Rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ luôn khó khăn với các ba mẹ nhưng nếu thành công, con bạn không chỉ phát triển một thói quen tốt mà còn mở rộng hiểu biết, học tập tốt hơn. Cùng với 8 bí kíp dưới đây, ba mẹ hãy thử động viên con đọc sách mỗi ngày nhé!
Điều gì khiến trẻ thường KHÔNG “yêu” sách?
Có đến hơn 80% trẻ đều thể hiện rằng chúng không hề thích đọc sách với vô vàn lý do là con buồn ngủ lắm, con thấy không vui bằng các trò chơi hay con đọc mà chẳng hiểu gì cả,… Tóm lại, những điều dưới đây thường là nguyên nhân khiến con “chán” sách và ba mẹ cần hiểu rõ.
Bản thân ba mẹ không thích và không có thói quen đọc sách
Thực tế, đa số ba mẹ cũng đều không có thói quen đọc sách hoặc nếu có thì họ sẽ đọc Ebook thay vì sách giấy. Trẻ nhỏ lại thường học theo ba mẹ nên chúng cũng sẽ như bạn, không thích đọc sách mà lại thích những trò chơi trên thiết bị điện tử.
Con bạn nghĩ việc đọc sách thật nhàm chán
Nếu hỏi 10 bé thì khả năng có đến 8 9 bé nói đọc sách chán vì điều đó khiến chúng buồn ngủ, càng đọc càng không hiểu. Ngay cả khi đọc truyện tranh thì cũng chỉ đọc 1 2 lần rồi thôi vì nội dung không gây hứng thú với chúng.
Trẻ cảm thấy việc đọc sách là một việc vặt
Đọc sách vốn là một thói quen cần có quá trình xây dựng nhưng đa phần chúng ta hay trẻ em đều chỉ nghĩ nó như một việc làm vào lúc rảnh rỗi, không quan trọng. Chính vì tâm lý này nên bản thân ba mẹ cũng chưa chắc hình thành được thói quen đọc sách mà con thì lại luôn học theo ba mẹ nên càng khó khăn hơn.
Không hiểu tâm tư sở thích của trẻ
Chắc chắn ba mẹ cũng từng gặp tình huống trong một danh sách truyện mua về, trẻ chỉ thích 1 2 quyển và cũng chỉ xem duy nhất quyển đó. Đến khi chán, chúng sẽ không đọc nữa và cũng không có ý định xem những quyển còn lại. Điều này chính là do bạn mua sách không đúng ý muốn của trẻ và bạn cũng chưa đủ hiểu con thích thể loại sách gì để mua cho phù hợp.
Kỳ vọng quá nhiều về số lượng sách đọc được
Nói về khoảng 10% trẻ còn lại, chúng thực sự có thích đọc sách nhưng việc bố mẹ kỳ vọng con đọc nhiều và phải hiểu mọi thứ khiến chúng áp lực. Nếu tình trạng này kéo dài, con sẽ dần mất đi hứng thú với việc đọc sách và chúng càng muốn tránh xa những cuốn sách để không còn bị ba mẹ phàn nàn, ép buộc.
8 Tips để động viên trẻ đọc sách mỗi ngày
Như vậy, có rất nhiều lý do khiến trẻ “ghét” sách nên ba mẹ thực sự có nhiều trở ngại khi muốn rèn luyện thói quen này cho con. Nếu muốn con thay đổi suy nghĩ, bạn cần phải hành động như một người làm mẫu và tạo nên hứng thú, niềm vui trong việc đọc để con tự mình làm quen và “say mê” với thói quen mới.
Khiến đọc sách trở thành thói quen hàng ngày
Bạn có thể bắt đầu nuôi dạy trẻ đọc sách từ ngày con chào đời. Hãy biến việc đọc sách thành thói quen bằng cách chia sẻ sách với con trước khi đi ngủ. Hãy ôm con và đọc một mẩu chuyện hay với giọng đọc chậm, truyền cảm để trẻ lắng nghe và cảm nhận.
Đọc trước và làm gương cho con
Bất kể bạn yêu thích sách, tạp chí hay tiểu thuyết đồ họa nào đó, hãy để con thấy bạn đang đọc. Trẻ em học hỏi từ những gì chúng quan sát được, vì vậy nếu bạn hào hứng với việc đọc sách, con bạn có thể sẽ cảm nhận được sự say mê đó.
Sáng tạo không gian đọc thú vị
Nếu như bạn thường thích ngồi cafe yên tĩnh để thưởng sách thì con cũng vậy, con cũng muốn mình có một không gian thú vị để có thêm niềm vui khi đọc. Không gian đọc sách của con không cần phải rộng hay có nhiều giá sách. Hãy chọn một nơi thoải mái, có đủ ánh sáng và đủ chỗ để đặt một hoặc hai cuốn sách có thể giúp con bạn kết nối việc đọc với sự ấm cúng và thoải mái.
