Trẻ bị vấp ngã trong khi chơi đùa hay gặp tai nạn có thể bị ngã rách môi trong. Trong tình huống trẻ bị ngã rách môi trong này cha mẹ cần xử lý như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có thể sơ cứu cho bé đúng cách.
Sơ cứu cho trẻ khi trẻ bị ngã rách môi trong như thế nào
Do khu vực miệng có nhiều mạch máu nhỏ nên khi bị tổn thương khiến vết thương có vẻ bị nặng hơn rất nhiều so với thực tế. Chỉ cần một vết cắt nhỏ trong miệng cũng đủ khiến bé chảy rất nhiều máu. Khi trẻ bị ngã rách môi trong, cha mẹ nên bình tĩnh xử lý để giúp trẻ bớt sợ hơn. Khi đã bình tĩnh trở lại, mẹ xử lý vết thương miệng cho bé theo các bước sau để cầm máu, giảm đau, phòng ngừa nhiễm trùng và chữa lành vết thương:
Cầm máu
Đối với các vết thương ở môi trong (môi trên hay môi dưới), nên nhẹ nhàng đè chỗ môi bị chảy máu lên phần răng hay nướu của bé trong khoảng 10 phút hoặc càng lâu càng tốt. Tuyệt đối không kéo môi bé ra kiểm tra thử vì làm như vậy máu sẽ chảy trở lại.
Đánh lạc hướng bé
Nếu có thể, mẹ hãy mở một đĩa DVD hoặc một kênh chương trình bé yêu thích nhằm làm bé phân tâm để có thể xử lý dễ hơn. Bé ngồi yên càng lâu cho cha mẹ xử lý vết thương thì máu càng nhanh ngừng chảy.
Làm mát
Để giảm đau và giảm sưng, mẹ có thể dùng một túi nước đá hoặc rau củ đông lạnh áp vào bên ngoài miệng chỗ chảy máu. Mẹ cũng có thể cho bé mút kem lạnh khi vết thương trong miệng không quá lớn.
Dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết
Thường thì vết thương miệng sẽ không khiến bé bị đau kéo dài. Tuy nhiên nếu bé vẫn khó chịu nhiều, mẹ có thể cho bé dùng một ít thuốc giảm đau. Lưu ý, chỉ dùng khi cảm thấy thật sự cần thiết và nên có sự thông qua của bác sĩ.
Cho bé nghỉ ngơi
Trong trường hợp bé không bị quá nặng hay vết rách không quá nghiêm trọng cha mẹ có thể để bé tại nhà và chăm sóc. Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ, nằm ở tư thế thoải mái, tránh tư thế nằm úp mặt khiến đụng vào vết rách gây đau. Hạn chế cho bé vận động tránh làm vết rách chảy máu trở lại.
Trường hợp nào cần đưa trẻ đến bệnh viện
Đa phần các vết thương tại miệng có thể tự xử lý tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để bảo đảm an toàn:
-
Chảy máu nhiều, không thể ngừng dù đã đè ép sau 10 phút.
-
Bé giãy giụa nhiều, mẹ không đè gạc để cầm máu được và máu chảy rất nhiều.
-
Vết rách sâu, vết rách mở mép hoặc vết rách dài hơn 1cm.
-
Có lẫn mảnh vỡ hoặc bụi bẩn trong vết thương.
-
Vết thương xuyên thủng vòm miệng, cổ họng hoặc a-mi-đan (ví dụ như khi bé ngã mà đang cầm bút hay vật nhọn) có thể làm tổn thương sâu đến các mô ở đầu, cổ.
-
Vết thương gây ra bởi những vật bẩn hoặc gỉ sét (nhất là khi mẹ không chắc về việc bé được tiêm ngừa uốn ván hay chưa).
-
Vết rách môi do bị người hay động vật cắn .
-
Mẹ nghi ngờ có gãy xương hàm (ví dụ như bé không thể di chuyển hàm hoặc gò má bé sưng lên).
-
Khi bé bị ngã khiến răng bé bị gãy hay vỡ ra (đem theo răng của bé đến gặp nha sĩ để được điều trị). Mẹ có thể xem cách bảo quản răng khi đem đến bệnh viện tại đây.
-
Vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, đỏ, đau tăng nhiều, sốt) trong vài ngày đầu sau khi bị thương.
Chăm sóc trẻ bị ngã rách môi tại nhà như thế nào
Cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà trong trường hợp trẻ bị ngã rách môi trong không quá nghiêm trọng hoặc đã được khâu và chờ ổn định trở lại. Có thể thực hiện các biện pháp sau đây để giảm các cơn sưng đau của trẻ, giúp bé nhanh lành hơn.
Chườm giảm sưng đau
Thường các vết rách trong môi sẽ khiến trẻ bị sưng đau trong vài đầu tiên. Cha mẹ có thể làm giảm sưng đau cho trẻ bằng cách sử dụng đá lạnh bọc trong khăn và chườm bên ngoài miệng của trẻ. Hơi lạnh sẽ khiến bé bị tê và làm giảm sưng nhanh hơn
Cho bé súc miệng nước muối
Cho bé súc miệng bằng nước muối nhiều lần trong ngày để giúp bé sát khuẩn, loại bỏ vi khuẩn gây hại. Có thể chủ động pha nước muối súc miệng cho trẻ bằng công thức sau:
-
½ thìa muối tinh
-
1 cốc nước ấm
Cho muối vào cốc nước rồi khuấy đều lên sau đó cho trẻ súc miệng.
Xem thêm: Trẻ bị ngã sưng môi phải làm sao? Các mẹo làm giảm sưng môi cho trẻ
Cho trẻ ăn uống như thế nào khi bị ngã rách môi trong
Nên cho trẻ ăn uống như thế nào để vừa bổ sung được dinh dưỡng cho trẻ, lại tránh gây xót, khó chịu khi ăn
Nên cho trẻ ăn uống gì
Trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ nên lưu ý một số thông tin dưới đây
-
Cho trẻ ăn nhạt, nêm nếm gia vị vừa phải
-
Nấu thức ăn dạng lỏng, mềm, nấu nhừ để trẻ dễ dàng nhai nuốt
-
Cho trẻ ăn các loại đồ ăn có tính mát như rau xanh, đậu
-
Cho trẻ uống nhiều nước và các loại nước ép rau củ, trái cây
Nên kiêng ăn uống gì khi trẻ bị ngã rách môi trong
Ăn uống không cẩn thận có thể khiến vết rách môi của bé bị xót, sưng tấy, làm bé khó chịu và kéo dài thời gian hồi phục hơn. Cha mẹ nên tránh cho trẻ ăn các loại đồ ăn sau:
-
Không cho trẻ ăn các loại gia vị có vị mặn nhiều như nước mắm, đồ cay nóng như tỏi ớt để tránh làm vết thương môi của trẻ bị xót hay sưng đau
-
Hạn chế các loại đồ ăn cứng như xương hay các loại hạt
-
Không cho trẻ ăn, uống các loại hoa quả có tính axit cao như cam, chanh
Trẻ bị ngã rách môi trong sẽ khỏi trong khoảng 1 tuần nếu được chăm sóc cẩn thận. Cha mẹ nên lưu ý để tránh trường hợp trẻ làm vết thương nặng hơn.
Nguồn: Tổng hợp Internet