Giáo dục kỹ năng sống cho con là vấn đề cha mẹ luôn quan tâm. Bởi ngoài việc học các kiến thức trên sách vở con cũng cần có các kỹ năng mềm để có thể ứng xử một cách linh hoạt, nhanh nhạy hơn. Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ tại nhà vô cùng cần thiết giúp các con có thể chủ động, tự lập và trang bị cho mình nhiều kiến thức để có thể tự tin và cư xử một cách khéo léo hơn.
Cha mẹ làm gương cho trẻ học theo
Dạy các kỹ năng cho trẻ thông qua những hành động của bố mẹ chính là cách dạy thiết thực nhất. Trẻ thường có thói quen quan sát và làm theo những người xung quanh mình đặc biệt là cha mẹ. Tấm gương sáng nhất của con chính là cha mẹ, hãy hành xử thật đúng mực để con có thể noi theo:
-
Luôn niềm nở chào hỏi khi khách đến nhà
-
Tôn trọng người lớn tuổi và mọi người xung quanh
-
Sống trung thực, thật thà
-
Luôn giúp đỡ người khác khi có thể
-
Luôn lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng ý kiến của người khác
-
Có chính kiến riêng, biết bảo vệ quan điểm, lập trường
-
Sống gọn gàng ngăn nắp
-
Chủ động làm việc của mình
-
Không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn
-
Học hỏi không ngừng, có ý chí cầu tiến
Để con được trải nghiệm thực tế
Cho con được trải nghiệm qua các môi trường thực tế để con có cơ hội cảm nhận cuộc sống xung quanh mình. Nhiều cha mẹ bao bọc con quá mức sợ con bị bệnh hay sợ con bị tác động xấu từ xung quanh, điều này vô tình làm trẻ bị cách ly ra khỏi môi trường bên ngoài khiến bé mất đi cơ hội được tiếp xúc thực tế.
Con không thể có sức đề kháng tốt với môi trường tự nhiên, đồng thời những hiểu biết về cuộc sống xung quanh của con sẽ bị hạn chế rất nhiều. Hãy cho bé ra ngoài khám phá những vẻ đẹp của thiên nhiên, cho con cảm nhận mọi thứ từ ánh sáng, không khí, nắng, gió, nhìn ngắm các loài động vật, cây cối để con cảm nhận được sự tuyệt vời của thiên nhiên. Giúp con cảm thấy trân trọng cuộc sống của mình và yêu thiên nhiên hơn.
Cho trẻ tự lập, tự quyết định
Dạy trẻ tự lập để con có thể tự chăm sóc cho bản thân, tự quyết định cuộc đời của mình. Trước hết cha mẹ hãy để cho trẻ tự quyết định những việc mà con muốn làm, tôn trọng ý kiến của con để con cảm thấy mình được ghi nhận và có trách nhiệm hơn với quyết định của mình. Lắng nghe con và đưa ra cho con những gợi ý, những lời khuyên hữu ích để con có thể làm tốt hơn.
Hướng dẫn con tự chăm sóc bản thân bằng cách chăm sóc cơ thể, tự dọn dẹp, học cách nấu ăn, sống khoa học, có giờ giấc và quản lý chi tiêu. Các kỹ năng này cần dạy cho bé càng sớm càng tốt để con có thể chủ động trong mọi việc và không phụ thuộc vào người khác.
Cho con tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau
Tạo điều kiện để con có thể tham gia vào nhiều môi trường giao tiếp khác nhau. Với mỗi một môi trường con cần có cách hành xử thích hợp, từ đó con có khả năng ứng biến nhanh nhạy, biết cách xử lý mọi tình huống. Cho trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội, vui chơi tại nơi đông người hay tham gia vào một cộng đồng nào đó để con có thể giao tiếp với nhiều hơn.
