Tuần thứ 20 của quá trình mang thai là một cột mốc đáng chú ý, khi mà thai nhi đã hoàn thành một nửa hành trình lớn lên trong tử cung của mẹ. Cân nặng thai nhi tuần 20 và sự phát triển của bé trong giai đoạn này là những thông tin được mẹ bầu quan tâm hàng đầu. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây bạn nhé.
Cân nặng thai nhi tuần 20 trung bình là bao nhiêu?
Khi đề cập đến cân nặng của thai nhi ở tuần thứ 20, các chuyên gia cho biết ở thời điểm này em bé có kích thước tương đương với một quả xoài. Cụ thể chiều dài của bé khoảng 25,6cm tính từ đầu đến gót chân và nặng khoảng từ 0,286kg đến 0,380kg (tương đương 286-380g). Trong giai đoạn này, thai nhi ngày càng chiếm diện tích lớn hơn trong tử cung. Đặc biệt sự phát triển của bé sẽ tạo áp lực lên phổi, dạ dày, bàng quang và thận của mẹ.
Ngoài ra khi bước sang tuần thứ 20, hệ sinh sản của bé sẽ có sự phát triển vượt bậc:
- Bé gái: Số lượng trứng trong buồng trứng đạt đỉnh cao khi thai nhi ở tuần thứ 20, với khoảng từ sáu đến bảy triệu trứng. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm dần kể từ đây và tiếp tục giảm trong suốt cuộc đời của bé gái.
- Bé trai: Tinh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng, chuẩn bị di chuyển xuống vùng bẹn. Tuy nhiên, thường thì tinh hoàn không rơi xuống bìu cho đến khoảng tuần thứ 23-25 của thai kỳ.
Ngoài sự phát triển về hệ sinh sản, thai nhi ở tuần thứ 20 còn có những điểm sau:
- Bề mặt của thai nhi được bao phủ bởi một lớp sáp trắng gọi là vernix, giúp bảo vệ da bé khỏi nước ối. Dưới lớp vernix, da bé sẽ dày lên và hình thành nhiều lớp. Một trong những lớp này chứa các đường kẻ sẽ tạo nên nét riêng của dấu vân tay, bàn tay và chân.
- Tóc và móng của bé tiếp tục phát triển mạnh mẽ
- Tim của bé đập với tốc độ khoảng 120-160 nhịp mỗi phút.
- Các tuyến mồ hôi bắt đầu hình thành.
- Thai nhi trong bụng bắt đầu thải ra phân su, đây là chất có màu xanh đậm hoặc đen.
- Thai nhi ở tuần thứ 20 cũng có khả năng nghe thấy những âm thanh như tiếng tim đập hoặc giọng nói của mẹ, mặc dù tai của bé chưa được hình thành hoàn chỉnh.
Sự thay đổi của mẹ khi thai nhi 20 tuần như thế nào?
Cùng với cân nặng thai nhi tuần 20, sự thay đổi của mẹ bầu là thông tin được nhiều người quan tâm.
Trước tiên, bạn có thể gặp tình trạng sữa non chảy ra. Bên cạnh đó, đầu núm vú có chất dịch trắng. Đây là một biểu hiện bình thường và trong quá trình tắm rửa hàng ngày, mẹ nên vệ sinh nhẹ nhàng, không chà xát mạnh.
Tình trạng ốm nghén thường đã giảm đi ở tuần 20, và cân nặng của mẹ cũng chưa tăng quá nhiều. Mẹ bầu có thể cảm thấy nhanh nhẹn và thoải mái. Hãy tận hưởng giai đoạn dễ chịu này trong thai kỳ bởi nó không kéo dài quá lâu.
Mẹ cũng cần chăm sóc bản thân, nếu có cảm giác đau nhức, hãy xoa bóp và luyện tập nhẹ nhàng. Đặc biệt trong giai đoạn này, mẹ nên thường xuyên trò chuyện với thai nhi. Thai nhi đã có thể nghe được giọng nói của mẹ, và việc nói chuyện thường xuyên sẽ giúp bé cảm thấy an toàn. Bạn cũng có thể cho bé nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương để làm bé cảm thấy thoải mái và giúp não bộ phát triển.
Cũng ở tuần thai này, em bé đang ngày càng phát triển và tạo áp lực lên cơ thể mẹ. Một số phụ nữ có thể gặp tình trạng giãn tĩnh mạch, gây sưng phù ở chân. Mẹ nên nằm nghiêng về phía trái, đặt chân cao khi ngủ và ngồi, và thường xuyên tập thể dục với những bài tập phù hợp.
>> Xem thêm:
- Tham khảo bảng cân nặng thai nhi đạt chuẩn mới nhất
- Mẹ bầu ăn xoài có tốt không?
Những lời khuyên cần nhớ ở tuần 20 cho thai kỳ khỏe mạnh
Để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, việc bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết là rất quan trọng trong quá trình mang thai. Một số vitamin và khoáng chất quan trọng bao gồm axit folic, canxi và sắt. Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết liều lượng và cách sử dụng phù hợp cho từng trường hợp.
Chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng để đảm bảo cân nặng thai nhi tuần 20. Mẹ bầu nên có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bao gồm các thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, sữa, rau quả, thịt không chất béo và đảm bảo uống đủ nước hàng ngày.
Tập luyện nhẹ nhàng cũng có lợi cho sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu có thể tham gia các hoạt động như yoga cho bà bầu, bơi lội hoặc đi bộ nhẹ nhàng. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Việc đi khám thai định kỳ cũng rất quan trọng để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu. Đi khám định kỳ giúp bác sĩ đánh giá sự phát triển của thai nhi một cách chính xác và phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
Mẹ bầu cũng nên tuân thủ các chỉ định chăm sóc thai kỳ và đo lường cân nặng đều đặn. Điều này giúp đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi và giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe liên quan.
Với một số thông tin chia sẻ trên, chắc hẳn các bạn đã biết cân nặng thai nhi tuần 20 thế nào đạt chuẩn. Bên cạnh đó, đừng bỏ qua những lưu ý quan trọng để có thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông bạn nhé.