Hồ Qiandao hay còn gọi là hồ Ngàn Đảo nằm ở Chiết Giang, Trung Quốc, cách thành phố Hàng Châu khoảng 150 km. Đây là hồ nước nhân tạo, được hình thành sau khi hoàn thành nhà máy thủy điện trên sông Xin’an.
Năm 1959, để xây dựng hồ chứa Qiandao, một thung lũng đã được xả ngập tới 17.8 km khối nước trên diện tích 573 km vuông. Sở dĩ hồ được gọi như vậy là bởi ở đây có khoảng 1.078 đảo lớn và vài nghìn đảo nhỏ nằm rải rác.
Hồ Qiandao, được biết đến với màu nước trong vắt, thậm chí còn có thể uống được. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều cánh rừng rậm rạp và những hòn đảo kỳ lạ. Thời gian gần đây, hồ Qiandao đã trở thành một điểm du lịch thu hút với các đảo theo chủ đề như đảo chim, đảo rắn, đảo khỉ, đảo khóa (được cho là có ổ khóa lớn nhất thế giới) và hòn đảo nhắc bạn về thời thơ ấu của mình.
Nhưng những gì nằm bên dưới hồ có lẽ thú vị và ẩn chứa nhiều bí mật hơn thế.
Trước khi thung lũng bị xả ngập nước như hiện nay, dưới chân núi Wu Shi (Núi Ngũ Sư) có hai thành phố cổ tráng lệ là Shi Cheng và He Cheng. Shi Cheng được xây dựng cách đây hơn 1300 năm vào năm 621 sau Công nguyên trong triều đại nhà Đường (618-907 sau Công nguyên) và từng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong khi đó, thành He Cheng thậm chí còn lâu đời hơn: được thành lập vào năm 208 sau Công nguyên dưới thời nhà Hán (25 – 200 sau Công nguyên) và được coi như một trung tâm kinh tế dọc theo sông Xin’anjiang.
Cả He Cheng và Shi Cheng đều bị chính thức “biến mất” vào tháng 9/1959 khi chính phủ Trung Quốc quyết định xây một nhà máy thủy điện mới và một hồ chứa để cung cấp lương thực trong bối cảnh dân số thành phố Hàng Châu ngày càng tăng. Cùng với hai thành cổ còn có 27 thị trấn khác, 1.377 ngôi làng, gần 50.000 mẫu đất nông nghiệp và hàng ngàn ngôi nhà dân cư đã bị ngập nước. Trước khi Shi Cheng bị ngập nước, 290.000 người đã được di dời đi khỏi nơi mà tổ tiên họ đã sinh sống suốt 1.300 năm.
Các thành phố He Cheng và Shi Cheng đã bị lãng quên trong khoảng bốn thập kỷ chỉ cho đến năm 2001, khi Qiu Feng, một quan chức địa phương phụ trách du lịch, thảo luận về các hoạt động giải trí trên hồ Qiandao với một câu lạc bộ lặn có trụ sở tại Bắc Kinh. Ông Qiu muốn tận dụng những gì còn sót lại của hai thành cổ và hỏi những người thợ lặn liệu họ có thể lặn xuống nước và xem xét nó không.
Vào ngày 18/9/2001, nỗ lực tìm kiếm thành cổ lần đầu tiên đã được triển khai. “Chúng tôi đã rất may mắn. Ngay khi lặn xuống hồ, chúng tôi đã tìm thấy bức tường bên ngoài của thành cổ và thậm chí còn nhặt được một viên gạch”, Qiu kể trong một cuộc phỏng vấn. Qiu nhanh chóng báo cáo phát hiện của mình cho chính quyền địa phương. Khi nhiều nghiên cứu được tiến hành, người ta phát hiện ra rằng toàn bộ thành cổ bị nhấn chìm trong nhiều thập kỷ vẫn còn nguyên vẹn. Ngay cả dầm gỗ và cầu thang cũng được giữ nguyên.
Năm 2005, sở du lịch địa phương đã phát hiện thêm ba thành cổ khác dưới nước. Ngày 7/1/2011, những nơi nay được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong tháng tiếp theo, tạp chí Địa lý Quốc gia Trung Quốc đã in ảnh của thị trấn. Chính quyền địa phương rất vui mừng, nhưng vấn đề làm thế nào để bảo tồn các thành phố cổ vẫn còn đó.
Một số đề nghị xây tường bảo vệ và rút nước ra. Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém và các bức tường không thể chịu được áp lực.
Sau đó, người ta đề xuất mở cửa các thành cổ ngập nước này cho khách du lịch. Một chiếc tàu ngầm cao 23,6 mét, ngang 3,8 mét với sức chứa 48 chỗ ngồi đã được chế tạo với chi phí 40 triệu nhân dân tệ (6,36 triệu USD) cho các chuyến thăm dưới nước. Nhưng kể từ khi hoàn thành vào năm 2004, chiếc tàu ngầm này không bao giờ được sử dụng. Các quan chức địa phương cho biết luật pháp không cho phép tàu ngầm lặn vào vùng nước nội địa. Hơn nữa, không có quy tắc nào điều hành tàu ngầm dân sự. Ngay cả khi được phê duyệt chính thức, tàu ngầm có thể gây ra dòng nước mạnh dưới nước, có thể làm hư hại các di tích.
Một số chuyên gia tin rằng điều tốt nhất nên làm bây giờ là không làm gì cả, vì công nghệ còn hạn chế. Fang Minghua, cựu Giám đốc Văn phòng Quản lý Di sản của huyện Chun’an, cho biết: “Trước khi khai thác các di tích văn hóa của mình, chúng ta nên bảo vệ chúng”. Ông nói rằng hiện tại, không có phương án sử dụng công nghệ nào khả thi.
Cuối năm 2002, Viện Cơ học, Viện Khoa học Trung Quốc đề xuất xây dựng cầu Archimedes hay còn gọi là đường hầm treo. Cầu Archimedes là một dự án khó khăn. Bảy quốc gia bao gồm Na Uy, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Brazil và Mỹ đang nghiên cứu dự án này. Nếu cầu Archimedes cho hồ Qiandao thành công thì đây sẽ là cây cầu Archimedes thực sự đầu tiên trên thế giới.
Đỗ An(Theo AP)