Có thể cho bé đi công viên, đi trung tâm thương mại, tham gia các chương trình ngoại khóa, các cuộc thi để con có thể tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, biết cách tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình. Từ việc tiếp xúc với nhiều người xung quanh, khả năng giao tiếp của con được cải thiện đáng kể, con có thể học được những điều tốt từ mọi người, biết cách phối hợp để cùng nhau hành động và phát huy được tài năng cá nhân.
Quan sát, đánh giá, sửa sai khi con mắc lỗi
Cha mẹ cần trở thành những người thầy công tâm nhất đối với các con để giúp con tiến bộ hơn từng ngày. Hãy quan sát những hành vi của trẻ để xem con đã làm đúng hay chưa và dành cho con những lời khen đúng lúc và những lời khuyên kịp thời. Không phải lúc nào trẻ cũng có thể thực hiện đúng ngay lần đầu tiên, cha mẹ hãy thật kiên nhẫn chỉ dạy để trẻ có thể làm tốt hơn cho những lần tiếp theo.
Không nên khó chịu mà cáu gắt trẻ ngay lập tức, đặc biệt là ở chốn đông người. Điều này sẽ làm bé xấu hổ, tâm lý, khiến các bé dần trở nên nhút nhát, thu mình lại và ngại mình làm sai. Hãy đem con về nhà, thật nhẹ nhàng chỉ cho con biết những việc con làm như vậy là không tốt, mọi người xung quanh sẽ không vui, hướng dẫn con cách làm đúng để lần sau con có thể làm tốt hơn.
Và hãy đừng quên dành cho con những lời khen khi con làm tốt, đây là liều thuốc tinh thần rất tốt, giúp con có thể vui vẻ, cảm thấy mình được yêu mến, con sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên cũng không nên khen trẻ một cách quá đà khiến con bị tự phụ và làm để chỉ được khen.
Xem thêm: Trang bị kỹ năng sống cho trẻ thiếu niên: 10 kỹ năng vô cùng cần thiết
Cho con xem các video, tranh ảnh
Cha mẹ có thể dùng các video hay hình ảnh để dạy kỹ năng sống cho trẻ, đặc biệt là những trẻ ở độ tuổi mầm non. Qua những hình ảnh và video thực tế này các con sẽ học được nhanh hơn và cảm thấy vui vẻ. Những hình ảnh sống động và âm thanh thú vị vui nhộn sẽ làm bé bị thu hút và học một cách chủ động hơn.
Cùng con đọc sách, xem tranh để con có thể học được những bài học từ những mẩu chuyện nhỏ, những nhân vật mà bé yêu thích, điều này con giúp tình cảm giữa bố mẹ và bé ngày càng gắn kết hơn. Hiện nay cũng có rất nhiều các kênh youtube dạy kỹ năng sống cho trẻ các nhân vật hoạt hình vui nhộn rất phù hợp cho các bé mầm non. Hãy lựa chọn những kênh phù hợp để con có thể vừa thư giãn, vừa học hỏi được những điều tốt qua những video mà bé xem được.
Vui chơi cùng bé
Việc học kỹ năng sống của trẻ cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhờ việc thông qua các trò chơi. Con sẽ cảm thấy dễ tiếp thu, vui vẻ, không bị gò bó và dễ mở lòng với cha mẹ hơn. Cha mẹ có thể tham gia cùng con các trò chơi giải đố, đặt ra các tình huống để con có thể trả lời, cùng con chơi những trò chơi giúp con phát triển về cả trí tuệ, tư duy và cảm xúc.
Với các trẻ nhỏ có thể sử dụng các loại đồ chơi dạy kỹ năng sống cho trẻ để con có thể học tập. Lưu ý lựa chọn các sản phẩm có chất liệu an toàn, màu sắc thu hút, bắt mắt với trẻ.
Cha mẹ có thể tham khảo các cách làm trên để dạy kỹ năng sống cho trẻ tại nhà. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho con, đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu và kiên nhẫn dạy cho con các kỹ năng cần thiết nhất. Trang bị các kỹ năng sống cho con giúp con có thể tự tin, mạnh mẽ và trưởng thành hơn.
Nguồn: Tổng hợp Internet