Sẵn sàng cho một chuyến đi đến thư viện
Khi con bạn lớn hơn, thư viện là nguồn tài nguyên tuyệt vời để khám phá miễn phí những cuốn sách và tác giả mới. Nhiều thư viện còn có giờ đọc truyện hoặc các chương trình đọc viết khác dành cho trẻ em. Những chuyến đi như vậy sẽ giúp con bạn có cơ hội phát triển thói quen đọc sách tốt và thấy những đứa trẻ khác cũng làm như vậy.
Hãy để con được lựa chọn sách đọc
Chuyến đi đến thư viện có thể đặc biệt hơn khi bạn cho con mình thời gian để quan sát xung quanh và khám phá. Trẻ em có nhiều khả năng muốn đọc thứ gì đó mà chúng tự chọn ra. Để giúp thu hẹp các lựa chọn, hãy đưa cho con bạn một phần sách để lựa chọn.
Thử trải nghiệm mọi thứ đã đọc
Đây sẽ là những trải nghiệm thú vị để trẻ có thêm niềm vui từ việc đọc sách bởi mỗi lần khám phá thêm 1 điều mới mẻ, con biết rằng mình có cơ hội thử nó.
Chẳng hạn, bạn có thể cùng con ngâm cứu và làm thử bia bơ sau khi đọc truyện “Harry Potter” hoặc món kẹo dẻo Thổ Nhĩ Kỳ trong biên niên sử Narnia – “The Lion, the Witch, and the Wardrobe”. Hoặc bắt đầu trồng một khu vườn với nhau sau khi đọc xong “Khu vườn bí mật”.
Một cách khác, bạn có thể tạo sự kết nối giữa sách với thực tế bằng cách đưa trẻ đến một nơi tương tự được đề cập trong đó. Giả dụ nếu con vừa đọc xong một cuốn sách về nông thôn, hãy đưa con đến tham quan trang trại và trải nghiệm những điều thú vị.
Tìm những khoảnh khắc đọc sách trong cuộc sống hàng ngày
Đọc sách không chỉ là ngồi đọc một cuốn sách hay mà đó cũng là một phần của cuộc sống hàng ngày. Khi bạn trải qua một ngày, hãy giúp con bạn để ý đến “những khoảnh khắc đọc sách”. Chúng có thể đơn giản như đọc biển báo đường, danh sách hàng tạp hóa hoặc công thức nấu ăn.
Đọc lại những cuốn sách yêu thích
Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi khi đọc đi đọc lại cùng một câu chuyện nhưng con bạn có thể thích nó. Trẻ em thích phát hiện ra những điều chúng đã bỏ lỡ lần đầu tiên trong câu chuyện hoặc trong các bức tranh. Cuối cùng, con bạn thậm chí có thể bắt đầu đọc sách cho bạn nghe.
Gợi ý sách hay cho bé rèn luyện thói quen đọc sách
Cùng với những mẹo đọc sách trên, ba mẹ có thể lựa chọn một số tựa sách hay, ý nghĩa dưới đây để bắt đầu cho trẻ rèn luyện thói quen đọc.
Sách hay của tác giả Việt Nam
-
Dế mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài
-
Góc sân và khoảng trời (thơ) – Trần Đăng Khoa
-
Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi
-
Đảo mộng mơ – Nguyễn Nhật Ánh
-
Bầu trời trong quả trứng (thơ) – Xuân Quỳnh
-
Chuyện hoa chuyện quả – Phạm Hổ…
Tựa sách bổ ích của tác giả nước ngoài
-
Không gia đình – Hector Malot
-
Những cuộc phiêu lưu kì lạ của Karik và Valia – Yan Larri
-
Hoàng tử bé – Antoine de Saint-Exupéry
-
Alice ở xứ sở trong gương – Lewis Carroll
-
Khu vườn bí mật – Frances Hodgson Burnett
-
Charlotte và Wilbur – E.B. White
-
Mãi yêu con – Robert Munsch
-
Con yêu bố chừng nào – Sam McBratney
-
Tận cùng nơi lối đi này – Shel Silverstein
-
Pippi tất dài – Astrid Lindgren
-
Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh – L.M. Montgomery
-
Charlie và nhà máy sôcôla – Roald Dahl…
Rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ muốn thành công trước hết là ba mẹ cần trở thành tấm gương của trẻ. Khi con có thể học và làm theo, sẽ rất dễ để bạn đưa con đến đoạn “yêu” sách và biến nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Hãy thử áp dụng các mẹo trên và cho Timnhanh.com.vn biết thành quả của bạn nhé!
Nguồn: Tổng hợp Internet