thu hút nhiều du khách và các tay máy đến chụp ảnh. Nhiều thợ ảnh tại địa phương có thu nhập khá tốt trong mùa hoa này
“Hoa gạo đẹp, đẹp một cách đặc trưng, vừa mang màu đỏ rực rỡ giữa khung cảnh thiên nhiên vừa ẩn chứa nét bình yên, êm đềm của quê hương xứ Đoài. Mỗi sáng sớm, chiều muộn, khi đạp xe ngang chùa Thầy, tôi đều dừng lại nghỉ chân, ngắm mùa hoa gạo. Khi ấy, tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái và đan xen cả sự tự hào với vẻ đẹp quê hương”, ông Phan Văn Hùng và ông Phan Văn Tước (Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ
Chùa Thầy thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) được Nhà nước chính thức công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt kể từ năm 2015. Mỗi năm, chùa Thầy đón hàng vạn lượt du khách thập phương về tham quan, lễ bái
Thủy Đình cổ kính, rêu phong, được ví là viên ngọc giữa miệng rồng là kiến trúc biểu tượng của chùa Thầy. Vào những ngày lễ hội, nơi này trở thành sân khấu của các nghệ sĩ múa rối nước. Mùa hoa gạo, người dân, du khách thường nhặt những cánh hoa rơi, xếp thành hình xinh xắn để chụp ảnh, ngắm nhìn khi tới chùa
Tại Hà Nội không còn nhiều những cây gạo cổ thụ như chùa Thầy. Trong nội thành, du khách có thể ngắm nhìn cây gạo cổ thụ trên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn đối diện tượng đài Lý Thái Tổ, cây gạo ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hoặc cây gạo ở ngã ba Phương Mai – Giải Phóng…
Hoa gạo thường chỉ nở trong một tháng. Theo Đông y, toàn bộ cây gạo được sử dụng làm thuốc với tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Riêng hoa được sử dụng chữa nhiều bệnh như viêm loét dạ dày, tá tràng
Ảnh: Quang Minh